Đất nước âu vàng, biên cương gấm vóc

08:08, 11/08/2011

Đất nước ta, “nghìn năm đẹp âu vàng”. Suốt một dải non sông gấm vóc, những rừng vàng, biển bạc, những núi tím đồng xanh. Người xưa đã nói về dải non sông gấm vóc này: Vua Lý Anh Tông (1138-1175), ông vua thứ 6 của triều Lý đã dặn dò thái tử trước lúc sắp mất:

“Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, đất nước anh linh, châu ngọc bảo bối, không cái gì là không có. Nước khác không thể nào bì được. Con hãy nên giữ nước cẩn thận”.

Thời xưa, ngồi trên ngai rồng, có nhiều bậc minh vương rất quan tâm đến việc giữ gìn an ninh biên giới. Sự quan tâm này được thể hiện qua những bài thơ được khắc vào vách đá - một loại bia vĩnh cửu đứng mãi với thời gian, với lịch sử, để lại cho những thế hệ tiếp sau bài học vô cùng quý giá.

Thời Trần, vua Trần Anh Tông (1293-1314) tiến hành cuộc chinh phạt phương Nam - dẹp sự quấy rối của quân Chiêm Thành vào năm 1312, chiến thắng trở về, kéo quân ra Bắc, nhà vua cho neo đoàn thuyền chiến dưới chân núi Non Nước, chỗ cửa biển Phúc Thành - Thành phố Ninh Bình hiện nay vào một đêm trăng sáng.

Cửa biển Phúc Thành là một điểm biên phòng rất quan trọng, cửa ngõ đi vào cố đô Hoa Lư và đường Thiên Lý. Trần Anh Tông cho neo thuyền tại đây vừa quan sát địa thế, vừa ngắm nhìn cảnh đẹp. Ông có bài thơ “Đánh Chiêm Thành trở về, đậu thuyền cửa biển Phúc Thành”. Bài thơ khắc vào vách đá núi Non Nước, tức núi Dục Thuý (núi Chim Trả):

Thuyền gấm đường về buộc gốc đa
Sương mai nặng hạt ướt mui là
Đầu thông xóm núi trăng vừa ló
Răm đỏ làng chài gió đã qua
Muôn đội cờ bay, vùng biển rặng
Năm canh kèn trống, điện trời sa
Bên song chợt ấm lòng sông biển
Màn trướng thôi vương giấc mộng hoa
(Phạm Tú Châu dịch)

Thời nhà Lê, dải biên cương phía Bắc cần được bảo đảm an bình, Đèo Cát Hãn, một thủ lĩnh miền núi nổi dậy chống lại triều đình. Lê Thái Tổ (1428-1433) trực tiếp cầm quân đi chinh phạt. “Nay ta đem quân đi đánh - đánh thuỷ bộ song song tiến lên, đánh một trận liền bình định được”, nhân đó viết bài thơ khắc vách đá để răn tù trưởng Man ương ngạnh sau này:

Giặc cuồng giám trốn chết
Dân biên chờ lâu rồi
Phản thần từ xưa có
Đất hiếm từ nay thôi
Cỏ cây kinh tiếng gió
Sông núi vào bản đồ
Đề thơ khắc đá núi
Trấn phía Tây cõi bờ

Tấm bia này được khắc vào năm 1431, đề Ngọc Hoa động chủ (tức Lê Thái Tổ).

Đỉnh đèo Hải Vân.
Đỉnh đèo Hải Vân.
Ảnh: Internet

Vùng biển Đông - Bắc là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng. Đây là một dải biên phòng núi rừng - sông biển - đảo vịnh, phải được giữ gìn từng tấc đất, tấc núi, tấc sông, tấc biển. Năm 1468, vua Lê Thánh Tông đi tuần du vùng biển này, thuyền chiến đưa vua đi quan sát khắp vùng biển đảo, ông uý lạo quân sỹ đóng đồn, thăm các vạn chài. Rồi nhà vua cho neo thuyền dưới chân núi Truyền Đăng (Rọi Đèn), tức núi Bài Thơ, nay thuộc Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nhà vua có bài thơ được khắc vào vách đá bằng chữ Hán được dịch nghĩa do cây bút Nguyễn Diên Niên đảm nhiệm:

Trăm dòng sông chảy mênh mông quanh núi
Quần đảo rải rác như bàn cờ
Bể liền trời xanh biếc
Lòng hùng như trí mạnh biển khơi
Tay ta là thần gió làm cho không gian chuyển động
Ta như chòm sao Bắc Đẩu được các vì sao chuyền về
Mang đạo thuỷ binh mạnh như hùm, đi tuần biên qua đây
Bể Đông không còn phải đốt phóng hoả đài lẫn phân chó sói để khói bốc lên báo động nữa
Ngày nay non sông trời Nam rộng hàng vạn dặm chính là lúc nghỉ việc binh để chấn chỉnh văn học


Bởi vậy, bảo vệ toàn vẹn non sông gấm vóc này là trách nhiệm cao cả của mỗi con dân nước Việt. Vua Lê Thánh Tông nhắc nhở vị quan to có trách nhiệm thương thuyết về biên giới phía Bắc:

“Mỗi thước đất, mỗi tấc sông của ta, kẻ nào lại có thể vứt bỏ. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày về điều hay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước đất, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di…” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tam Điệp là con đèo chiến lược, cái bản lề núi đèo giữa Thanh Hoa Ngoại (tỉnh Ninh Bình) và Thanh Hoa Nội (tỉnh Thanh Hoá). Thời xưa, biển dâng sóng đến gần Tam Điệp. Ngoài xa kia là cửa biển Thần Phù. Nơi này là một dải biên phòng núi đèo - rừng biển. Rất nhiều dấu chân quân sĩ các thời đại đã in dấu tại đây. Từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh, Tiền Lê đến Trần, Hậu Lê, Quang Trung, và Nguyễn. Có hai sự kiện đáng nhớ nơi tuyến biên phòng Tam Điệp. Một cánh quân đông tới hàng vạn do tướng quân Trần Nhật Duật án ngữ tại đây trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Và, cuộc tập kết vĩ đại tại Tam Điệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trước khi hành binh thần tốc ra giải phóng kinh thành Thăng Long năm 1789.

Sau này, Thiệu Trị, ông vua thứ ba của triều Nguyễn đã đến đèo Tam Điệp thị sát và có thơ khắc vào bia đá tại đây.

 Quá Tam Điệp sơn

(Qua núi Tam Điệp)

Lối núi xanh non tụ một vùng
Bước lên như thể cưỡi lưng rồng
Chẳng là Vương ốc đường đâu mất
Thì cũng La phù dân đã phong
Xa ngắm tưởng chừng non một đỉnh
Cao trông mới tỏ núi muôn trùng
Ninh - Thanh cảnh sắc hoa đôi trấn
Nhấp nhô quanh co đẹp lạ lùng
(Đỗ Hưng Vinh dịch)
Theo: Tạp chí Văn hóa quân sự

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com