Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) nhiệm kỳ 2010-2015, xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn. Trong đó, tập trung thâm canh 2 vụ lúa, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, phấn đấu đưa sản xuất vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm, đồng thời đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, hình thành các mô hình trang trại, gia trại vừa và nhỏ; tiếp tục phát triển ngành CN-TTCN - thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế chung của xã. Cơ cấu kinh tế là: giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 28%, CN-TTCN - xây dựng 51%, thương mại - dịch vụ 21%; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 15% trở lên.
Giao thông nông thôn ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) được cải tạo nâng cấp, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. |
Để khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, xã tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, trong đó đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có giá trị và sức cạnh tranh cao, từng bước đưa chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại và phát triển nuôi trồng thủy sản. Cùng với việc mở rộng sản xuất vụ đông, phát triển các cây rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, xã khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào các quy trình thâm canh tổng hợp để tăng giá trị trên 1ha canh tác. Nhờ tập trung thâm canh 2 vụ lúa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, tích cực nâng cấp hệ thống thủy lợi cho vùng sản xuất vụ đông nên đến nay 100% các xóm trong xã đã có quy hoạch sản xuất vụ đông và diện tích vụ đông trên đất 2 lúa đã đạt gần 60ha, đặc biệt là 5 xóm ở khu vực Bơn Ngạn. Diện tích nuôi thủy sản đạt 43ha. Chăn nuôi được duy trì và tiếp tục phát triển, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới có quy mô lớn và cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác của xã đã đạt gần 70 triệu đồng/năm. CCN Nghĩa Sơn tiếp tục được mở rộng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời khuyến khích việc hình thành các tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất ở nông thôn. Bên cạnh việc duy trì, phát triển các ngành nghề hiện có như: Cơ khí sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng… xã còn phát triển các ngành nghề mới như: Chế biến thực phẩm, nông sản, nghề dệt len, đan móc sợi, trồng và chế biến nấm nhằm tận dụng nguồn rơm rạ tại địa phương… Hằng năm tổng giá trị sản xuất CN-TTCN - thương mại - dịch vụ của xã hiện đã đạt hơn 160 tỷ đồng với mức tăng trưởng bình quân hơn 20% mỗi năm. Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống và xây dựng nông thôn mới. Nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xã Nghĩa Sơn đã phát huy tối đa nội lực, sử dụng có hiệu quả sự tự nguyện đóng góp của các tầng lớp nhân dân và sự hỗ trợ của tỉnh và huyện. Đến nay, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn của xã gồm: Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi công cộng đã cơ bản hoàn thiện. Toàn xã có 17,5km đường rải nhựa, gần 70km đường liên thôn, liên xóm đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông. Hệ thống điện của xã gồm 8 trạm biến áp với tổng công suất 1.570kVA. Trụ sở HĐND, UBND xã được xây mới với quy mô 2 tầng, 18 phòng làm việc khang trang. Nhà văn hóa xã có hội trường trên 400 chỗ ngồi. Cả 5 trường tiểu học, THCS và trường mầm non của xã đều đạt chuẩn quốc gia và 100% các cấp học, ngành học đều có lớp học cao tầng… Được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Sơn đã triển khai đề án được UBND huyện phê duyệt một cách khá tích cực, chủ động, phấn đấu đến hết năm 2013 cơ bản hoàn thành đạt chuẩn 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện đề án, trong 6 tháng đầu năm 2011, xã đã huy động được 3,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và nhân dân tự nguyện đóng góp để triển khai thi công hơn 17,3km đường trục ra đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cấp 5km đường liên thôn, kiên cố hóa 11,6km kênh mương cấp 2, tu sửa nâng cấp Trạm y tế xã và 12 phòng học trường THCS, xây mới 4 nhà văn hóa thôn…
Có được kết quả trên, thời gian qua Đảng ủy xã Nghĩa Sơn đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng được duy trì nền nếp, qua đó đã kịp thời uốn nắn những thiếu sót, tồn tại đồng thời gắn trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy với cơ sở. Chính điều này đã tạo nên được sức mạnh tổng hợp của “ý Đảng, lòng dân” để xây dựng xã Nghĩa Sơn trở thành một điển hình của huyện Nghĩa Hưng là một xã nông thôn mới giàu về kinh tế, đẹp về nếp sống văn hóa, vững mạnh về quốc phòng - an ninh./.
Bài và ảnh: Quốc Tuấn