Nam Định - Cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông

03:12, 06/12/2011

Do Nam Định là một bộ phận của đồng bằng sông Hồng, cho nên nhiều cảnh quan tại Nam Định cũng chỉ là một bộ phận của cảnh quan chung với các tỉnh khác, mà cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông là một trường hợp. Cũng vì thế mà những đoạn nhỏ, khúc nhỏ, thường được coi như một dạng địa lý mà không phân riêng thành một cảnh độc lập. Cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông tại Nam Định là một bộ phận của cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông Hồng với các chi lưu hữu ngạn của nó. Ở đây đáng chú ý nhất là cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông Hồng và chi lưu sông Nam Định do có những bãi bồi rộng có thể trông thấy trên bản đồ tỷ lệ 1/200.000 được dùng để nghiên cứu, do đó chúng tôi chỉ phân ra cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông Hồng và sông Nam Định, trong đó cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông Hồng có một nửa trong tỉnh Thái Bình mà ranh giới vạch quy ước theo dọc theo trung tâm dòng sông Hồng.

Ranh giới cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông Hồng và sông Nam Định, là hai hàng đê, vạch theo hàng đê trong cùng là hàng đê đảm bảo sự cố định của cảnh quan, chỉ bị phá khi lũ cực mạnh, đồng thời cũng bao quanh các bãi bồi rộng có ý nghĩa về kinh tế- xã hội.

Cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông
Cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông

Cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông có nguồn gốc nhân sinh, vì thế độ ổn định của nó tương đối thấp, luôn luôn phải cảnh giác với các sự thay đổi về lòng sông, bãi bồi và sự công phá đê của nước lũ. Mặt khác đây cũng là một cảnh quan nửa đất, nửa nước theo mùa, mùa lũ nước tràn ra tận bờ đê và lòng cả như thế rất rộng phủ hết bãi bồi, chỉ vào mùa cạn thì nước mới xuống lòng con và bãi bồi vừa mới được bồi thêm trong mùa lũ được lộ ra, sẵn sàng phục vụ sản xuất. Cũng chính vì thế mà thổ nhưỡng phì nhiêu, thành phần cơ giới nhẹ và thoát nước phù hợp với các cây ưa khô như ngô, khoai, đậu, đỗ, lạc, rau. Bãi bồi ngoài đê cao hơn bãi bồi trong đê, lòng sông cũng cao dần, ảnh hưởng đến giao thông thủy và mực nước mùa lũ. Các khúc uốn cũng chuyển dịch dần dần ra phía biển, cho nên các khúc sông cũng không ổn định, kể cả lòng sông và hai bên bờ lở và bờ bồi. Do vậy cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông không có những xóm làng đông đúc như trong đê.

Trong cấu trúc thẳng đứng của cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông đáng chú ý nhất là thủy văn sông và các quá trình xói lở và bồi tụ tại các khúc uốn. Hiện nay dọc sông Hồng và sông Nam Định có đến 6 trạm thủy văn đo đạc mực nước, lưu lượng nước, độ đục phù sa, nhưng cần bổ sung các trạm nghiên cứu các quá trình địa hình làm thay đổi lòng sông, khúc uốn, bãi bồi. Cũng có thể bổ sung cán bộ địa lý đo đạc thêm các hạng mục về địa hình tại các trạm thủy văn, hoặc cử các cán bộ địa lý tại sở Khoa học công nghệ và môi trường định kỳ khảo sát địa hình sông đồng bằng. Vì nơi xung yếu là bờ lõm tại các khúc uốn, cho nên các xã Nam Mỹ, Nam Hồng là trọng điểm nghiên cứu. Khúc uốn đáng chú ý nhất là khúc uốn đi từ trạm Ngô Xá đến trạm Vũ Thuận vì cổ khúc uốn hẹp, dễ xảy ra trường hợp cắt dòng gây thủy tai lớn.

 Về cấu trúc ngang của cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông có 4 dạng chính là đê, bãi bồi ven sông, lòng sông và bãi giữa. Dạng đê là dạng điển hình và quan trọng, vì không có đê thì sẽ không có cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông. Đê sông Hồng và đê sông Nam Định mà dòng nước cũng như lượng phù sa không thua kém sông Hồng mấy, thuộc loại cao và vững chắc nhất. Độ cao tối thiểu phải trên mức báo động 3 và tối đa là trên mực nước cực đại, đồng thời thấp dần xuôi theo dòng sông về phía biển. Đê sông Hồng gần thành phố Nam Định cao 4- 5 m, tại Trực Ninh và Xuân Trường 3- 4 m, còn tại Giao Thủy chỉ còn khoảng 2 m. Chân đê và mặt đê rộng, chân đê phủ cỏ, còn mặt đê có nơi được rải đá hoặc đổ nhựa làm đường giao thông. Đê cách xa sông tại bờ lồi của khúc uốn như ở Mỹ Tân, Nam Thắng và gần sông ở bờ lõm như tại Nam Phong, Nam Mỹ, Nam Hồng và Nam Thanh ven sông Hồng, còn ven sông Nam Định thì xa sông tại các xã Đại Thắng và Yên Phúc.

Tại các nơi xa sông thì ngoài đê chính còn có đê phụ, đê bao, thể hiện quá trình ngăn lũ và chinh phục bãi bồi ven sông, kéo dài mùa vụ của nhân dân từ ngàn năm. Dạng bãi bồi ven sông như thế cũng rộng ở khu vực bờ lồi. Bãi bồi cao thấp không đều và bị chia cắt bởi các lạch nước nhỏ, trơ lòng vào các tháng cạn kiệt, tất cả thoải dần về phía lòng sông lớn. Bãi bồi ven sông rộng dần khi lòng sông chuyển dịch ngang và xâm thực bờ lõm làm cong dần khúc uốn, khúc uốn càng cong thì bãi bồi ven sông càng rộng.

Dạng lòng sông Hồng có nhiều khúc uốn rộng và cong hơn dạng lòng sông Nam Định. Từ khi sông Hồng vào địa phận Nam Định, cho đến trạm Vũ Thuận tại xã Xuân Châu, có đến 3 khúc uốn lớn, trong đó cong nhất là khúc uốn giữa hai trạm Ngô Xá và Vũ Thuận, tạo xu thế cắt dòng nếu cổ khúc uốn hẹp thêm nữa. Từ Xuân Châu ra cửa Ba Lạt còn có một khúc uốn rộng, nhưng ít cong từ xã Xuân Tân đến xã Giao Hương. Từ sông Vọp đến sông Trà, cửa sông Hồng rất rộng, đến hơn 1 km.

Tại các chỗ lòng sông rộng, như ở Nam Thắng, giữa dòng rộng đến 1 km, nổi lên một bãi giữa thuộc Nam Định, sau đó tại Xuân Châu, Xuân Thành có một bãi giữa nữa, nhưng thuộc tỉnh Thái Bình. Bãi giữa Nam Thắng cũng không ổn định lắm, nên không có làng mạc định cư đông đúc.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com