Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 10-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định. Sáng ngày 11-1-1946, trước hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân, Bác ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định. Những lời chỉ bảo ân cần của Người đã để lại ấn tượng sâu sắc và cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Nam Định đoàn kết, phấn đấu, khắc phục những khó khăn trở ngại, tiếp tục đi lên trong giai đoạn mới của cách mạng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân Nam Định mưu trí sáng tạo, chủ động phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh 16.049 trận, diệt hơn 29.870 tên địch; phá hủy trên 800 khẩu súng các loại, 284 xe cơ giới, bắn rơi 2 máy bay, thu hơn 6.200 khẩu súng và hàng trăm tấn vũ khí, trang thiết bị của địch. Từ tháng 4 đến tháng 6-1947, địch đã đóng thêm một số vị trí ngoài thành phố như Đò Quan, Vạn Diệp (Nam Phong, Nam Trực), Đệ Nhất (Mỹ Trung), Bảo Long (Mỹ Hà), Lê Xá (Mỹ Thịnh) thuộc huyện Mỹ Lộc. Chúng còn đánh ra vùng tự do, cướp bóc lương thực, thực phẩm và vây quét lực lượng của ta, nhưng đều bị quân ta đánh trả đích đáng; tiêu biểu là các trận chợ Dần (Vụ Bản) ngày 31-3-1947, trận Lê Xá (Mỹ Thịnh, Mỹ Lộc), trận Núi Ngăm (Vụ Bản) ngày 2-5-1947, trận Đại Đê (Vụ Bản) ngày 1-6-1947, trận Quang Sán (Mỹ Lộc) tháng 7-1947… Vừa cơ động chiến đấu, các đơn vị bộ đội vừa đưa một bộ phận lực lượng về các địa phương hỗ trợ, phát triển chiến tranh du kích. Năm 1947, bộ đội chủ lực đánh 75 trận, bộ đội địa phương đánh 24 trận, dân quân, du kích đánh 40 trận. Nhân dân các vùng bị địch uy hiếp tổ chức triệt phá cầu, đường, đắp ụ ngăn cơ giới của địch, thực hiện khẩu hiệu “vườn không, nhà trống” khi địch tới. Việc rào làng kháng chiến chống địch càn quét cũng được tiến hành ở nhiều địa phương. Đến tháng 10-1949, toàn tỉnh đã xây dựng 90 làng chiến đấu. Đến tháng 9-1949, du kích toàn tỉnh có hơn 45.000 người; cuối năm 1949, đã có 20 trung đội du kích. Phong trào tòng quân giết giặc cứu nước sôi nổi khắp các địa phương. Năm 1949, có gần 9.000 người ghi tên tòng quân.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam cùng với những thắng lợi của quân, dân Lào, Campuchia trên chiến trường Đông Dương năm 1949 đã đẩy quân Pháp vào thế sa lầy. Ngày 18-10-1949, quân Pháp cho 6 tàu chiến, 2 canô chở hai tiểu đoàn theo sông Hồng đổ quân lên Hạc Châu, Liêu Đông (Xuân Trường) đánh chiếm Hành Thiện, Bùi Chu (nơi có toà giám mục). Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Liên khu 3, Tỉnh uỷ Nam Định đã chỉ đạo các địa phương đề ra các phương án củng cố, xây dựng lực lượng và tác chiến phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Các Đảng bộ cử cán bộ trở về cơ sở bám đất, xây dựng lại phong trào, từng bước vạch rõ âm mưu lợi dụng tôn giáo, chia rẽ lương - giáo của kẻ thù; củng cố, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, dân quân, du kích, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc. Cuối tháng 4-1951, theo chủ trương của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh mở hội nghị tổng kết chiến dịch Hoàng Hoa Thám và quyết định mở chiến dịch Quang Trung (tức chiến dịch Hà - Nam - Ninh) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá một mảng nguỵ quân nguỵ quyền, tạo điều kiện cho việc phục hồi cơ sở, phát triển chiến tranh du kích và bảo vệ tài sản, tính mạng, mùa màng của nhân dân. Đêm 28 rạng 29-5-1951, Đại đoàn 308 cùng bộ đội địa phương, dân quân, du kích nổ súng tiến công cứ điểm Đại Phong và Non Nước (Ninh Bình) mở màn chiến dịch. Tại hướng Nam Định, vừa đánh địch, vừa rút kinh nghiệm, khắc phục những khó khăn, yếu kém, Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định xác định quyết tâm xốc mạnh phong trào, bắt kịp thời cơ, đặt lên hàng đầu là công tác khuếch trương thắng lợi sâu rộng trong quần chúng cùng với việc phá rã ngụy quyền của địch. Bằng sự kiên trì, vượt mọi gian khổ, hy sinh, quân dân ta đã từng bước chiến đấu giành giật với địch từng vùng đất, làm thất bại âm mưu chia rẽ lương - giáo của kẻ thù, giành lại thế chủ động.
Từ giữa năm 1952, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, dài ngày với cường độ vô cùng ác liệt trên địa bàn Nam Định. Mặc dù lực lượng không cân sức, quân và dân trong tỉnh vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ khu du kích làm cho địch tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, như trận tập kích Trại huấn luyện Vạn Bảo ở Thành phố Nam Định ngày 28-4-1953, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt 500 tên địch. Trận tập kích địch ở Đỗ Xá (Nam Trực) tháng 7-1953 tiêu diệt 160 tên. Như vậy trước cuộc chiến đông - xuân 1953-1954, quân dân Nam Định đã tạo được thế và lực mới cho cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian này quân dân Nam Định đã đánh địch gần 1.600 trận, tiêu diệt 9.000 tên địch, phá huỷ 76 xe cơ giới, bắn cháy 2 máy bay, 8 tàu chiến, thu gần 1.000 súng và nhiều quân trang, quân dụng khác. Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, đêm ngày 25-5-1954, tại Nam Định, bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt hoàn toàn vị trí Thức Khoá (Giao Thuỷ) bắt 650 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Ngày 4-6-1954, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Đông Biên (Hải Hậu). Sau 12 giờ chiến đấu, ta đã giành thắng lợi, tiêu diệt một số tên, bắt sống 500 tên. Trong vòng nửa đầu năm 1954, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Nam Định đã đánh trên 1.600 trận (du kích đánh 800 trận), diệt và làm bị thương trên 3.000 tên, thu hàng trăm súng các loại, phá huỷ gần 100 xe cơ giới.
Ngày 1-7-1954, thực dân Pháp đã rút toàn bộ các vị trí còn lại ở Ngô Đồng, Hành Thiện, Bùi Chu, Lạc Quần, Cổ Lễ và cuối cùng là Thành phố Nam Định. Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền còn non trẻ và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng đã giành thắng lợi vẻ vang. Với những thành công đã đạt được, những kinh nghiệm và cả thử thách tôi luyện trong chiến tranh cách mạng, Đảng bộ và quân, dân Nam Định càng thêm vững tin cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc./.
PV
Theo “Nam Định lịch sử kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945-1954”
[links()]