Nam Định, vùng châu thổ chịu nhiều tác động của biển

08:11, 15/11/2011

Nham tướng đặc trưng cho vùng châu thổ hiện tại là nham tướng sông - biển được phát hiện tại Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy; nham tướng đầm lầy - biển nằm tại các cửa sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy; nham tướng biển và biển - gió bám sát bờ biển hiện tại. Tương ứng với nền địa chất - thạch học ấy là các kiểu địa hình bãi sa bồi, bãi triều, lạch triều, bãi biển, cồn cát và đụn cát. Trên các kiểu địa hình nói trên phát triển các loại thổ nhưỡng như đất phù sa, đất mặn sú vẹt, đất mặn nhiều, đất mặn trung bình và ít, đất phèn (đất chua- mặn), đất cát (cát bãi, cát cồn, cát đụn).

  Vùng đệm Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ
Vùng đệm Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ.

Vùng châu thổ hiện tại có nền nhiệt lượng cao do số giờ nắng nhiều, thường trên 1700 giờ/năm, do đó mà tổng nhiệt độ đạt trên 86000C và bốc hơi trên 950 mm. Vùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão, nhất là hai tháng 8 và 9, do đó có gió mạnh và mưa nhiều. Tốc độ gió cực đại tại Văn Lý đạt 48 m/s (trên cấp 12). Bình thường thì gió vùng châu thổ hiện tại mạnh hơn trong đồng bằng bãi bồi sông khoảng 1 cấp. Lượng mưa năm trên 1750 mm, chủ yếu do mưa mùa hạ và mưa bão, còn mùa đông thì kém vùng ven sông Hồng.

Về mặt thủy văn, đây là vùng cửa sông, mà đặc trưng chủ yếu là chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và mưa bão, nói chung mực nước sông thấp, biên độ năm nhỏ, mực nước cao nhất lùi xuống tháng 9, vào lúc triều ròng thường thấp hơn mực nước biển (dưới 0 m). Đây là vùng bị nước mặn xâm nhập, vào mùa khô nước mặn vào theo sông có chỗ vượt  cả ranh giới vùng. Ngược lại, nước sông cũng tiến ra phía biển, nhất là về mùa mưa lũ, có nơi đến trên 10 km, khiến cho nước biển trở thành lợ (độ mặn tối thiểu tại Văn Lý xuống dưới 1,4%o vào tháng 8-1961), đồng thời vẫn đưa phù sa ra khơi. Điều đó khiến cho, ngoài đất liền, vùng châu thổ hiện tại còn có một bộ phận châu thổ ngầm nằm dưới mực nước biển, được gọi là "tiền châu thổ".

Sinh vật tự nhiên trong vùng châu thổ hiện tại còn phong phú cả thực vật lẫn động vật, nhất là tại bờ biển, vì dù sao tác động của con người ở đây cũng không mạnh bằng trong vùng đồng bằng bãi bồi sông. Vùng ngoài đê biển còn thấy rừng ngập mặn (rừng sú vẹt), trảng cây bụi ngập mặn và trảng cỏ ngập mặn. Tại các bãi triều sinh sống rất nhiều nhuyễn thể như vọp, ngao, don, sò, còn dưới nước là giáp xác (tôm, cua, ghẹ) và cá. Như vậy thủy, hải sản là nguồn tài nguyên quan trọng của vùng châu thổ hiện tại. Có điểm đáng chú ý là vùng Cồn Ngạn, Cồn Lu đã trở thành vùng RAMSAR đầu tiên của Việt Nam, vùng đất ngập mặn được Tổ chức quốc tế bảo vệ các vùng đất ngập nước công nhận ngày 20-9-1988, vì đây là nơi tạm trú của các loài chim di cư từ Bắc Bán cầu xuống Nam Bán cầu và ngược lại, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm.

Xét về cấu trúc ngang, vùng châu thổ hiện tại có sự phân hóa thành ba cảnh địa lý là cảnh quan châu thổ trong đê biển, cảnh quan bờ biển hiện tại ngoài đê biển và cảnh quan châu thổ ngầm ngoài biển nông ven bờ.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com