Cũng thật lạ, ở đất nước có nguồn gốc Rồng Tiên này, những tên núi, tên sông, tên đất, tên biển… tự lâu đời đã mang hình ảnh Rồng Tiên, từ Thăng Long, Hạ Long, Hàm Rồng, Vĩnh Long, Long An… cho đến đồng bằng sông Cửu Long phương Nam…
Có lẽ đã là người Việt Nam, ai cũng mong muốn trong đời mình có ít nhất một lần được đặt chân lên mảnh đất Lũng Cú, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Ngọn núi cao Lũng Cú nơi cực Bắc và mũi đất Cà Mau phù sa phương Nam là hai địa danh thương nhớ, luôn nằm trong trái tim của mỗi người Việt Nam yêu đất nước mình.
Những khách du lịch đã đến Hà Giang, hầu như ai cũng háo hức muốn được đến ngay vùng cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng núi non hùng vĩ nhất của nước ta, với diện tích 2.530km2, trải rộng trên đất đai bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng cao nguyên đá hiếm hoi nhất, với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, độ cao trung bình từ 1.400 đến 1.600 mét so với mực nước biển. Đây cũng là một vùng núi còn lưu giữ trong mình nó những nét văn hoá đặc sắc và nên thơ của cộng đồng các dân tộc vùng cao nước ta. Nhất là từ ngày 3 tháng 10 năm 2010, tại Lesves Hy Lạp, Hội đồng tư vấn mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đã chính thức công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu của nhân loại, danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và là thứ hai ở Đông Nam Á.
Song đã đặt chân tới vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, không ai là không muốn đến ngay Lũng Cú, nơi có cột cờ Quốc gia trên đỉnh núi Rồng. Cũng thật lạ, ở đất nước có nguồn gốc Rồng Tiên này, những tên núi, tên sông, tên đất, tên biển tự lâu đời đã mang hình ảnh Rồng Tiên, từ Thăng Long, Hạ Long, Hàm Rồng, Vĩnh Long, Long An cho đến đồng bằng sông Cửu Long tận phương Nam. Và chính ở Lũng Cú cực Bắc này, ngọn núi cao có cột cờ Quốc gia, khẳng định mãi mãi chủ quyền của đất nước ta, cũng lại được dựng trên ngọn núi Rồng, có tên gọi Long Sơn tự thuở ông bà xa xưa!
Con đường từ Thị trấn Đồng Văn vào Lũng Cú dài gần 20 cây số. Cái ngày mà nhà văn Nguyễn Tuân đặt chân tới Lũng Cú, để viết bài tuỳ bút nổi tiếng "Mỏm Lũng Cú tột Bắc" thời ấy còn lắm gian lao, tuy vậy con đường Hà Giang - Đồng Văn cũng đã hình thành, mặc dù nó còn là con đường đá mấp mô, men theo những dãy núi đá hiểm trở.
Trong bài tuỳ bút ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết:
"Hà Giang là một tỉnh biên giới nằm trên đỉnh đầu Tổ quốc. Người Hà Giang nhiều dáng nét, quả trái Hà Giang nhiều mùi vị. Núi Hà Giang hùng vĩ nhiều cổng trời, ngựa Hà Giang thon vó và mượt mã… Hình như lúc nào Hà Giang cũng nắn đường, nối đường, mở đường.
Trên con đường đèo vào Mèo Vạc xe tôi dừng ở đỉnh dốc Mã Pí Lèng, đúng chân tấm bia đá ghi công những người mở đường (khi làm con đường này nhiều thanh niên của 6 tỉnh Việt Bắc đã hy sinh - NV). Đoạn đường Mã Pí Lèng - Sống Mũi Ngựa này phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục mìn, đánh mìn, bổ đá khắc đá ra mà cấn mạch đường vào vách đá đứng thành vại.
Ba năm trước, cũng vào tiết thu tôi đã đứng ở mép vực Mã Pí Lèng nhìn dòng sông Nho Quế như thế này. Hồi ấy, đang phá đá để khai đường, ầm ầm cây lao xuống vực, ầm ầm đá lao xuống dòng sông tít tắp dưới kia, có hòn đá to bằng cái tủ áo nhưng chỉ lộn nhào vài chục vòng là tan vụn ra thành khói!".
