Dù ở bệnh xá Đức Phổ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và các y bác sĩ khác đều phải ăn uống kham khổ, thiếu thốn. Nhưng những thủy thủ bị thương luôn được chị chăm sóc tận tình, dành cho những suất ăn ngon nhất. Chị bảo với các anh: "Các anh phải ở lại đây để chúng tôi chăm sóc cho đến khi lành vết thương. Phải ăn uống bồi bổ để còn lấy lại sức vượt dãy Trường Sơn, quay lại chiến trường".
Trong cuốn nhật ký nổi tiếng của mình, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm có viết: "Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh, những con đường đi, những ghế ngồi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: "Tất cả ba lô lên đường!...". Mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lời chào mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn gặp lại trên miền Bắc thân yêu". Đó là những dòng nhật ký đầy nước mắt mà chị viết khi phải chia tay với những thủy thủ tàu không số ngày 10-4-1968.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Ảnh: Internet
|
Với những thủy thủ của con tàu không số mang mật danh 43, những ngày cuối tháng 2-1968 là những ngày định mệnh. Trong lúc mà sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, những thủy thủ tàu không số đã may mắn được gặp Đặng Thùy Trâm - người bác sĩ, người chị mà họ không bao giờ quên.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Trong một chuyến về thăm bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, những thủy thủ tàu không số năm xưa đã vô cùng xúc động khi ôn lại những kỉ niệm về người bác sĩ đã cưu mang, cứu chữa cho họ khi tàu gặp nạn.
Ngày 27-2-1968, con tàu không số mang bí danh 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy đã xuất phát từ một căn cứ của ta ở đảo Hải Nam - Trung Quốc, mang theo hơn 100 tấn vũ khí để chi viện cho chiến trường khu V. Ngày 1-3, tàu 43 đến vùng biển cùng vĩ độ với khu V và chuyển hướng đi vào bờ biển Sa Huỳnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi). Nhưng khi chỉ còn cách bờ biển 5 hải lý thì hành tung của tàu 43 đã bị lộ.
Trong hoàn cảnh tàu địch vây đánh tứ phía, 3 thuỷ thủ tàu không số đã hi sinh, 14 người còn lại thì có tới 12 người bị thương. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường vận tải quân sự trên biển này, những thủy thủ tàu 43 đã quyết định hủy tàu, không để vũ khí rơi vào tay địch. Khi con tàu biến mất, mang theo mọi bí mật về tuyến đường mòn trên biển xuống lòng biển sâu, thì 14 thủy thủ cũng đưa nhau vào bờ trong tình trạng thương tích nặng nề. Tại đây, những người dân Đức Phổ đã cưu mang các anh, giấu các anh dưới những căn hầm bí mật để chăm sóc vết thương và tránh sự truy sát của địch. Ngày 10-3, 14 người được đưa về bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đại tá Nguyễn Đắc Thắng - chỉ huy của con tàu 43 ngày ấy (sau này ông là AHLLVTND) vẫn còn xúc động khi nhớ lại những giây phút gặp Đặng Thùy Trâm: "Hai giờ chiều hôm ấy, mười mấy anh em thủy thủ chúng tôi đến bệnh xá của chị Trâm. Biết chúng tôi là những thủy thủ của con đường mòn bí mật trên biển, chị vô cùng cảm kích và coi chúng tôi như những người anh hùng. Trong suốt những ngày tháng ở đó, chúng tôi bao giờ cũng được ưu ái đặc biệt".
Dù ở bệnh xá Đức Phổ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và các y bác sĩ khác đều phải ăn uống kham khổ, thiếu thốn. Nhưng những thủy thủ bị thương luôn được chị chăm sóc tận tình, dành cho những suất ăn ngon nhất. Chị bảo với các anh: "Các anh phải ở lại đây để chúng tôi chăm sóc cho đến khi lành vết thương. Phải ăn uống bồi bổ để còn lấy lại sức vượt dãy Trường Sơn, quay lại chiến trường".
Với những người lính trong đoàn thủy thủ ngày ấy, Đặng Thùy Trâm vừa ân cần như một người mẹ, người chị, vừa dịu dàng nữ tính như một người em gái. Tất cả họ đều dành cho chị những tình cảm yêu quý, trân trọng. Những buổi chiều sau khi xong công việc, họ ngồi ở những hàng cây ven quanh trạm, cùng tâm sự về nỗi nhớ miền Bắc và cùng động viên nhau cố gắng, cố gắng hơn nữa trong chiến đấu, để ngày trở về mau đến gần. Việc vận chuyển vũ khí không thành công luôn khiến cả đoàn thủy thủ day dứt, tiếc nuối. Nhưng nó đã được an ủi phần nào vì nhờ thế mà các anh đã quen biết với bác sĩ Thùy Trâm.
