Tại châu thổ trẻ này, các hợp phần địa chất - nham thạch, địa hình và thổ nhưỡng có quan hệ phát sinh rất chặt chẽ, trong đó vai trò quyết định thuộc về các quá trình sông - biển hình thành châu thổ lấn biển. Các vật liệu tích tụ sông - biển là nham tướng của các kiểu địa hình và của thổ nhưỡng. Các quá trình tạo thành địa hình lại phân phối các vật liệu ấy, đồng thời cũng xác định vị trí của các loại đất. Do vậy lớp phủ thổ nhưỡng ở đây gồm hai nhóm đất chính là đất phù sa sông (được bồi hay không được bồi hằng năm), đất mặn và đất cát vùng ven biển, trong đó nhóm đất phù sa sông chiếm ưu thế. Đất được hình thành từ phù sa các sông là các loại đất có độ phì cao nhất, đặc biệt là những nơi hằng năm còn được bồi, tuy nhìn chung chúng thường nghèo lân dễ tiêu. Thành phần cơ giới chủ yếu từ thịt nhẹ đến trung bình, khả năng giữ nước và giữ phân tốt. Do quá trình bồi tụ không đều nên một số nơi trở thành những khu vực thấp trũng cục bộ, tại đấy đất bị glây hoá mạnh và độ chua bao giờ cũng có phần cao hơn các nơi khác. Đất mặn đứng thứ hai về diện tích, có độ phì tiềm năng cao, cho nên khi được rửa bớt mặn như đất mặn trung bình và ít thì cho năng suất trồng trọt cao. Đất cát tuy có độ phì thấp nhưng lại cao ráo, thành phần cơ giới nhẹ dễ làm. Hai nhóm đất chính ấy đã hình thành nên hai vùng thổ nhưỡng, trong đó cũng rải rác có thêm một số loại đất khác, chiếm diện tích không đáng kể, như đất xói mòn trơ sỏi đá, đất phèn.
Thổ nhưỡng tỉnh Nam Định chia ra làm hai vùng lớn: vùng không còn chịu ảnh hưởng của biển và vùng còn chịu ảnh hưởng của biển.
Vùng không còn chịu ảnh hưởng của biển
Có những loại đất như sau: Đất feralit đỏ vàng trên đá biến chất hình thành tại các đồi sót, nằm rải rác ở phía bắc sông Nam Định. Đất có cấu trúc hạt - cục, kém tơi xốp, thành phần cơ giới nặng. Phẫu diện đất phân tầng rõ, tầng mặt thiên về sắc đỏ và tương đối xốp, ẩm, xuống sâu thiên về sắc vàng, đất hơi chặt đến chặt và ẩm ướt. Đất nghèo mùn (1- 2%) và chua (pH 4,5- 5,5). Tại những nơi lớp phủ thực vật bị phá đi phá lại nhiều lần, thì quá trình xói mòn nơi mạnh đã dẫn đến đất xói mòn trơ sỏi đá, không còn dùng để trồng trọt được nữa, thật là đáng tiếc, nhất là hiện nay đất xói mòn trơ sỏi đá lại chiếm phần lớn diện tích đất đồi đá biến chất ở Nam Định.
Đất bãi bồi ngoài đê sông, loại đất này nằm ven các sông, phần ngoài đê sông, thường xuyên bị ngập nước vào mùa lũ. Các bãi bồi ven sông Đáy hẹp, men theo lòng sông, còn các bãi bồi của các sông khác, như sông Hồng, sông Nam Định, sông Ninh Cơ rộng hơn nhiều, rộng nhất là bãi bồi của sông Hồng thuộc hai xã Mỹ Tân, Mỹ Tiến - huyện Mỹ Lộc. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, cát đến cát pha. Độ pH trung tính. Độ phì nhiêu cao, do luôn luôn trẻ hóa hằng năm. Chất lượng phù sa sông Hồng như sau: pH 7 - 7,5; CaO + MgO: 2 - 2,5%, Na2O + K2O: 2 - 3%; P2O5: 0,4 - 0,6 %; N: 0,2 - 0,3%.
Các loại thổ nhưỡng vùng không còn chịu ảnh hưởng của biển. |
Đất phù sa trung tính ít chua của sông Hồng được hình thành từ bồi tích sông Hồng. Đất mầu nâu tươi, nếu nhiều mùn thì nâu xám, cấu trúc cục - khối, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, sức trữ ẩm trung bình đến nhiều (30 - 40 %), lượng ẩm hữu hiệu cao. CEC (Cation Exchange Capacity tức là "sức chứa cation trao đổi" như Al+++, Ca++, Mg++, Na+, K+, H+) khá (>20me/100g đất), độ no bazơ (Base Saturation BS là tỷ lệ % của lượng cation bazơ như Ca++, Mg++, K+ và Na+ trong tổng số cation trao đổi) cao (75- 85 %), các chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali nhiều, độ pH trung tính, ít chua (5,5 - 7,5), hàm lượng mùn 1- 2 %. Loại này chiếm nhiều diện tích nhất trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở phía nam sông Nam Định và phía nam sông Ninh Cơ.