Thì ra khi nhà văn Nguyễn Tuân viết bài "Mỏm Lũng Cú tột Bắc", ông đã lên Đồng Văn - Cao nguyên đá này lần thứ hai. Còn tôi, một người lên Hà Giang dạy học rồi sau đó làm báo ở đây, từ những ngày chưa có con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc này, tôi đã ghi vào sổ tay của mình tên những nhà lãnh đạo, những nhà văn nổi tiếng đã từng đi bộ, vượt dốc cao lên vùng núi hiểm trở này, vào những ngày tháng gian lao còn in trong trí nhớ của nhiều người những câu ca: "Dốc Bắc Sum, Hùm làng Đán, Dốc Cán Tỷ, Phỉ Đồng Văn…". Đó là đồng chí Trần Đăng Ninh được Bác Hồ cử lên gặp Vua Mèo Vương Chí Sình, là Bộ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch, là nhà thơ Thanh Tịnh - người có câu thơ vẫn còn được nhắc nhiều đến ở Đồng Văn "Lên đến Cổng Trời nhìn Quản Bạ/ Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian", đó là nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của thiên truyện nổi tiếng "Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng". Cái thời gian khổ ấy, những ai lên tới đây, còn được cán bộ và đồng bào Đồng Văn nhớ mãi!
Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu, đúng là một vùng đất nổi tiếng không chỉ của Hà Giang, mà là của cả nước ta và của cả nhân loại nữa. Về mặt khoa học, độ đa dạng địa chất ở đây rất cao, có tới 13 phân vị địa tầng với nhiều hoá thạch cổ sinh đặc trưng với gần 1.000 loài đã có mặt ở đây từ trên nửa tỷ năm. Ngoài những điểm nổi bật về địa mạo, đây còn là vùng núi có sức hấp dẫn rất lớn về cảnh quan. Từ Đồng Văn đến Mèo Vạc có rất nhiều kiểu địa hình, như các rừng đá, vườn đá, thú đá… trải rộng trên một không gian rộng lớn. Riêng đèo Mã Pí Lèng, các nhà khoa học địa chất thế giới đã phải thốt lên "Đây là một tượng đài địa chất hiếm có". Nhưng thật lạ, những ai đã lên tới Đồng Văn là đều muốn đến ngay với Lũng Cú, nơi lá cờ đỏ sao vàng rộng tới 54 mét, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em ở nước ta, ngày đêm phấp phới bay trên cột cờ Quốc gia Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng.
Lần đầu đến Lũng Cú, nhà văn Nguyễn Tuân viết:
“Liền mấy năm và bấy nhiêu lần đi Hà Giang, luôn luôn vấn vương về cái mảnh đất tận cùng Tổ quốc là xã Lũng Cú này đây. Nay tới được, nó như là giữ trọn được một lời hứa. Mở túi dết lấy bản đồ ra mà xem lại, thấy nó đúng là như vậy. Lũng Cú tột Bắc này và Cà Mau cực nam Nam Bộ trong đó là hai cái mũi nhọn cùng nằm trên một đường kinh tuyến 105 độ, mũi Lũng Cú đây ngả ngả sang mặt Đông, và mũi Cà Mau trong ấy chênh chếch sang phía Tây… và khi ta nói về chiều dài của nước ta, ta phải tính từ mũi Lũng Cú tới mũi Cà Mau, phải tính theo đường kinh tuyến xương sống đó thì mới là đúng".
Là một người viết báo, tôi đã nhiều lần lên tới Lũng Cú, xưa đi bộ với một cây gậy, một bi-đông nước, rồi có lần đi ngựa theo bộ đội biên phòng và bây giờ thì đã ngồi trong chiếc ô tô nhỏ dã chiến của huyện uỷ Đồng Văn, với một thanh niên lái xe còn trẻ, nhưng thuộc con đường này từng mô đá, từng khúc quanh co, thậm chí còn biết tên cả những đồng bào dân tộc nhà ở gần đường. Hơn nữa, chính anh còn là một thuyết minh cho khách về lịch sử của cột cờ Quốc gia nổi tiếng này.
