“Chuẩn bị kế hoạch nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng Khu di sản văn hóa Trần là Di sản cấp quốc gia đặc biệt”

04:09, 29/09/2011

[links()]

PGS.TS Tống Trung Tín
Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Bộ VH, TT và DL

2.jpg

Trong 3 năm (2006, 2007, 2008), Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở VH, TT và DL Nam Định, Ban Quản lý các công trình trọng điểm Nam Định và Bảo tàng Nam Định tiến hành thám sát, khai quật thăm dò nhiều vị trí trong khu di tích Tức Mặc - Thiên Trường (Nam Định). Các vị trí được thám sát gồm: Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Đệ Tam Tây, Lựu Phố, đình Liễu Nha, đình Kênh, đình Cả, đình Tây Đệ Nhị, Phương Bông, Cao Đài, khu cánh đồng nằm giữa Đền Trần và Chùa Phổ Minh, Đồng Gừng, Đồng Cửa Triều. Các vị trí khai quật thăm dò chủ yếu ở khu vực Đền Trần và khu vực gò cao nằm ở phía tây liền khoảnh với khu vực Đền Trần. Tất cả các hố đào đều làm phát lộ được di tích, di vật có niên đại thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Các di tích có giá trị nhất và tập trung nhất là thuộc khu vực Đền Trần (bao gồm các khu vực trong và khu gò cao ngoài Đền Trần, được phát lộ trong năm 2006 và 2008-2009. Với hiện trạng nói trên, các di tích vừa phát hiện ở khu di tích Tức Mặc thời Trần có ý nghĩa khoa học rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa dân tộc nói chung, lịch sử - văn hóa thời Trần nói riêng. Trước hết, các di tích khảo cổ ở đây chứng minh lòng đất Tức Mặc nói chung và lòng đất Thiên Trường nói riêng còn lưu giữ những mặt bằng kiến trúc quý hiếm có niên đại chuẩn của thời Trần (thế kỷ 13-14). Hiện nay, các di tích Trần đã phát hiện ở các nơi khác chưa có di tích nào để lại mặt bằng có quy hoạch tương đối rõ của một kiến trúc cung đình thời Trần như mặt bằng ở khu vực Đền Trần này. Thứ hai, các dấu tích kiến trúc và các di vật phát lộ vừa qua có ý nghĩa đặc biệt cho việc tôn vinh khu di tích thời Trần ở Nam Định. Nó làm sáng tỏ tiềm năng dựng nước và giữ nước trong truyền thống đầy tự hào của Nam Định xưa và nay, đồng thời góp phần nâng cao tiềm năng văn hóa du lịch của Nam Định. Thứ ba, thông qua việc nghiên cứu các di tích này sẽ góp phần xác định niên đại cho nhiều di tích kiến trúc Trần ở Thăng Long do các kiến trúc ở đây bị chồng chéo, cắt phá lẫn nhau, nhiều khi rất khó xác định. Ví dụ, dải hoa chanh dạng vòm cuốn tương tự như ở kiến trúc A1 Thăng Long, các ô vuông nhỏ dạng “bồn hoa” cũng như ở khu B Thăng Long, các móng trụ gạch ngói đã thấy ở khu A, B Thăng Long… Do tính chất tương đồng rất lớn giữa các dấu tích kiến trúc Trần ở Tức Mặc với kiến trúc Trần ở Thăng Long và là kiến trúc của các Vua Trần, chúng ta càng thấy rõ hơn các dấu tích kiến trúc Trần ở 18 Hoàng Diệu là nằm trong Cấm thành Thăng Long như Khảo cổ học và Sử học Việt Nam đã khẳng định trước đây. Bên cạnh các giá trị của kiến trúc, hệ di vật ở đây cũng điển hình cho thế kỷ 13-14 góp phần nghiên cứu và trưng bày các di vật của cung Trùng Hoa trong Bảo tàng Nam Định. Tất cả các di vật này sẽ được chỉnh lý khoa học góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử thời Trần ở Nam Định và Đại Việt, đồng thời trực tiếp chuẩn bị phục vụ cho việc trưng bày tại Bảo tàng Nam Định phát huy các giá trị tốt đẹp của khu di tích. Kết quả của 2 đợt khai quật thăm dò năm 2006 và năm 2008-2009, trên tổng thể, đây là một khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng bao gồm một hệ thống di tích dày đặc trên mặt đất, các loại hình phong phú (đình, đền, chùa, tháp, miếu, các di sản văn hóa phi vật thể…).

Hiện nay theo phê duyệt của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực thực hiện nhằm bảo vệ, bảo tồn thật tốt khu di sản văn hóa quý hiếm này. Để có thể làm tốt hơn nữa, dưới góc độ của một cơ quan nghiên cứu khoa học, tôi kiến nghị các cấp quản lý có thẩm quyền của tỉnh Nam Định quan tâm chỉ đạo các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn liên quan chú ý thêm một số điểm sau đây: Tăng cường công tác nghiên cứu khảo cổ học ở các vị trí đặc biệt quan trọng như khu vực Đền Trần, Chùa Đệ Tứ, Chùa Phổ Minh. Đây là loại di tích gốc quan trọng hàng đầu của khu di tích. Việc tăng cường phát hiện và nghiên cứu dấu tích cung Trùng Quang, cung Trùng Hoa, cung Đệ Tứ sẽ là bằng chứng quyết định chứng minh Thiên Trường là kinh đô thứ hai của thời Trần sau Thăng Long, bằng chứng của một thể chế chính trị đặc biệt (thể chế 2 vua) trong lịch sử vương quyền Việt Nam. Đây cũng là loại hình di tích quyết định giá trị cơ bản của khu di tích. Trong việc đầu tư nghiên cứu cũng như việc quan tâm bảo vệ bảo tồn vẫn chưa được quan tâm đúng với giá trị đích thực của nó. Song song với việc khai quật là kế hoạch bảo tồn cấp thiết và lâu dài đối với các di tích nhằm bảo vệ và phát huy thật tốt giá trị của di tích.

Trong khu quy hoạch các di tích Trần ở Nam Định, cần tăng cường mật độ cây xanh tránh phá vỡ môi trường cảnh quan. Cảnh quan của Thiên Trường thời Trần đã từng được thư tịch cổ ghi chép: Đó là các cánh đồng lúa xanh bát ngát, các làng mạc yên bình đan xen, các mái cong của cung điện, chùa chiền và nhấp nhô ngọn tháp Phổ Minh, đó là cảnh mục đồng sáo thổi lúc chiều về và từng đàn cò trắng bay lượn. Nay việc xây dựng và đô thị hóa ở đây gần như đã làm mất vĩnh viễn cảnh quan thiên nhiên thần tiên đó. Tôi kiến nghị nên xem xét điều chỉnh quy hoạch sao cho tăng mật độ cây xanh lên tối đa. Chúng ta rất nên học tập việc quy hoạch di tích và cây xanh trong các di tích cung điện, chùa chiền ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, quy hoạch Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đặc biệt chú trọng bảo vệ rừng và cảnh quan di tích. Chúng ta cũng nên tham khảo thêm quy hoạch bảo tồn di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Tỉnh Nam Định cũng nên tham khảo ý kiến của Bộ VH, TT và DL để chuẩn bị kế hoạch nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng khu di sản văn hóa Trần Thiên Trường (Nam Định) là Di sản cấp quốc gia đặc biệt. Trong tương lai, việc nghiên cứu, quy hoạch và tôn tạo khu di tích được làm thật tốt thì khu di tích có thể sẽ được tôn vinh ở cấp độ cao hơn, xứng tầm với giá trị và cảnh quan di tích./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com