Đất phù sa chua chiếm phần lớn diện tích phía nam sông Nam Định. Đất phù sa chua có mầu nâu nhạt đến xám đen, cấu trúc cục, thành phần cơ giới nặng, nhiều nơi dưới sâu có tầng loang lổ hoặc glây. CEC <15 me/100g đất, độ no bazơ thấp <50%, đạm và kali trung bình, lân nghèo, độ pH chua 4,5- 5,5, mùn 1- 2%. Đất phù sa chua nằm rải rải trong tỉnh, nhưng tập trung ở phía bắc sông Ninh Cơ và vùng giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ.
Đất phù sa glây hình thành ở địa hình thấp, nơi có mực nước ngầm gần mặt đất, đọng nước nửa năm. Mầu xám xanh nhạt của FeO, cấu trúc cục - khối, thành phần cơ giới thịt trung bình đến nặng, glây mạnh. CEC thấp (<12 me/100g đất), độ no bazơ cũng thấp (<35 %), đạm và kali tổng số trung bình, lân tổng số nghèo, các chất dễ tiêu đều nghèo, độ pH chua đến rất chua <= 4,5, mùn trung bình 2% - 4%. Phân bố chủ yếu ở phía bắc sông Nam Định, nơi có nguồn gốc đầm lầy ven biển và đầm lầy sông. Những nơi úng nước quanh năm thì hình thành đất lầy (Aquic fluvisols, từ La tinh Aqua= nước). Đất lầy màu xám đen, bùn nhão lẫn xác thực vật mục nát. Đất không có cấu trúc, glây mạnh; CEC < 12 me/100g đất, độ no bazơ < 35 %; giàu đạm, nghèo lân và kali, độ pH từ chua đến rất chua <= 4,5; mùn nhiều 4 - 8%.
Vùng còn chịu ảnh hưởng của biển, bao gồm đất cát bãi, đất cồn cát và đụn cát phân bố dọc bờ biển.
Đất cát bãi nằm ở địa hình thấp, bằng phẳng, thường bị ngập nước ở giữa các dải cồn. Đất mầu xám trắng đến nâu nhạt, thành phần cơ giới từ cát đến cát pha, ít chua đến trung tính do lẫn nhiều vỏ sò ốc, độ pH 5,5- 7,5, nghèo chất dinh dưỡng và ít mùn <1%. CEC <10 me/100g đất.
Đất mặn sú vẹt, hình thành dưới rừng ngập mặn, hằng ngày thuỷ triều vẫn lên xuống, nên đất rất mặn, đồng thời cũng bị glây hóa. Độ muối hoà tan >1%, Cl 0,25%. Đất bùn nhão mầu xám thẫm đến đen, thành phần cơ giới nặng, lẫn nhiều vỏ sò ốc và xác hữu cơ chưa phân huỷ hết, glây mạnh. Đạm, lân trung bình, kali khá. CEC thấp <10 me/100g đất. Độ pH trung tính đến kiềm yếu (7,0- 8,0). Tỷ lệ mùn trung bình 2 - 3%. Nằm chủ yếu ở cửa Ba Lạt trên cồn Ngạn, cồn Lu. Hiện nay là vùng nuôi tôm và trồng sú vẹt của huyện Giao Thuỷ.
Đất mặn nhiều hình thành từ đất phù sa sông - biển vùng cửa sông địa hình đã cao, ít ngập triều, nguồn muối chủ yếu từ nước ngầm. Đất mặn nhiều có tỷ lệ muối 0,5 - 1% và Cl 0,15 - 0,25%. Đất màu nâu xám, có cấu trúc lăng trụ rắn chắc, thành phần cơ giới trung bình đến nặng, dưới sâu có glây và vỏ sò ốc.
Đất mặn trung bình và ít gần giống như loại đất mặn nhiều, chỉ khác cơ bản về tỷ lệ muối thấp hơn <0,5 % và Cl <0,15%. Đất chỉ mặn trong mùa khô, còn mùa mưa được rửa mặn cho nên còn được gọi là đất mặn thời vụ. Có 4 vùng, vùng lớn nhất chạy từ biển vào qua cả sông Ninh Cơ lên gần tới xã Nam Tiến, huyện Trực Ninh (vào sâu nhất tới 28 km, rộng nhất 12 km). Vùng lớn thứ hai là vùng nằm kẹp giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ, nơi vào sâu nhất 14 km, nơi rộng nhất 8,4 km. Hai vùng còn lại nằm gần biển và nhỏ hơn.
Đất phèn, tại Nam Định chỉ thấy ở 3 vùng nhỏ một thuộc xã Nam Tiến (diện tích 0,43 km2), huyện Trực Ninh, một thuộc xã Hải Hà (diện tích 0,45 km2) và một thuộc xã Hải Phúc (diện tích 0,14 km2) đều của huyện Hải Hậu. Đất phèn không tốt cho cây lương thực vì rất chua, độ pH thường dưới 3,5, đồng thời chứa nhiều chất độc hại như Al+++, SO3, H2S. Đất phèn cũng có những đặc tính đáng chú ý như đạm tổng số khá, kali tổng số giàu, riêng lân tổng số thì chỉ trung bình, có khi nghèo. Vì thế khi được thau chua, rửa mặn bằng kênh mương, đất phèn cũng là đất 2 vụ lúa tốt theo như kinh nghiệm nhân dân châu thổ sông Cửu Long nơi mà diện tích đất phèn lớn nhất cả nước.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]