Các đồng chí bộ đội biên phòng Lũng Cú kể, theo truyền thuyết thì cột cờ Lũng Cú này đã được xây dựng từ thời Lý Thường Kiệt, ban đầu chỉ đơn sơ là một cây thông sa mộc cao lớn. Và sau đó thời nào cũng được tu sửa, dựng lại. Sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Thanh, vua Quang Trung đã cho đặt tại nơi biên ải này một cái trống lớn, ở chính nơi đóng quân của bộ đội biên phòng Lũng Cú bây giờ. Cứ một canh giờ, ba tiếng trống lại vang lên đĩnh đạc, khẳng định chủ quyền mãi mãi của đất nước ta.
Năm 1887 và những năm sau đó 1992, 2000, 2002 cột cờ Quốc gia Lũng Cú đều được tiếp tục trùng tu hoặc xây dựng lại. Nhưng đặc biệt năm 2010, cột cờ Quốc gia Lũng Cú đã được xây dựng mới với chiều cao 33,15 mét, hơn cột cờ cũ 10 mét. Cột cờ được xây dựng hình bát giác, gần giống kiểu dáng cột cờ Hà Nội. Trên bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh, phỏng theo hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn và những hoạ tiết phản ánh những thời kỳ lịch sử của đất nước ta, cũng như của vùng núi và con người tỉnh Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh cột. Trên đỉnh cột là lá Quốc kỳ Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 mét vuông, ngày đêm, mưa nắng vẫn phấp phới tung bay trên bầu trời Tổ quốc!
Theo sự hướng dẫn của các chiến sĩ biên phòng, chúng tôi đã leo 283 bậc đá lên đỉnh núi Rồng để tận mắt chiêm ngưỡng lá cờ Tổ quốc, để được chụp những tấm ảnh kỷ niệm dưới chân cột cờ Lũng Cú lịch sử. Từ đây có một con đường đi xuống mới được xây dựng cũng với số bậc 283 như con đường đi lên. Từ trên đỉnh núi Rồng nhìn xuống, là một vùng núi bao la, thấp thoáng những bản làng của người Lô Lô, người Mèo và những nương rẫy bậc thang nối nhau.
*
Mùa Xuân này, con đường lên Đồng Văn - Lũng Cú đã được trải nhựa. Càng lên, càng lên cao núi non càng hùng vĩ, xinh đẹp như một bức tranh. Núi tiếp núi, chất ngất lưng trời, nhìn xuống đã thấy dòng sông Nho Quế mờ xa như một dải lụa mỏng manh.
Bên đường hoa mận nở trắng rừng và dưới thung lũng những cây đào trong giá rét vẫn bừng nở một loài hoa, như sức sống mãnh liệt của những con người nơi đây. Bên sườn núi những rừng thông sa mu như những chiếc tháp xanh nối nhau. Những thiếu nữ Mèo, Lô Lô… trong những trang phục dân tộc nhiều màu sắc rực rỡ rủ nhau xuống chợ, cùng với tiếng khèn, tiếng sáo của những chàng trai mời gọi người yêu và giữa chợ những bát rượu ngô rót đầy, trong vắt, bên chảo thắng cố lúc nào cũng sôi sùng sục, làm ấm lại cả một vùng núi xa xôi.
Những dãy núi đá trùng điệp, hoành tráng như một bức trường thành nối nhau, hàng triệu, hàng triệu năm, mùa xuân này như đang bừng tỉnh, trẻ lại cùng với những sắc màu của mùa xuân!
Và đỉnh cột cờ Quốc gia Lũng Cú trên ngọn núi Rồng, lá cờ lớn của Tổ quốc, màu đỏ cũng đang tung bay, kiêu hãnh, biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước và sức sống trường tồn, mãnh liệt của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam yêu quý!
Bùi Công Bính