Thiên Trường - Nam Định thời kỳ Pháp thuộc

10:11, 04/11/2011

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chịu tác động từ cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cấu trúc kinh tế - xã hội và bộ mặt của Nam Định đã có những biến đổi sâu sắc. Dân cư Thành Nam cũng tăng nhanh với các thành phần: công nhân, tư sản, tiểu tư sản, học sinh, trí thức tự do, quan chức thực dân và bản xứ cùng nông dân ven thị. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mạng lưới chợ từ thành phố đến nông thôn, đặc biệt là chợ Rồng được xếp vị trí thứ hai ở Bắc Kỳ sau chợ Đồng Xuân (Hà Nội) về cả quy mô và hoạt động kinh doanh chứng tỏ sự phát triển nhanh và mạnh của ngành thương nghiệp Nam Định. Ngày 17-10-1921, Toàn quyền Đông Dương đã ra quyết định công nhận Nam Định là thành phố cấp II.

Giai đoạn này, Thành phố Nam Định còn trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa - tư tưởng lớn, một điểm tiếp xúc của luồng giao lưu văn hóa Đông - Tây. Các cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can đều tìm đến Nam Định, tuyên truyền và vận động sự ủng hộ của nhân dân Nam Định tham gia phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục. Đội ngũ công nhân Nam Định được hình thành cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Nam Định. Số lượng công nhân ước tính khoảng 1,5 vạn người vào đầu thế kỷ XX. Đội ngũ công nhân sớm được giác ngộ ý thức giai cấp, sớm nhận rõ kẻ thù dân tộc cũng chính là kẻ thù giai cấp. Ngoài đồng lương rẻ mạt, điều kiện lao động cực khổ, công nhân còn bị đối xử như nô lệ: bị đánh đập, sa thải, cúp lương. Tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản từ tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, công nhân Nam Định đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của bọn thực dân Pháp. Nam Định trở thành một điểm sáng trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cả nước. Từ tháng 5-1909, ở Nam Định đã nổ ra cuộc bãi công đầu tiên của nữ công nhân Nhà máy chai. Từ ngày 27-2 đến 7-3-1924, hơn 100 công nhân ở Nhà máy tơ bãi công. Ngày 11-9-1924, toàn thể công nhân Nhà máy rượu Nam Định chống lại sự đối xử thô bạo của chủ. Đặc biệt là cuộc đấu tranh ngày 30-4-1925 của 2.500 công nhân Nhà máy sợi Nam Định đã gây một tiếng vang lớn. Năm 1927, các chi hội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập ở Nam Định. Đến năm 1928, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội lâm thời được thành lập. Các hội viên của hội đã nhanh chóng tham gia các hoạt động đấu tranh của công nhân Nam Định. Mở đầu là cuộc đấu tranh của 24 nữ công nhân thuộc xưởng dệt Nhà máy sợi. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Nam Định vào tháng 3-1929. Sau 10 ngày tranh đấu không khoan nhượng, ngày 29-3-1929, bọn chủ nhà máy đã phải chấp nhận các yêu sách của công nhân. Các cuộc đấu tranh, điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi, đã đánh dấu sự trưởng thành rõ rệt của đội ngũ công nhân Nam Định về trình độ tổ chức, phương pháp đấu tranh và trình độ giác ngộ giai cấp. Sự trưởng thành vượt bậc trong đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân Nam Định nói riêng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản để thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân lên một tầm cao mới./.

PV
Theo “Địa chí Nam Định”


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com