Có dịp trò chuyện với Trần Đăng Chung, điều làm tôi ấn tượng nhất không phải là thành tích kinh doanh đáng nể của Milton Group, một tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực tại Liên bang Nga với doanh số hơn 100 triệu USD mỗi năm do ông làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Mà quan trọng hơn là những tâm sự sẻ chia rất thật của ông: "Tôi chỉ là người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Quốc tịch của tôi vĩnh viễn chỉ có một, là công dân Việt Nam”. Với niềm tự hào của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S, Trần Đăng Chung đã làm rạng danh người Việt giữa trời Âu.
Với suy nghĩ "trong thời đại mới, mọi công dân dù làm gì, ở đâu, miễn là làm lợi cho cá nhân, gia đình và đất nước thì đều đáng quý”, Trần Đăng Chung từ một người làm nghiên cứu khoa học đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh. Đó là những năm đầu của thập kỷ 90, khi Trần Đăng Chung mới bắt đầu công việc kinh doanh với tất cả những khó khăn mà bất cứ ai lúc mới khởi nghiệp ở xứ người đều phải trải qua: thiếu kiến thức, kinh nghiệm, vốn và cả những mối quan hệ. Ngoài vất vả, cơ cực với bao mồ hôi, nước mắt còn có cả những bài học, vốn sống mà không sách vở nào có thể dạy tốt như người thầy cuộc sống. Bên cạnh đó, những kiến thức khoa học về ngành xây dựng vốn là chuyên môn ban đầu được học trong trường đại học ở Việt Nam, tuy không trực tiếp giúp ông trong những tháng ngày bôn ba nơi xứ người. Nhưng tư duy khoa học mà Trần Đăng Chung được rèn luyện ngày nào lại bổ trợ rất nhiều cho công việc mà ông đã lựa chọn và theo đuổi suốt cuộc đời. "Kinh doanh cũng là một môn khoa học. Nếu anh có kiến thức khoa học thì tư duy trong kinh doanh sẽ thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên làm khoa học tốt chưa hẳn đã có thể thành công trong kinh doanh. Vì kinh doanh là lĩnh vực hơi đặc biệt, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như những cảm nhận, năng khiếu và cả vốn sống thực tế mà phải trải qua thời gian mới rèn luyện được”, ông tâm sự.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga Trần Đăng Chung |
Sau hơn 20 năm thăng trầm trên nước bạn, đến nay Trần Đăng Chung cùng các cộng sự đã xây dựng được Milton Group trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu ở Liên bang Nga. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu hiện nay của doanh nghiệp là sản xuất giày dép, quần áo; thương mại; đầu tư và cho thuê bất động sản; dịch vụ vận tải và giao nhận quốc tế. Với gần 1.000 công nhân tập trung sản xuất ở bốn Cty thành viên là Cty TNHH Milton TNP, Cty TNHH Vitexcom, Cty TNHH Milton Invest, Cty TNHH Milton Trans, Milton Group thực sự là một thương hiệu mạnh với doanh số hơn 100 triệu USD mỗi năm. Đó là con số mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mơ ước. Nhưng với Trần Đăng Chung thì điều quan trọng hơn cả là khi sản xuất ra những sản phẩm được thị trường tiếp nhận, không những có lợi cho doanh nghiệp mà còn giúp cho một bộ phận người Việt Nam có công ăn việc làm ổn định với thu nhập hợp lý. Đây chính là nguyên nhân vì sao các Cty thành viên của Milton Group lại đặc biệt ưu ái các lao động là người Việt với 2/3 số lượng chuyên gia, cán bộ và công nhân của tập đoàn là người Việt Nam.
Thành công trên nước bạn là vậy, mới đây Milton Group đã xây dựng thêm một chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Chung cho biết đây không chỉ là để mở rộng lĩnh vực đầu tư, giảm rủi ro trong kinh doanh. Mà giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác khi đã thành công ở Liên bang Nga đều muốn quay về Việt Nam đầu tư, bởi vì luôn đau đáu tình cảm với quê hương. Âu đó cũng là điều dễ hiểu. Bước đầu, ông Chung và các thành viên trong Hội đồng Quản trị của Milton Group dự định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch và sản xuất nguyên vật liệu bán thành phẩm để đưa sang Nga. Theo ông đây là một bước đi về lâu dài, vì thị trường Việt Nam đang có những khởi sắc, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trưởng thành và hội nhập sâu rộng hơn. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn khá hạn chế. "Lãi suất ở Việt Nam đang khá cao, điều đó khiến các doanh nghiệp phải có sự thận trọng khi tính toán lĩnh vực đầu tư. Cần lựa chọn thời điểm đầu tư hợp lý bởi bất kỳ ngành nghề nào, ở đâu cũng có chu kỳ, thời kỳ. Càng không nên đầu tư theo phong trào tức là thấy người ta đầu tư thì mình cũng đầu tư, điều đó rất nguy hiểm, vì nếu không nghiên cứu kỹ sẽ tạo nên sự dư thừa nguồn cung... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải xác định khi lựa chọn đầu tư thì việc thu hồi vốn không thể nhanh như làm thương mại. Đó phải là một quá trình lâu dài và bền bỉ”, ông Chung chia sẻ về kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được sau nhiều năm làm kinh doanh.
Được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội các Nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga với hơn 50 thành viên đều là các doanh nghiệp hàng đầu tại nước này, ông Chung chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của tôi và các cộng sự là thông qua Hiệp hội giúp đỡ các doanh nghiệp trong cộng đồng tại nước sở tại, mặt khác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tìm cơ hội đầu tư tại Liên bang Nga. Chúng tôi phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công thương... tổ chức đưa các đoàn doanh nghiệp Việt sang Nga tìm hiểu thị trường. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm, tham gia hỗ trợ các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước sang thăm và làm việc tại Nga”. Tuy nhiên, ông Chung cũng có một trăn trở rằng, hiện nay cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga phần lớn làm công việc kinh doanh với rất nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó nhiều người tham gia buôn bán tại các chợ. Những năm gần đây do tình hình kinh tế, các chủ trương chính sách của Chính phủ Nga cũng như các thói quen tiêu dùng của người dân Nga đã có nhiều thay đổi, nên công việc của người Việt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cần một lối đi khác, một hướng đầu tư khác để những tiểu thương Việt Nam kinh doanh tránh được những rủi ro tại Nga.
Sang Nga từ năm 1988 với mục đích ban đầu là nghiên cứu sinh ngành xây dựng, sau đó chuyển sang kinh doanh, đến nay Trần Đăng Chung đã sinh sống và làm việc tại xứ sở của những "đêm trắng” đã được 24 năm. Ông bảo với mình doanh nghiệp ở đâu thì quê hương ở đấy. Nhưng Tổ quốc thì chỉ có một. "Nhập quốc tịch Nga đối với tôi không phải là điều gì quá khó, nhưng tôi có niềm tự hào dân tộc của riêng mình. Tôi là người Việt Nam và mãi mãi vẫn là người Việt Nam”, người con của quê hương vùng đồng chiêm trũng Hà Nam, Trần Đăng Chung khẳng định với tôi như thế khi kết thúc cuộc trò chuyện. Ánh mắt ông ngời sáng niềm tự hào...
Theo: daidoanket.vn