Năm 1407, sau khi đánh bại cuộc kháng chiến của nhà Hồ, giặc Minh bắt đầu thiết lập chính quyền đô hộ trên đất nước ta. Tháng 4-1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu đổi nước ta làm quận Giao Chỉ - như một địa phương của quốc gia phong kiến nhà Minh; thi hành chính sách thống trị, đồng hóa trên tất cả các mặt hành chính, quân sự và văn hóa.
Địa bàn Nam Định không chỉ là nơi giặc Minh tập trung kiểm soát giao thông, liên lạc của cư dân, mà còn là địa bàn chúng chú ý bình định, đồng hóa về văn hóa, tư tưởng. Chúng chia Nam Định thành 2 phủ Kiến Bình và Phụng Hóa. Phủ Phụng Hóa tương đương với phủ Thiên Trường cuối thế kỷ XIV, gồm bốn huyện là Mỹ Lộc, Tây Chân, Giao Thủy và Thận Uy. Bốn trong số chín huyện thuộc phủ Kiến Bình thuộc về đất Nam Định là Ý Yên, An Bản, Vọng Doanh và Đại Loan. Cả hai phủ thuộc tỉnh Nam Định đều bị nhà Minh đổi tên. Kiến Hưng đổi thành Kiến Bình với ý nghĩa xây dựng, kiến lập sự yên ổn, vững chắc, Thiên Trường đổi thành Phụng Hóa hàm ý tuân theo sự giáo hóa, cải hóa của nhà Minh. Cùng với chính sách “một mảnh giấy, một nửa chữ cũng không để lại” quân giặc đã phá hủy nhiều di tích lịch sử văn hóa. Tại phường Quán Đổ (sau làng Đô Quan, huyện Ý Yên), nơi có nghề đục chạm đá, có ngôi đền thờ Trần Nhân Trứ - Thân vệ tướng đời Trần, tương truyền có các bộ đồ thờ, tượng đều bằng đá. Thời giặc Minh đô hộ, chúng đã đốt đền, nay chỉ còn lại bệ đá hoa sen, đôi cầy đèn đá. Theo các nhà nghiên cứu, Chùa Phổ Minh - quê hương của các vua Trần, nơi có chiếc vạc đồng, sản phẩm của nghề đúc đồng nổi tiếng của dân Đại Việt mà chính người Trung Hoa thời ấy cũng xếp vào một trong “An Nam tứ đại khí”, cũng bị giặc Minh tiêu hủy.
Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Nam Định chưa khi nào nguôi tắt ngọn lửa đấu tranh trong suốt thời kỳ quân Minh đô hộ. Đông đảo nhân dân vùng Nam Định đã đặt nợ nước lên trên, nhìn rõ bản chất xâm lược của kẻ thù, đứng lên khởi nghĩa vũ trang, dũng cảm, sinh tử với giặc Minh. Nhân dân Nam Định đã tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi. Theo sử cũ chép lại: “Mùa đông, tháng 10, Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ, châu Trường Yên, dựng niên hiệu là Hưng Khánh. Trước đó, Trương Phụ yết bảng bắt các tôn thất họ Trần và đầu mục quan lại cũ để đưa về. Vua trốn chạy đến Mô Độ. Người Thiên Trường là Trần Thiệu Cơ đem quân đến lập lên ngôi”. Tiếc là cho đến nay không có thêm tư liệu gì về Trần Thiệu Cơ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, hành động Trần Thiệu Cơ đem quân đến và tôn Trần Ngỗi lên làm ngọn cờ của cuộc khởi nghĩa đã phản ánh tâm lý xã hội lúc đó của bộ phận dân cư luyến nhớ nhà Trần, mượn danh nhà Trần để tập hợp lực lượng. Sau này, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi - người hoàn toàn không dính dáng về dòng họ và quyền lợi nhà Trần, nhưng thấy lòng người vẫn nhớ nhà Trần đã cho dựng lên Trần Cảo “để theo nguyện vọng mọi người" cần nhìn nhận đó như một nghệ thuật đấu tranh khiến cho nghĩa quân vừa tranh thủ được một bộ phận nhân dân và tiện bề lợi dụng chiêu bài mà chính quân Minh đang sử dụng. Trong cuộc kháng chiến sau đó do Trần Quý Khoáng đứng đầu, vùng bên sông Mờm thuộc xã Ngọc Chấn (nay thuộc xã Yên Trị, huyện Ý Yên) là địa điểm đóng quân của Đặng Dung./.