Nam Định - Cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông

08:12, 13/12/2011

Ranh giới cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông là cảnh quan bãi bồi cao ngoài đê sông Hồng và sông Nam Định, đoạn sông Đáy từ cửa sông Nam Định đến chỗ gặp đường 56 và ranh giới giữa vùng đồng bằng bãi bồi sông không còn chịu tác động của biển và vùng châu thổ hiện tại còn chịu tác động của biển.

Đây là cảnh quan hình thành trong vòng 500 năm, từ thế kỷ X đến thế kỷ XV do châu thổ tiến với tốc độ rất nhanh, gấp 2-3 lần trước thế kỷ X, có thể do sau thế kỷ X, hệ thống đê đã dồn mạnh nước và phù sa về phía cửa sông Hồng, không cho nó tự do bồi đắp thêm cho đồng ruộng. Cũng vì được bồi mạnh mà nền tảng của cảnh quan là các bãi bồi phù sa sông khá cao, khiến cho đất đai tại cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông rất phì nhiêu, đa số là đất phù sa sông Hồng trung tính - ít chua và không glây. Độ ổn định của cảnh quan là cao nhất trong số 6 cảnh quan trong tỉnh, điều kiện khai thác thuận lợi, cho nên đây là nơi mà mật độ dân cư nông thôn  cao hơn cả (chỉ sau thành phố Nam Định), từ 1200 đến 2000 người/km2, so với cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông chỉ đạt 800 đến 1200 người/km2.

Cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông
Cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông

Điều kiện nhiệt - ẩm cũng thuận lợi, số giờ nắng từ 1650- 1700 giờ/năm, tổng nhiệt độ 8550- 86000C, đủ cho ba vụ lúa - mầu. Lượng mưa tăng dần từ phía sông Đáy về phía sông Hồng từ 1700 mm/năm đến trên 1800 mm/năm. Do nắng nhiều mà lượng bốc hơi tại cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông Nam Trực - Trực Ninh - Xuân Trường có cao hơn cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông Mỹ Lộc - Vụ Bản - Ý Yên từ 850 đến 950 mm/năm, nhưng lượng nước do mưa cung cấp vẫn dư tới 850 - 900 mm/năm và cung cấp cho toàn cảnh quan khoảng 0,39 - 0,41 tỷ m3 nước. Trong mùa đông - xuân có khoảng 2-3 tháng khô do lượng mưa tháng có thấp hơn lượng bốc hơi tháng, còn về hè - thu thì thừa thãi.

Đất phù sa sông Hồng mầu nâu tươi đến nâu xám, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, sức trữ ẩm trung bình đến nhiều, lượng ẩm hữu hiệu cao. Đất mầu mỡ do CEC khá, độ no bazơ cao, đạm lân kali nhiều, độ pH trung tính - ít chua (5,5- 7,5), hàm lượng mùn trung bình.

Do giáp ranh với vùng còn chịu ảnh hưởng của biển, mà cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông vẫn ít nhiều chịu tác động của biển. Độ mặn 1%o và 4 %o còn lên tới các con sông trong cảnh quan như biên mặn cực đại 1%o và 4%o lên tới sông Hồng thuộc địa phận huyện Xuân Trường, tới cả sông Ninh Cơ tại huyện Trực Ninh và huyện Xuân Trường. Riêng phía sông Đáy thì không chịu ảnh hưởng. Do vậy tại hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường vẫn còn một ít diện tích đất mặn ít và trung bình.

Cấu trúc ngang của cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông đơn giản hơn so với cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông, chỉ bao gồm 6 dạng địa lý có sự phân bố khá tập trung, đó là dạng bãi bồi cao, dạng bãi bồi thấp, dạng cồn cát cổ, dạng bãi triều cũ, dạng sông nội đồng và dạng quần cư nông thôn (làng xóm).

Dạng bãi bồi cao là nền thống trị, chiếm diện tích rộng lớn và trải liên tục suốt cảnh quan, nhưng khác căn bản với nền bãi bồi thấp úng trong cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông ở chỗ nó chiếm vị trí cao, còn những dạng phụ khác trên nền thường thấp hơn, còn nền bãi bồi thấp úng trong cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông lại chiếm vị trí thấp và những dạng phụ thường cao hơn.

Dạng bãi bồi thấp, đất phù sa bị glây là những đốm nhỏ, tập trung chủ yếu ven sông Hồng và sông Nam Định, sông Ninh Cơ ở chỗ mới tách ra từ sông Hồng, thuộc các xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Nam Thắng, Tân Thịnh, Trực Chính, Phương Định...

Hai dạng có nguồn gốc biển là dạng cồn cát cổ chạy theo hướng đông bắc- tây nam từ xã Tân Thịnh qua thị trấn Nam Giang đến xã Đồng Sơn huyện Nam Trực và dạng bãi triều cũ ở hai bên sông Ninh Cơ thuộc các xã Trực Hưng, Trực Thanh, Trực Nội, Trực Mỹ, Trực Cường, Trực Đại huyện Trực Ninh. Hai dạng này có diện tích khá lớn và khác rõ rệt với các dạng bãi bồi do sông ở tính chất đất và phương hướng sử dụng đất. Dạng cồn cát cổ là vùng chuyên canh lạc, còn dạng bãi triều cũ là đất mặn thời vụ, cần có biện pháp xử lý vào mùa khô.

Ngoài đoạn sông Ninh Cơ chạy qua cảnh như một trục giao thông thủy, các sông nội đồng chủ yếu là những kênh tiêu nước vào mùa mưa. Hệ thống sông nội đồng dài nhất, tiêu nước cho lưu vực hữu ngạn sông Ninh Cơ là sông Châu Thành chạy theo hướng bắc nam từ sông Hồng ở Điền Xá đến sông Ninh Cơ ở Trực Thuận, với phụ lưu tả ngạn là sông Cổ Lễ đổ vào sông Châu Thành tại xã Nam Hải. Cũng từ xã Nam Hải đoạn sông Châu Thành sau đó còn có tên là sông Rõng. Hệ thống sông nội đồng ở tả ngạn sông Ninh Cơ rất ngắn và là những đoạn nối sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Sò (sông Ngô Đồng), hoàn toàn chảy trong huyện Xuân Trường.

Dạng quần cư nông thôn trong cảnh rất dày đặc, trong đó có nhiều làng lớn và đông dân nhất tỉnh.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com