“Việt Nam - một đất nước nhiệt đới kỳ lạ, người dân chịu nhiều đau khổ vì bao cuộc chiến tranh, nhưng có một nền văn hóa hết sức đặc biệt. Chỉ một năm làm việc với họ, nhưng người Việt Nam với tôi mãi mãi là thân thương, ruột thịt…” - Vị cựu chiến binh người Kazan của Liên bang Nga Ka-im Ka-xi-mô-vích Sa-khit-đi-nốp từng nói với bạn bè mình như vậy.
Đồng chí Ka-im, người Việt Nam đã gọi chuyên gia kỹ thuật tên lửa - pháo cao xạ Sa-khit-đi-nốp bằng cái tên thân mật và đơn giản như vậy. Ông đã viết cuốn sách “Những ghi chép của người sĩ quan” để “gửi gắm” tình cảm của mình trong đó với Việt Nam.
Cùng sát vai chiến đấu
Năm 1968, khi được thông báo rằng tôi đã được chọn sang Việt Nam chiến đấu, tôi khá ngạc nhiên nhưng rất hứng khởi. Lúc đó tôi là thiếu tá, chỉ huy phó Trung đoàn 512 tên lửa - pháo cao xạ đóng tại Thành phố Penze. Tôi đã có vợ và hai con gái nhỏ, nhưng tôi xác định rõ “Đảng và Nhà nước yêu cầu, quân nhân sẵn sàng!”. Vậy là tôi được đi “công tác xa” trong một năm. Chuyến bay của chúng tôi theo tuyến Mát-xcơ-va - Lếc-cút - Bắc Kinh - Hà Nội.
Khi máy bay vừa hạ cánh xuống Hà Nội thì tim tôi bỗng đập rất mạnh. Lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân xuống một đất nước xứ nhiệt đới không quen biết. Nhóm sĩ quan Xô-viết chúng tôi được bố trí ở một nhà lán. Nó được bao bọc bởi mấy lớp lá. Khung nhà bằng tre được buộc chặt bằng dây thừng. Giường nằm là những tấm phản lắp đặt trên những chiếc ngựa gỗ, trên đó trải chiếu làm giường ngủ. Mùng được buông xuống để tránh ruồi, muỗi. Ở Hà Nội thời đó chủ yếu là nhà 3-4 tầng lưu lại thời Pháp, nhưng vẫn có nhà hát lớn Ô-pê-ra, Ngân hàng Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, nhà thờ Thiên chúa giáo, nhiều đền, chùa, miếu…
Nhóm chuyên gia quân sự chúng tôi lúc đó có 14 người. Tôi dẫn đầu nhóm 7 chuyên gia kỹ thuật tên lửa phòng không cùng các kỹ sư và kỹ thuật viên Việt Nam phân tích các tình huống chiến đấu. Chúng tôi thường xuyên đi từ nơi này sang nơi khác khắp các trận địa của trung đoàn, di chuyển thay đổi vị trí theo từng trận đánh… Bộ chỉ huy Phòng không - Không quân bạn xác định rõ ràng và chính xác những nơi nào cần tăng cường mật độ hỏa lực, nơi nào còn yếu, chưa đạt được ý đồ chiến thuật. Tôi làm cố vấn cho kỹ sư trưởng của Trung đoàn pháo cao xạ - tên lửa có tên là Canh. Đó là một con người vui tính nhưng làm việc rất đúng mực, nghiêm túc. Tôi không còn nhớ họ của anh ấy, chỉ gọi thân mật bằng tên như các bạn Việt Nam xưng hô với nhau.
Cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Internet |
Chỉ sau vài tháng, chúng tôi đã nhanh chóng hòa nhập với nhịp độ và hoàn cảnh cuộc sống thời chiến của bạn. Chúng tôi chú ý lắng nghe và nghiên cứu tình thế các chiến sĩ không quân - tên lửa - pháo cao xạ Việt Nam đã trực tiếp đánh nhau với không quân đối phương. Buổi tối, chúng tôi đi tới các trận địa tên lửa - pháo cao xạ để kiểm tra khí tài, cách bố trí lực lượng, sửa chữa, tu chỉnh các thiết bị kỹ thuật… cho trận đánh hôm sau. Đó là một công việc thật căng thẳng đầu óc. Bữa sáng và bữa tối thì ăn tại nơi ở, còn bữa trưa thì ngay trên xe dã chiến.
