Luận cứ khoa học và những giá trị Lịch sử - Văn hóa

03:09, 29/09/2011

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ VH, TT và DL, Viện Văn hóa - Nghệ thuật phối hợp với Sở VH, TT và DL vừa tổ chức hội thảo “Luận cứ khoa học tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định”. Hội thảo không chỉ đưa ra các căn cứ khoa học để tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định mà còn góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử - văn hóa mang bản sắc quê hương Nam Định. Phóng viên Báo Nam Định đã có cuộc trao đổi với một số nhà khoa học xung quanh vấn đề này.

Rước kiệu trong Lễ hội Trần. Ảnh: xuân thu
Rước kiệu trong Lễ hội Trần.
Ảnh: xuân Thu
[links()]
“Xác định các luận cứ khoa học cho việc
kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định”
 
PGS.TS Nguyễn Chí Bền
Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật, Bộ VH, TT và DL

 

Tại hội thảo, tham luận của các nhà khoa học đã đề cập nhiều vấn đề bằng các phương pháp tiếp cận khác nhau, nhưng đã thống nhất ở một số phương diện: Niên đại xây dựng hành cung Thiên Trường của vương triều Trần không thể sớm hơn năm 1262, nhưng cũng không thể muộn hơn năm 1262. Các di tích, di vật có niên đại 1231, 1239 là ghi dấu các lần các Vua Trần về thăm cố hương, khi đã ở đỉnh cao quyền lực. Khi ấy, nơi này vẫn là hương Tức Mặc, đất cố hương, nơi phát tích của nhà Trần, chứ chưa là một hành cung. Hành cung Thiên Trường là một kiến trúc được xây cất theo mô hình một cung điện của nhà Trần. Hy vọng tới đây, các nhà khảo cổ sẽ khai quật thêm để có đủ chứng cớ, luận chứng giúp chúng ta có cái nhìn trọn vẹn về một cung điện ở thế kỷ XIII-XIV trên vùng đất này. Và cũng để chúng ta có các căn cứ khoa học cho công cuộc bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa vô giá này. Về phương diện chính trị, có thể coi hành cung Thiên Trường như một kinh đô thứ 2 của Đại Việt vào thế kỷ XIII, XIV (hoặc gọi khiêm nhường hơn như cách gọi của một nhà khoa học Nhật Bản tại hội thảo về nhà Trần ở Quảng Ninh mới đây: phó đô; hoặc thứ đô như cách gọi của Phạm Sư Mạnh). Hành cung Thiên Trường được vương triều Trần xây dựng để các Thượng hoàng nhà Trần lui về sinh sống, nhưng cũng là nơi các Vua Trần về chầu. Nói cách khác, hành cung Thiên Trường là trung tâm quyền lực thứ hai của Đại Việt vào thế kỷ XIII-XIV. Ở một số phương diện nào đó, trung tâm quyền lực này còn thực chất hơn trung tâm quyền lực thứ nhất là kinh đô Thăng Long và gắn kết, liên hệ chặt chẽ với Thăng Long. Mặt khác, tại hành cung Thiên Trường, các quan của nhà Trần còn được rèn luyện, trau dồi, trước khi về Thăng Long làm nhiệm vụ của mình. Về mặt quân sự, hành cung Thiên Trường - phủ Thiên Trường là hậu cứ, hậu phương quan trọng của nhà Trần… Án ngữ đường ra biển Đông, đường vào phía Nam. Hành cung Thiên Trường quả là một vị trí đắc địa. Lịch sử cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông đã chứng minh điều ấy. Về phương diện xã hội, hành cung Thiên Trường là bước khởi đầu cho quá trình đô thị hóa của tỉnh Nam Định. Phần đô có phần đậm hơn phần thị, phải chăng thuở ấy, một đô thị xây dựng giữa làng quê, nên phần thị chưa phát triển mạnh… Từ hành cung Thiên Trường, đến Vỵ Hoàng, Thành Nam, rồi Thành phố Nam Định là quá trình đô thị hóa của tỉnh Nam Định qua các thời kỳ lịch sử. Về phương diện giáo dục, vương triều Trần đã lập ra nhà học ở phủ Thiên Trường vào năm 1281. Chế độ thi cử tuyển chọn nhân tài của nhà Trần đã xác định 7 năm một lần, và đặt ra học vị Tam khôi. Tại đây, các Vua Trần đã mở các khoa thi Thái học sinh. Vì thế, hành cung Thiên Trường còn giữ vai trò của một trung tâm giáo dục. Chính vì thế, Thiên Trường - Nam Định là một trung tâm văn hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Nơi đây đã hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá gắn với vương triều Trần và các vương triều sau này. Vấn đề đặt ra trong một số tham luận là bảo tồn, phát huy được các di sản này, là hành trang của thế hệ hôm nay bước vào tương lai. Đảng, Chính phủ đã phê duyệt và cho thực hiện “Dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa thời Trần ở Nam Định” từ năm 2005. Xác định các luận cứ khoa học cho công việc kỷ niệm, tưởng niệm một vương triều thông qua kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định là một việc làm cần thiết. Các nhà khoa học đã xác định, thống nhất được các luận cứ trên. Đó là những luận cứ khoa học về  vai trò, vị thế của hành cung Thiên Trường - phủ Thiên Trường với vương triều Trần, với lịch sử Việt Nam, lịch sử văn hóa Việt Nam./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com