Phân tích các hợp phần cấu trúc thẳng đứng của tự nhiên trong tỉnh, ta thấy rõ là chúng có quan hệ mật thiết với nhau, khi giải thích một hợp phần này không thể không tìm hiểu mối liên hệ với các hợp phần khác. Ngoài ra, chúng liên hệ với nhau để tạo nên đặc điểm chung tự nhiên của tỉnh, như là một bộ phận gần biển ở phía đông nam Đồng bằng Bắc Bộ, có tính chất châu thổ lấn biển nhanh, khác với bộ phận cũng gần biển nhưng có tính chất etchuye chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều ở phía đông bắc đồng bằng.
Sự phân hóa tự nhiên Nam Định. |
Từ đất liền ra phía biển ta cũng nhận thấy một sự phân hóa không gian rõ, phản ánh lịch sử lấn biển, bên trong là châu thổ cũ, bên ngoài là châu thổ mới và ngầm dưới mặt nước biển là châu thổ tương lai. Tại mỗi bộ phận nhỏ hơn ấy cũng có sự phân hóa chi tiết hơn nữa như nơi cao, nơi thấp úng, nơi mặn ít, nơi mặn nhiều, nơi nhiều cát, nơi nhiều sét, nơi tiến nhanh ra biển, nơi tiến chậm, thậm chí có nơi bị thụt lùi. Các bộ phận ấy cũng có những mối liên hệ với nhau trong quá trình phát sinh phát triển, khi tìm hiểu đặc điểm chung của tỉnh qua các mối quan hệ giữa các hợp phần cấu trúc thẳng đứng, ta cần phải đi chi tiết xuống mỗi bộ phận cấu trúc ngang của tự nhiên trong tỉnh để có cơ sở đề xuất những phương hướng phát triển bền vững chung cho toàn tỉnh, cũng như những phương hướng phát triển bền vững cho từng địa phương trong tỉnh.
Nghiên cứu cấu trúc ngang trước hết là xác định xem tự nhiên trong tỉnh đã phân hóa theo bao nhiêu cấp tổng thể lãnh thổ, nói cách khác là ra bao nhiêu cấp phân vị từ lớn đến nhỏ, theo một hệ thống phân vị hợp lý đối với tỉnh Nam Định. Có thể nghiên cứu cấu trúc ngang tỉnh Nam Định theo 3 cấp là cấp vùng, cấp cảnh và cấp dạng địa lý. Nghiên cứu theo 3 cấp vùng, cảnh, dạng trong đó trọng tâm là cấp cảnh địa lý để làm một chỗ dựa cho các phương hướng phát triển kinh tế - xã hội khá chi tiết, chỗ dựa về mặt môi trường cảnh quan địa- sinh thái.
Các vùng địa lý ở đây được phân hoá theo tương quan lực lượng giữa hai quá trình tự nhiên hình thành nên châu thổ (hay đồng bằng cửa sông) đó là quá trình sông và quá trình biển. Nam Định đã phân hóa ra 2 vùng địa lý tự nhiên là vùng đồng bằng bãi bồi sông không còn chịu tác động của biển và vùng châu thổ hiện tại còn chịu tác động của biển.
Khi sử dụng tự nhiên, trước hết phải nắm được các quá trình này, vì nếu làm sai quy luật ta sẽ phải mất rất nhiều sức người sức của để sửa chữa những thiệt hại do tự nhiên tàn phá, còn nếu làm đúng thì tự nhiên lại "phục vụ không công", do đó mà hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Sự thắng thế của sức bồi tụ của sông tại Nam Định phải mất hơn 15 thế kỷ, vì trên vùng đồng bằng bãi bồi Nam Định có thế thấy vết tích các đường bờ biển cổ cách đây 2000 năm, 1000 năm và 500 năm.
Từ thế kỷ XV trở lại đây, ta vẫn lấn biển để khai thác, nhưng do đắp đê mà không tạo điều kiện cho sông đẩy lùi hẳn biển, mà trong vùng từ đường bờ biển thế kỷ XV ra đến bờ biển hiện nay thủy triều vẫn vào sâu trong nội địa và phù sa sông - biển vẫn chưa hết mặn. Cho nên ranh giới chi tiết giữa hai vùng địa lý tự nhiên trên đồng ruộng là phạm vi phân bố các đất mặn dù đó là mặn ít hay nhiều.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]