“Cần nghiên cứu để tiến tới bảo vệ Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần ở cấp độ quốc tế”

03:09, 29/09/2011

[links()]

TS. Lê Thị Minh Lý
Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa
Bộ VH, TT và DL
Mô tả ảnh.

Nam Định là trung tâm của một vùng văn hóa, trong đó văn hóa gắn với thời Trần, với địa danh Thiên Trường đã được ghi nhận như là di sản đại diện của Quốc gia. Ở đó, chúng ta tìm thấy sự phong phú, độc đáo, đa dạng của biết bao di sản cả vật thể và phi vật thể, cả động sản và bất động sản. Với 750 năm hình thành và phát triển, vùng đất này đã trở thành hình ảnh, biểu tượng và niềm tin không chỉ của cộng đồng cư dân ở đây mà của cả Quốc gia. Để góp phần xây dựng các luận cứ khoa học nhằm bảo vệ di sản văn hóa Thiên Trường - Nam Định, từ góc độ quản lý di sản văn hóa, tôi xin có một số ý kiến và đề xuất.

Thứ nhất, cần có một quan điểm tiếp cận tổng thể để triển khai Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần. Từ năm 2005, quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đến năm 2015 (Quyết định 252/2005/QĐ-TTg ngày 12-10-2005). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc bảo vệ di sản văn hóa thời Trần ở Nam Định; thể hiện mục tiêu chiến lược có tầm Quốc gia và hội nhập với quốc tế; những nhiệm vụ trọng tâm và những biện pháp khoa học có tính khả thi (Điều 1, mục 2b, mục 6; Điều 2, mục 1). Song, nhìn lại các dự án, kế hoạch đã thực hiện từ năm 2005 đến nay, hầu hết tập trung vào việc nghiên cứu phục hồi những giá trị vật chất của di sản và những cơ sở hạ tầng nhằm phát huy giá trị di sản. Đã đến lúc cần điều chỉnh và bổ sung quy hoạch theo hướng bảo tồn tổng thể giá trị vật thể và phi vật thể của vùng đất này cùng với văn hóa Thiên Trường - Nam Định. Vì vậy, cần kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến thời Trần, bao gồm các biểu đạt liên quan đến ngôn ngữ và truyền thống truyền khẩu; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian… Đồng thời, cần nhận diện các giá trị văn hóa đó dưới góc độ di sản, chỉ ra di sản đã được hình thành, sáng tạo từ thời Trần và được cộng đồng tiếp tục sáng tạo, trao truyền và duy trì nó cho đến ngày nay. Đó chính là cơ sở khoa học để phục hồi, phục dựng và phát huy những di sản văn hóa vật thể đã được xác định trong quy hoạch. Di sản văn hóa phi vật thể thời Trần là một thực thể sống, hãy làm cho di sản đó trở thành sức sống của hôm nay. Một số di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, quan trọng và có tính đại diện của cộng đồng cư dân tỉnh Nam Định cần được lập hồ sơ khoa học để ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và những tập quán, nghi lễ và lễ hội có liên quan là những di sản văn hóa có sức sống mãnh liệt, có giá trị đặc biệt với cộng đồng cần sớm được ghi nhận và hướng dẫn để bảo vệ. Bên cạnh đó, nghệ thuật hát Chầu văn và tập quán, tín ngưỡng có liên quan cũng là một trong số những di sản đang được quan tâm không chỉ ở cấp độ Quốc gia mà ở cả cấp độ quốc tế. Đó chính là những di sản đại diện, đặc biệt quan trọng của Nam Định cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ…

Thứ hai, cần nghiên cứu, thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu và trung tâm thông tin về di sản văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định. Lịch sử đã ghi những trang oanh liệt nhất về thời Trần, về những dấu mốc quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa trong lịch sử dân tộc. Di sản văn hóa thời Trần có ở nhiều nơi trong cả nước, trở thành một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của quốc gia. Trong những thập kỷ vừa qua, chúng ta đã có những chương trình nghiên cứu, những dự án lớn nhằm làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa thời Trần. Đã đến lúc cần có một cơ sở dữ liệu, một ngân hàng thông tin được quản lý và khai thác một cách khoa học và chuyên nghiệp. Ngân hàng ấy xứng đáng được đặt ở Thành phố Nam Định nhằm tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận, tìm hiểu, gắn kết với tìm hiểu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cũng như di sản ký ức đang được lưu giữ và tồn tại trên vùng văn hóa này.

Thứ ba, cần nghiên cứu để tiến tới bảo vệ Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần ở cấp độ quốc tế: Một trong những mục tiêu của Quy hoạch đó là: “Bảo vệ, phát hiện, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực di tích, tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định là di sản văn hóa thế giới”. Chúng tôi nghĩ rằng, những người làm quy hoạch đã nhận ra tiềm năng và giá trị của khu di tích này. Tuy nhiên, để được ghi nhận là di sản thế giới chúng ta cần tiếp tục khai quật khảo cổ làm sáng tỏ những giá trị nổi bật, ngoại hạng của di sản vật thể về chứng cứ lịch sử của thời Trần; phải quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ đủ điều kiện và thích ứng với việc bảo vệ di sản; phải xây dựng bộ máy quản lý và tổ chức kế hoạch quản lý bảo vệ xứng đáng với tầm cỡ và yêu cầu của di sản; phải có chiến lược và chính sách khai thác giá trị di sản phục vụ du lịch đảm bảo điều kiện bảo tồn. Quan trọng hơn cả là việc bảo vệ di sản đó phải do chính cộng đồng thực hành và mang lại lợi ích cho chính họ. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng di sản thời Trần cả vật thể và phi vật thể sẽ trường tồn với sự phát triển của quốc gia, dân tộc, sẽ được vinh danh ghi nhận ở cấp độ quốc tế trong một tương lai không xa./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com