Thiên Trường - Nam Định giai đoạn từ 1975 đến 1990

09:12, 15/12/2011

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, nhân dân Nam Định phấn khởi, nô nức thi đua lao động sản xuất và công tác. Giá trị sản lượng toàn ngành bình quân 5 năm (1976-1980), tăng 57,2% so với 5 năm trước. Ngành tiểu thủ công nghiệp được mở rộng. Trong những năm 1976-1980, giá trị hàng xuất khẩu bình quân tăng 99,3% so với bình quân 5 năm trước. Từ năm 1981-1985, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến chuyển khả quan. Tổng sản lượng thóc bình quân mỗi năm 80,8 vạn tấn, tăng 21%, bình quân lương thực sản xuất theo đầu người đạt 305kg, tăng 6% so với năm 1981-1982. Đến năm 1985, các trại chăn nuôi của HTX giải thể, nhưng chăn nuôi gia đình lại phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng. Việc nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng được quan tâm hơn. Một số vùng ven biển đã nuôi tôm và khai thác tôm xuất khẩu.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch 5 năm 1986-1990 của tỉnh được xác định: Từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên cơ sở đó phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm trong CN-TTCN, hàng hóa xuất khẩu. Nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp một cách đồng đều nên địa phương không những giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực đủ ăn mà nhiều hộ nông dân đã có lương thực dự trữ. Đời sống nhân dân bước đầu được ổn định. Sản xuất CN-TTCN trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh có nhiều khó khăn bỡ ngỡ, nhưng đã có sự chuyển biến mới. Một số mặt hàng mới như  tôm và thịt đông lạnh xuất khẩu, may mặc, điện tử… chiếm lĩnh thị trường, từng bước làm thay đổi mặt hàng công nghiệp quốc doanh địa phương. Trong 5 năm 1986-1990, giá trị công nghiệp địa phương tăng bình quân 1,4% năm. Riêng năm 1990 tăng 7,2% so với năm 1985. Hoạt động tài chính, ngân hàng bước đầu đã chuyển theo cơ chế mới, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và huy động các nguồn vốn, nhất là vốn tiết kiệm trong nhân dân. Đầu tư xây dựng cơ bản được điều chỉnh theo hướng tập trung cho 3 chương trình kinh tế, chú trọng những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các trạm bơm và đầu tư thiết bị cho hệ thống các trạm bơm lớn. Hệ thống thủy nông từng bước được hoàn thiện, mạng lưới điện được mở rộng, xây dựng mới các xí nghiệp tôm, thịt đông lạnh; xe đay, may mặc… đồng thời bước đầu đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng về giao thông. Ngành Thông tin bưu điện với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm” đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Tổng cục Bưu điện, thay thế và trang bị mới các thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng thông tin liên lạc. Sự nghiệp GD và ĐT có cố gắng lớn, duy trì và phát triển các ngành học, cấp học, chú ý chất lượng giáo dục. Nam Định là một trong 4 tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và là đơn vị tiên tiến xuất sắc của ngành Giáo dục toàn quốc./.

PV
(Biên soạn)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com