Ngày 10-4-1968, khi phải chia tay với bệnh xá, những người lính ấy đều không cầm được nước mắt vì lưu luyến người nữ bác sĩ mà họ vô cùng yêu quý. Phút chia tay cảm động và thiêng liêng đó, họ đều không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp Đặng Thùy Trâm.
40 năm sau, khi trở lại thăm bệnh xá Đặng Thùy Trâm, những người lính của đoàn thủy thủ ngày ấy đều đã là những ông già 70, 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, chân tay run rẩy. Hành trình từ Bắc vào Quảng Ngãi tưởng như quá dài, nhưng động lực được thăm lại nơi có những kỉ niệm với Đặng Thùy Trâm đã khiến họ được tiếp thêm sức mạnh để lên đường. Tại bệnh xá, những người lính năm xưa được chị cưu mang đã thắp những nén hương tưởng niệm chị, cầu cho linh hồn chị bình yên, thanh thản khi đất nước đã hòa bình, Nam - Bắc đã quy về một mối.
Lời hứa dang dở của người nữ bác sĩ
Trong những ngày chăm sóc vết thương cho những thủy thủ đoàn tàu không số ở bệnh xá Đức Phổ, Đặng Thùy Trâm vô cùng quyến luyến với các anh, đặc biệt là thuyền trưởng Thắng và một người thủy thủ tên là Lưu Công Hào. Giờ đây ông Hào đã già, sống yên bình với gia đình ở Hải Phòng. Nhưng ông vẫn nhớ mãi về Đặng Thùy Trâm và lời hứa hụt của chị. Ông bảo: "Nếu chị Trâm không hi sinh, có lẽ giờ này chị ấy đã trở thành chị vợ của tôi".
Ngày ấy, ông Hào là người ít tuổi nhất trong đoàn thủy thủ, cũng là người bị thương nặng nhất nên luôn được bác sĩ Trâm chăm sóc và quan tâm đặc biệt. Vì rất yêu quý người thủy thủ hóm hỉnh, dễ mến, Đặng Thùy Trâm đã nhận Lưu Công Hào làm chị em kết nghĩa và hẹn rằng sau ngày giải phóng, khi gặp nhau ở miền Bắc, chị sẽ giới thiệu em gái Phương Trâm cho người em kết nghĩa.
Chỉ hơn một tháng ở bệnh xá, nhưng đến tận 40 năm sau, ông Hào vẫn còn nhắc đến những kỉ niệm về bác sĩ Đặng Thùy Trâm với một tình cảm sâu đậm: "Chị ấy vừa dịu dàng, vừa can đảm. Dưới sự chỉ huy của chị ấy, không ít lần anh em thương binh chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu chống lại sự tấn công của kẻ thù, bảo vệ bệnh xá được an toàn".
Sau khi chia tay với Đặng Thùy Trâm, Lưu Công Hào trở lại chiến trường nhưng hai người vẫn thư từ qua lại cho đến tận khi bác sĩ Thùy Trâm hi sinh ngày 22-6-1970. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Hào đã trở lại Đức Phổ, viếng mộ đồng đội và thăm lại bệnh xá đã cưu mang ông. Ông cũng về Hà Nội, tìm đến gia đình Đặng Thùy Trâm để thắp cho chị nén hương tưởng nhớ. Ông đã cùng với mẹ bác sĩ Trâm, cùng với cô em gái Phương Trâm mà ông đã được nghe kể khi còn ở bệnh xá, cùng ôn lại những kỉ niệm về Đặng Thùy Trâm, cho nỗi nhớ người đã chết bớt nguôi ngoai.
Khi chia tay những người thủy thủ tàu không số, bác sỹ Thùy Trâm đã không cầm được nước mắt khi viết những dòng nhật kí: "Hẹn gặp lại ở miền Bắc thân yêu". Chị đã không thể thực hiện lời hứa của mình là trở về miền Bắc, chị cũng không thể gả cô em gái Phương Trâm cho người thủy thủ can đảm. Nhưng tình cảm và sự yêu thương mà 14 thủy thủ đoàn của tàu 43 ngày ấy dành cho chị vẫn còn đó cho đến lúc họ nhắm mắt xuôi tay.
Bây giờ, cả thế giới đã biết đến tên chị, biết đến cuốn nhật ký đầy cảm động và đầy lửa của người con gái Hà Nội đã hi sinh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Chị trở thành biểu tượng và niềm tự hào của thế hệ người lính trong chiến tranh, là biểu tượng của sự hy sinh của các y bác sĩ thời chiến. Và tên tuổi của chị vẫn mãi là niềm tự hào, là tấm gương cho những thế hệ trẻ tuổi đôi mươi. Nhưng ngay cả khi cái tên Đặng Thùy Trâm chưa xuất hiện và chưa được biết đến, những người lính của đoàn thủy thủ tàu không số vẫn luôn nhớ chị, kính trọng chị, ngay cả lúc chị vẫn chỉ là một nữ liệt sĩ vô danh./.