Có một điều đặc biệt là, mặc dù thời chiến khó khăn, đói kém, nhưng người dân Thủ đô Hà Nội lại rất hiếu khách, có gì họ bày hết lên bàn mời chúng tôi. Tôi càng hiểu hơn ý một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu được người phiên dịch chuyển ngữ ra tiếng Nga cho chúng tôi thưởng thức: “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Còn các đồng chí đầu bếp thì cố gắng nấu các món ăn theo khẩu vị chúng tôi. Thực đơn thường có thịt gà, đồ hộp, rau quả trái cây, nhất là cam và chuối…
“Thơ ca át mệt nhọc bớt căng thẳng”
Chúng tôi làm việc trực tiếp với các bạn Việt Nam nhờ các phiên dịch chuyển ngữ. Nhưng các phiên dịch này trình độ cũng không đồng đều, chắc là do đào tạo cấp tốc trong thời chiến. Tôi có ấn tượng với hai bạn phiên dịch có tên là Nhâm và Nam. Nhờ họ mà tôi hiểu biết nhiều hơn về đất nước, nền văn hóa và con người Việt Nam.
Nhâm là con trai út của một kiến trúc sư nổi danh. Tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, anh đã “tu luyện” thêm tiếng Nga nên phiên dịch rất tốt. Trong chiếc cặp mang theo người của anh tới nơi làm việc luôn có cuốn thơ Pu-xkin hay Léc-man-tốp nguyên bản tiếng Nga. Anh đã đọc thuộc lòng nhiều bài thơ anh yêu thích trong đó. Nhờ Nhâm mà tôi đã hiểu được câu khẩu hiệu nói lên khí thế của thanh niên xung phong Việt Nam lúc đó là “Tiếng hát át tiếng bom”. Bởi Nhâm đã dịch nghĩa ra tiếng Nga rất chuẩn về văn phong cho tôi nghe.
Người phiên dịch thứ hai ở tổ chuyên gia kỹ thuật chúng tôi là Nam. Anh xuất thân từ một gia đình nông dân và lên học ở thành phố. Anh cùng chúng tôi đi khắp các trạm tên lửa và trận địa cao xạ. Nam rất yêu tiếng Nga. Anh tự chuyên tu thêm tiếng Nga bằng cách đọc các tác phẩm văn học Nga từ nguyên bản. Đặc biệt, anh đọc khá diễn cảm những bài thơ của Mai-a-cốp-xki. Giữa tôi và Nam có một sự tương hỗ với nhau thật ý hợp tâm đồng: Tôi giảng giải thêm cho Nam về một số tác phẩm văn học hay và được mọi người yêu thích của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Nga như Tôn-xtôi, Goóc-ki, Pu-xkin, Ê-xê-nhin… còn Nam thì dạy tôi học tiếng Việt. Kết quả là vào cuối thời hạn công tác, tôi đã nghe và nói chuyện được tiếng Việt với các anh bộ đội Cụ Hồ, tất nhiên là chỉ ở mức “tạm được” thôi. Sau khi kết thúc chuyến công tác trở về nước, tôi và Nam vẫn trao đổi thư từ với nhau.
Chúng tôi cũng thường tổ chức “liên hoan” với các bạn Việt vào những buổi tối thứ bảy, nhất là sau những trận thắng hạ được máy bay Mỹ. Bánh kẹo, hoa quả, thuốc lá, chè xanh… được bày hết lên bàn. Rồi chúng tôi cùng ca hát với nhau. Điểm này thì chúng tôi chịu thua các bạn Việt, vì chúng tôi chưa ai hát được bài Việt, trong khi các bạn đó lại hát khá nhiều bài hát tiếng Nga, đặc biệt là các bài “Thời Thanh niên sôi nổi” và “Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va” các bạn hát rất diễn cảm.
