Xưởng sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu của anh Bùi Văn Hải ở thôn Tân Lập, xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Huyện Ý Yên có nhiều làng nghề cơ khí và thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng. Những năm qua, lớp thanh niên nơi đây với niềm say mê nghề truyền thống đã góp phần “giữ lửa” làng nghề, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Mới hơn 30 tuổi, nhưng anh Bùi Văn Hải, thôn Tân Lập, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã là giám đốc Cty TNHH Nam Hải chuyên sản xuất các mặt hàng mây tre đan có tiếng trên thị trường. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề, Bùi Văn Hải đã được sống trong một thế giới đa sắc màu của các sản phẩm mây tre, được sớm làm quen với những công việc của nghề đan lát. Bố mẹ anh cũng là những nghệ nhân trong làng. Với lòng yêu nghề và đam mê kinh doanh từ nhỏ và với sự năng động của tuổi trẻ, ở thời điểm làng nghề gặp khó khăn anh đã ngược xuôi khắp các tỉnh, thành phố từ Hà Nội, Hải Phòng đến Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Lào Cai, Lạng Sơn giới thiệu sản phẩm. Anh nhận ra rằng, muốn làng nghề phát triển, sản phẩm phải có chất lượng để xuất khẩu. Anh tìm cách xây dựng website quảng bá sản phẩm. Được sự giúp đỡ, động viên của gia đình và tổ chức Đoàn, anh lập xưởng sản xuất, kinh doanh. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh đã tạo ra nhiều mẫu hàng mới được khách hàng ưa chuộng… Được chứng kiến không khí lao động thật nhộn nhịp với hàng trăm lao động, trong đó có gần 90% là đoàn viên thanh niên; trên 100 mẫu hàng như khay, giỏ, thùng đựng quần áo đến bàn ghế… với những hoa văn tinh sảo, tôi hiểu, để có được thành công hôm nay, anh đã trải qua bao khó khăn vất vả. Anh Hải tâm sự: “Tiềm năng từ làng nghề truyền thống rất lớn, xã hội càng văn minh thì con người càng có xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên. Sự khéo léo của người thợ và sự thân thiện với môi trường là hai yếu tố tạo nên sức cạnh tranh của hàng mây, tre đan Việt Nam trên thị trường thế giới". Mong muốn của anh là tạo được nhiều việc làm cho lao động ở địa phương. Hiện nay, mỗi năm Cty sản xuất hàng triệu sản phẩm xuất sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, tạo việc làm cho gần 50 lao động trực tiếp tại xưởng và gần 1.000 lao động vệ tinh tại các địa phương lân cận. Doanh thu năm 2011 của Cty ước đạt 9 tỷ đồng, trong đó lãi đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.
Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng, từ nhỏ Trương Công Sơn (sinh năm 1979) làng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) đã được ông nội dạy dỗ tỉ mỉ về nghề đúc, từ cách chọn đất để làm khuôn, cách phân biệt các loại nguyên liệu đồng, nhôm, cách chạm khắc từng họa tiết, hoa văn sao cho cẩn thận, thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Nghề đúc của gia đình anh bị ngắt quãng khi bố anh lên đường nhập ngũ. Nhưng rồi niềm say nghề ông cha đã thôi thúc anh gây dựng lại nghề truyền thống. Sau 10 năm đi làm công cho các gia đình trong làng để học hỏi kinh nghiệm, năm 2007, anh mạnh dạn vay 500 triệu đồng đầu tư mở xưởng. Sau nhiều ngày trăn trở, tìm tòi từng kiểu mẫu, anh đã đúc ra nhiều sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Những tác phẩm của anh ngày càng có giá trị nghệ thuật, giá cả hợp lý, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến đặt mua với số lượng ngày càng lớn. Đã có những đơn đặt hàng lên đến hàng tỷ đồng. Đến nay, xưởng sản xuất của anh đã có quy mô gần 1.500m2, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2011 đến nay, doanh thu của gia đình anh ước đạt 3,2 tỷ đồng.
Vài năm gần đây, thị trường đồ gỗ phát triển, hoạt động sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống ở La Xuyên, xã Yên Ninh đã lan sang ở thôn Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên). Nhiều thanh niên đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc và nhanh chóng trở thành những "ông chủ trẻ”. Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Sản phẩm của thôn đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, tích lũy làm giàu… góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc. Tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Phong, có 2 xưởng sản xuất với tổng diện tích hơn 300m2, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại chỗ và 45 lao động vệ tinh nhận làm hàng tại nhà, thu nhập mỗi người 3-4 triệu đồng/tháng, riêng thợ chạm khắc gỗ lành nghề có thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng.
Phong trào lập nghiệp bằng nghề truyền thống ở Ý Yên ngày càng thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên tham gia lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề, bảo đảm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống./.