Sau hơn 14 năm tái lập (1-4-1997), từ một huyện thuần nông, cơ cấu kinh tế của huyện Xuân Trường dần chuyển dịch theo hướng tích cực: Đến nay, giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm 42,8%, dịch vụ 30,5%, giá trị sản xuất nông nghiệp 26,7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt trên 10%/năm (giai đoạn 2000-2010), huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo nền tảng vững chắc phát triển nhanh và bền vững.
Toàn cảnh CCN Xuân Tiến (Xuân Trường).
Ảnh:
Xuân Thu
|
Những năm qua, huyện Xuân Trường từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên một đơn vị diện tích. Xã Xuân Kiên từ nhiều năm nay, năng suất lúa đạt gần 14,5 tấn/ha/năm. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất giống lúa lai cao sản, đồng thời tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng đưa bí xanh, đậu tương và những cây vụ đông có hiệu quả cao vào sản xuất, giá trị thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Xã Xuân Phương có trình độ thâm canh cao nên năng suất lúa cả năm trung bình đạt trên 140 tạ/ha/năm. Để phát triển sản xuất vụ đông trên đất hai vụ lúa nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện chỉ đạo các xã, HTX tăng diện tích cấy lúa mùa sớm và mùa trung sớm, đồng thời khuyến khích mở rộng diện tích cây đậu tương đông để tạo độ phì cho đất và hạn chế nguồn sâu bệnh. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển trang trại, gia trại. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng toàn huyện năm 2010 ước đạt gần 10 nghìn tấn. Tính đến cuối tháng 8-2011, toàn huyện có 21 trang trại và gần 50 gia trại, ước giá trị hàng hóa hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay, huyện đã quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Xuân Hòa, Xuân Vinh. Đây là vùng nuôi thủy sản đa con, đa canh mang tính bền vững với các giống cá vược, diêu hồng, các loại cá truyền thống và nuôi tôm sú quảng canh đem lại hiệu quả cao gấp 2,5-3 lần so với cấy lúa. Các vùng nuôi đang hình thành các tổ nhóm nuôi trồng thủy sản, chủ động bao tiêu sản phẩm và tạo ra vùng nuôi bảo đảm tính bền vững. Ngoài ra, huyện còn chú trọng phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Ở các xã: Xuân Ninh, Xuân Bắc, Xuân Thủy, Xuân Đài, Xuân Phương, Xuân Trung… nhiều hộ có thu nhập cao từ cây cảnh, cây thế. Đến nay, Hội Sinh vật cảnh huyện Xuân Trường có trên 150 chi hội, các xã trong huyện đều thành lập Hội Sinh vật cảnh. Năm 2010, giá trị thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh trên 1ha canh tác đạt gần 77 triệu đồng.
Trong sản xuất CN-TTCN, huyện Xuân Trường tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành có nhiều lợi thế như: cơ khí, đồ gỗ, dệt may, sản xuất VLXD… Huyện có thế mạnh trong phát triển công nghiệp cơ khí ở các làng nghề thuộc các xã: Xuân Tiến, Xuân Kiên, Thị trấn Xuân Trường. Trên địa bàn huyện hình thành các cụm công nghiệp như: Xuân Tiến, Xuân Bắc, Thị trấn Xuân Trường với tổng diện tích trên 52ha, thu hút 53 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 5.000 lao động. Các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đều xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc hiện đại, thu hút công nhân có tay nghề cao, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Những năm đầu thế kỷ 21, các doanh nghiệp làng nghề Xuân Tiến đã sản xuất được máy tuốt lúa, máy làm gạch, máy trộn bê tông không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất đi các nước Lào, Trung Quốc. Các sản phẩm máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy gia công các sản phẩm đồ gỗ, động cơ điện, máy phát điện, máy sản xuất gạch không nung lần lượt ra đời. Gần đây, một số cơ sở ở các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên đã nghiên cứu chế tạo thành công xe lôi. Nhiều doanh nghiệp có doanh thu trên 5 tỷ đồng một năm như Cty TNHH Tân Việt, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Cty Chế tạo điện cơ AXUZU, Cty CP Thanh Bằng… Sản xuất đồ gỗ của huyện chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN, tập trung ở các xã Xuân Bắc, Xuân Vinh và Thị trấn Xuân Trường. Ngành công nghiệp dệt may của huyện cũng được chú trọng phát triển, ngoài 2 Cty CP May Sông Hồng và Cty CP May Nam Định có cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, các doanh nghiệp may mặc, giày da của huyện như: Cty CP Hồng Việt, Cty CP May Minh Vuông, Cty TNHH Anh Cường cũng đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc nhận gia công các mặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Lĩnh vực sản xuất VLXD cũng là một trong những thế mạnh của huyện, sản lượng gạch tuynel và gạch không nung tăng dần qua các tháng. Cty CP VLXD Xuân Châu có doanh thu cao trên 5 tỷ đồng mỗi năm. Toàn huyện có gần 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống được duy trì và mở rộng, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động có thu nhập ổn định. Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 827 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 20 triệu USD.
Lĩnh vực xây dựng cơ bản của huyện cũng có bước phát triển vượt bậc. Năm 2010, tổng ngân sách đầu tư vào các dự án xây dựng trên địa bàn huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Quần thể Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tường kè đê sông Ninh Cơ, kiên cố hóa hệ thống kênh cấp I, nâng cấp và kiên cố hóa tuyến đê hữu Hồng, đê tả Ninh Cơ…
Thời gian tới, huyện Xuân Trường tập trung khai thác mọi nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13-14%/năm trở lên; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 23%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 3%; giá trị hàng xuất khẩu đạt 27 triệu USD… Huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, sinh vật cảnh. Trong công nghiệp, tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống, có lợi thế cạnh tranh, huy động được tiềm năng thế mạnh của huyện và nguồn lực tại chỗ; khuyến khích phát triển nghề mới, duy trì mở rộng các làng nghề hiện có, phát triển CN-TTCN tại các điểm, cụm công nghiệp. Huyện chuẩn bị các điều kiện về đất đai, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực để ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư công nghệ cao, dự án có số vốn lớn không ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động các nguồn vốn tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sớm đi vào hoạt động.
Nhờ sự năng động sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tranh thủ các nguồn lực đầu tư trên địa bàn đã tạo điều kiện để Xuân Trường phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và là nền tảng để huyện thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Trần Hữu Quyết