Các tân binh vẫy chào người thân, bạn bè, đồng đội, lên đường ra Trường Sa nhận nhiệm vụ.
Ảnh: Internet
|
Có anh bạn hài hước rằng đi biển dài ngày rất dễ “yếu lòng”, vì sóng cứ như xô gió cứ như đẩy người ta xích lại gần nhau. Tất nhiên là thực tế chẳng “nghiêm trọng” đến vậy. Chỉ là chợt thấy ấm lòng khi anh lính thủy bưng đến tận giường cho bát cháo khuya, hay một thoáng bâng khuâng lúc nhận tách trà sớm từ tay cô gái lần đầu hội ngộ. Sự quan tâm lẫn nhau cứ đến tự nhiên giữa những người xa lạ nhưng có chút cơ duyên chung một chuyến tàu ra đảo.
Bỗng vơ vẩn bâng quơ nghĩ rằng có thể vừa hôm qua thôi, tất cả những con người ấy dửng dưng đi qua mình trên phố. Vì chen chúc giữa khói bụi đô thành hay bởi lo toan đời thường trĩu nặng mà hàng ngày người ta dễ nhìn nhau với “ánh mắt hình viên đạn” dù chẳng có nguyên cớ gì rõ rệt. Một người bạn từng chua chát tuyên bố “tốt nhất là mặc kệ mọi người thôi”, sau lần nọ anh định giúp một bà già vác giỏ đồ nặng qua đường thì bị mắng: “Xê ra! Muốn gạt người để giật đồ sao?!”. Vẫn hy vọng đó chỉ là một ví dụ không tiêu biểu, song không khỏi đôi lúc thở dài khi thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống là khái niệm phần nào xa xỉ… Thế nên, trong muôn vàn lý do để đến với Trường Sa, bên cạnh công việc và khát khao khám phá, còn mong muốn được trải nghiệm, được học lại những bài học về niềm tin, về tình người. Và những trải nghiệm, bài học ấy có thể cảm nhận ngay trên hành trình lênh đênh.
Phần tốt đẹp trong mỗi người dường như vẫn vẹn nguyên ấp ủ, như những mầm xanh chỉ thức giấc với bình minh trong trẻo. Không ai ngạc nhiên khi nhìn những người lính Trường Sa quây quần cùng đọc một lá thư quê nhà, xem chung một tấm ảnh người yêu. Không ai ngạc nhiên lúc thấy những người lính Trường Sa dạy đám trẻ học bài, sửa nhà, vá lưới cho ngư dân, thậm chí lao vào bão tố để cứu người… Không ai ngạc nhiên, vì đó là bản chất truyền thống của những người lính Cụ Hồ; nhưng ai cũng vô cùng trân trọng bởi họ luôn làm tất cả mà không bao giờ băn khoăn rằng “làm thế tôi sẽ được gì?”.
Đến thăm đảo, chuyện nghe kể thì vô vàn, nhưng có một chuyện tôi được chứng kiến về hai người lính Trường Sa đã phục viên, một người làm báo, người kia làm bác sĩ. Hay tin ông thân sinh của đồng đội cũ bệnh nặng lúc bạn công tác xa nhà, người bác sĩ đã đón ông vào viện thuốc thang phụng dưỡng cả tháng trời như chính cha mình, cho đến khi ông khỏe hẳn mà nhất quyết không cầm một đồng nào của bạn…
Trường Sa không chỉ là biểu tượng của chủ quyền quốc gia, của ý chí kiên cường… mà còn là một kho tàng cổ tích hiện hữu những bài học đầy nhân văn về tình đồng đội, nghĩa con người./.
Theo: Lào Cai Cuối tuần