Hiểu ra rồi, tình càng thắm hơn
Vào những giờ phút nghỉ hiếm hoi, chúng tôi thường tới gian ngoài của khách sạn “Dân Chủ” ở Thủ đô Hà Nội để giải trí với các môn thể thao nhẹ như bóng bàn, bi-a, cờ vua… Trong bộ phận phục vụ ở đây có cô gái tên Điệp, một cái tên đẹp theo ngôn ngữ của người Việt Nam. Đó là một loài cây hoa tươi thắm, hoa phượng vĩ. Cô có dáng người thon thả, mềm mại, tóc đen mượt để đuôi sam dài, nụ cười tươi luôn nở trên đôi môi nồng thắm. Khuôn mặt xinh đẹp, dễ thương của Điệp làm gây ấn tượng xao xuyến cho những người khách bước vào khách sạn này. Tôi có diễm phúc được quen biết với Điệp. Cô cũng luôn làm tôi liên tưởng tới những cô gái con nhà lành của nông thôn Nga vào những thế kỷ trước. Chúng tôi cùng Điệp đã có mối thân tình hữu nghị từ những ngày đầu tôi vào giải trí ở đây.
Một hôm, vì nóng quá tôi đã cạo trọc đầu, đội chiếc mũ trắng rồi bước vào phòng giải trí này. Nhưng hôm nay tôi thật ngạc nhiên vì không nhìn thấy Điệp đâu cả. Vì như mọi khi trước đây, chúng tôi vừa bước vào cửa thì đã được Điệp bước ra tươi cười đón tiếp. Tôi phân vân nghĩ: “Hay hôm nay Điệp bị ốm không thể đi làm?”, rồi nhìn quanh tìm kiếm. Bỗng nhiên tôi nhận ra Điệp cùng một cô tiếp tân khác ngồi sau tấm phông, quay lưng về phía chúng tôi và nói với nhau gì đó. Rồi họ còn chỉ trỏ gì đó với nhau mà tôi đoán chắc là nói về tôi. Bực quá, tôi muốn bỏ ra về, nhưng đồng chí trưởng ban phục vụ lên tiếng:
- Đồng chí Ka-im, xin hãy cho biết vì sao đồng chí cạo trọc đầu? Chắc có điều gì bất hạnh? Chuyện gì không hay?
Tôi liền cười to, phá tan sự hoài nghi của mọi người:
- Không có chuyện gì cả. Bởi không khí ở đây oi bức, nóng quá nên tôi đành phải cạo trọc đầu cho đỡ ngột ngạt, vướng víu. Mọi chuyện với tôi đều bình thường, đều tốt đẹp cả mà!
- Vậy thì tôi sẽ nói “lý do trọc đầu” của đồng chí cho Điệp biết. Cô ấy khá bực bội vì đồng chí cạo trọc đấy. Vì ở chỗ chúng tôi, đàn ông mà cạo trọc đầu thì một là do thất tình, hai là những người không tốt như ăn cắp, đi làm bậy gì đó…
Sau chuyện này các bạn Việt Nam ở đây đã hiểu tôi hơn. Và tình hữu nghị giữa tôi và người đẹp Điệp cũng trở nên thân thiết hơn…
Kết thúc thời gian công tác ở Việt Nam tôi trở về với gia đình và tiếp tục làm việc ở Kazan. Ở đây có một cộng đồng người Việt sinh sống từ thời Xô-viết. Hiện có Cty buôn bán “Vitarux” làm ăn phát đạt do bà Đào Thị Côi làm giám đốc. Có một cuộc gặp tình cờ thú vị và đó cũng là một món quà đặc biệt cho chúng tôi.
Vào một ngày lễ chiến thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chúng tôi - những cựu chiến binh từng tham gia giúp đỡ Việt Nam tham gia buổi lễ. Trên ngực áo sĩ quan của mình, ngoài các huân, huy chương Xô-viết còn có “Huân chương Chiến công” và “Huy chương Đoàn kết chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược” của Việt Nam./.
Theo: Sự kiện và Nhân chứng