Dấu ấn văn hoá Trần qua các phát hiện khảo cổ học

10:09, 22/09/2011

Thiên Trường xưa, Nam Định nay là nơi phát tích của vương triều Trần. Nơi đây hiện còn lưu giữ nguồn di sản văn hoá phong phú, đậm đặc minh chứng cho sự tồn tại của triều đại vàng son, rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Một số hiện vật tiêu biểu thời Trần được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Một số hiện vật tiêu biểu thời Trần được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Vùng đất Tức Mặc - nơi dấy nghiệp và lập căn cứ địa của ba lần chống giặc Nguyên - Mông của nhà Trần, theo thuyết phong thuỷ xưa có thế “ngoạ long” (rồng nằm) là thế đất đẹp, phát về đường đế vương, khanh tướng. Ngay từ năm 1239, Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của vương triều Trần đã cho xây dựng ở đây nhiều đền đài, cung điện nguy nga, tráng lệ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rõ: “Đến năm 1262, vào tháng 2, Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một cung cho vua đương triều đến chầu ở, gọi là cung Trùng Hoa…”. Bao bọc khu cung điện là dinh thự, thái ấp, phủ đệ của các tướng lĩnh cao cấp, các vương tôn, công hầu của triều đình. Trong suốt 175 năm tồn tại với 14 đời vua, phủ Thiên Trường được coi như kinh đô thứ 2, là phên dậu vững chắc phía Nam kinh thành Thăng Long. Với vị thế đặc biệt này, ngày nay trên mảnh đất Nam Định còn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị về vương triều Trần. Bên cạnh hàng ngàn hiện vật được nhân dân phát hiện trong quá trình lao động sản xuất, Bảo tàng tỉnh thông qua công tác khảo cổ học đã góp phần quan trọng trong việc tìm về từ lòng đất nhiều di vật quý hiếm, từng bước làm sáng tỏ về một kinh đô từng tồn tại từ thế kỷ XIII-XIV. Ngay từ cuối thập kỷ 60 (thế kỷ XX), nhân dân địa phương đã tìm thấy nhiều di vật thời Trần dưới lòng đất như: gạch ngói, đầu rồng, đồ gốm, sành sứ… trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh tế. Năm 1970, chiếc giếng cổ được tạo bởi 152 chiếc bao nung phát hiện ngay phía sau chùa Phổ Minh cùng các loại chén bát, bình men ngọc có viết dòng chữ Hán “Thiên Trường phủ chế” đã gợi mở và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Năm 1976, tại chùa Đệ Tứ phường Lộc Hạ - khu vực trước kia vốn là nơi ở của cung phi, hoàng hậu nhà Trần, các nhà khảo cổ lại phát hiện được một khối lượng lớn hiện vật bằng gốm, sành sứ, đất nung như đầu rồng, gạch hoa, gạch có khắc chữ “Vĩnh Khang viên”, đặc biệt là một sân gạch hoa vuông trang trí hoa cúc dây còn khá nguyên vẹn… Ngoài những thám sát khảo cổ học mang tính địa phương, Bảo tàng tỉnh đã có những cuộc khai quật quy mô với sự phối kết hợp cùng các cơ quan chuyên môn như: Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Riêng khu vực các di tích thuộc trung tâm hành cung Thiên Trường (đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, chùa Phổ Minh), từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay đã diễn ra hàng chục cuộc thám sát, khai quật khảo cổ. Gần đây nhất, trong các năm 2006-2008, Bảo tàng tỉnh kết hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát và khai quật thăm dò nhiều vị trí dưới lòng đất như: Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, Hậu Bồi, Liễu Nha, đình Kênh, đình Cả, đình Tây, đình Cao Đài, Phương Bông, cánh đồng giữa đền Trần và chùa tháp Phổ Minh… Kết quả thám sát và khai quật thăm dò đã phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hoá kéo dài từ thế kỷ XIII đến XIX, phản ánh lịch sử văn hoá phồn thịnh của đất hành đô như: gạch ngói xây dựng các loại, vật liệu kiến trúc trang trí rồng phượng bằng đất nung, tượng uyên ương, đồ gốm sứ, đồ kim loại. Đặc biệt, từ việc khai quật đã làm rõ được một phần dấu tích của cung Trùng Hoa (nơi ở và làm việc của các Thái Thượng hoàng nhà Trần) dưới lòng đất Thiên Trường, gồm có: hệ thống móng trụ kiến trúc được đầm nền chặt bằng các loại gạch, ngói vụn; các dải gạch ngói tạo dáng hình hoa chanh viền quanh nền của các kiến trúc; các ô vuông, ô bát giác dạng bồn hoa; bờ kè đá cuội nằm nghiêng; dấu tích nền sân gạch. Đi kèm theo các di tích kiến trúc là các loại gạch xây, gạch lát nền, ngói mũi lá, ngói mũi sen kép, mũi sen đơn, ngói mũi tròn, ngói mũi sen tráng men, ngói cong, gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa lam… Đặc trưng của các di tích và di vật ở đây phản ánh niên đại thuộc thế kỷ XIII-XIV, tương tự như các dấu tích kiến trúc thời Trần đã xuất lộ ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Tam Đường (Thái Bình). Tại cuộc họp báo thông báo kết quả khai quật khảo cổ học do Sở VH-TT (nay là Sở VH, TT và DL) tổ chức tháng 12-2006, các nhà khoa học đã đánh giá rằng cho đến thời điểm này chưa có một nơi nào để lại được quy mô cũng như sự quy hoạch rõ ràng và tương đối nguyên vẹn như mặt bằng kiến trúc thời Trần phát hiện tại Nam Định. Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học: “Tuy mới chỉ làm xuất lộ một phần rất nhỏ, nhưng các di tích ở đây cho thấy cung Trùng Hoa là một cung điện có quy mô rộng lớn với một phức hợp kiến trúc gồm nhiều thành phần kiến trúc khác nhau được bố cục rất quy củ: sân vườn, các kiến trúc nhỏ ở phía trước, các kiến trúc lớn ở phía sau và được trang trí chủ yếu là rồng, phượng”. Còn theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Việt Nam: “Việc phát hiện khảo cổ học lần này đã góp phần khẳng định hành cung Thiên Trường đích thực là kinh đô thứ hai của nhà Trần”.

Mặc dù các nhà khảo cổ đã có nhiều cố gắng song tiềm năng, giá trị lịch sử và văn hoá của các di tích dưới lòng đất Thiên Trường xưa còn tiềm ẩn rất lớn, cần tiếp tục có các bước nghiên cứu, xây dựng quy hoạch thật tốt để đánh giá đúng giá trị, đề xuất phương hướng bảo tồn lâu dài cho các di tích này. Trước thực tế đó, các đơn vị chức năng của ngành VH, TT và DL đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát toàn bộ hệ thống di tích lịch sử - văn hoá thời Trần trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, có 42 di tích liên quan trực tiếp đến lịch sử và con người thời Trần, trong đó có 26 di tích thuộc dự án quy hoạch bảo tồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây chính là cơ sở để Bảo tàng tỉnh có những cuộc khai quật khảo cổ học quy mô, tập trung hơn trong thời gian tới, góp phần phục dựng lại diện mạo hành cung Thiên Trường xưa, đồng thời để các nhà quản lý đề ra phương án giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hoá Trần do cha ông ta đã dày công tạo dựng, trao truyền cho thế hệ hôm nay./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com