Trực Ninh xây dựng làng văn hoá

09:07, 14/07/2011

Thôn Quần Lương, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hiện có trên 130 hộ với hơn 520 nhân khẩu. Nhiều năm liền, thôn Quần Lương không có người sinh con thứ 3, không có người nghiện ma tuý và các tệ nạn xã hội; 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Kết quả trên là công sức của chi bộ, các đoàn thể và nhân dân thôn Quần Lương trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Năm 2000, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá của thôn được thành lập, phối hợp với các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tích cực triển khai, phổ biến quy ước xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hóa. Từ việc thực hiện quy chế, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở thôn Quần Lương có nhiều khởi sắc. Các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu bị dẹp bỏ; số hộ khá, giàu chiếm trên 40%; 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, an ninh trật tự được giữ vững, không có tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân đã đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá gắn với các mục tiêu giảm nghèo, thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình; gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Kinh tế phát triển, 100% đường dong, ngõ xóm được bê tông hoá; phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT ngày càng phát triển; công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, con em thôn Quần Lương thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.

Làng quê xã Trực Chính (Trực Ninh) hôm nay.
Làng quê xã Trực Chính (Trực Ninh) hôm nay.

Làng văn hóa Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) được công nhận danh hiệu Làng văn hóa năm 2004. Từ nhiều năm nay, làng Dịch Diệp có số hộ khá, giàu chiếm trên 65%, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, sử dụng nước sạch, hệ thống đường giao thông xóm ngõ được bê tông hóa. Mảnh đất nơi đây vốn nổi tiếng với nghề dệt truyền thống, có mô hình HTX dệt đi đầu trong ngành tiểu thủ công nghiệp cả nước, một điển hình trong năng suất, chất lượng sản phẩm, được nhân rộng trong toàn quốc, hai lần được Chính phủ tặng Bằng khen, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trải qua nhiều thăng trầm song với lòng tâm huyết với nghề truyền thống, các hộ dân nơi đây đã năng động trong cơ chế mới, từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt. Khi xuất hiện nhu cầu cung cấp khăn lạnh cho các nhà hàng, khách sạn, các hộ gia đình đã thay thế hàng loạt các máy thủ công bằng các máy điện và chuyển đổi sản xuất từ sản phẩm khăn mặt sang dệt khăn lạnh thô. Các sản phẩm dệt của Dịch Diệp được Cty CP Dệt may Sơn Nam, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đặt hàng, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, Dịch Diệp có trên 100 máy điện và hơn 50 máy bán thủ công, thu hút trên 70% số hộ tham gia nghề dệt với thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/máy/tháng. Nghề dệt được khôi phục, kinh tế phát triển, các hộ tích cực tham gia các phong trào của địa phương: 100% số hộ trong làng đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Xây dựng thôn, xóm không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội”, tham gia sinh hoạt văn hoá, thể thao.

Những năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa ở Trực Ninh được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 309 làng, thôn, xóm, khu phố đạt danh hiệu “Làng văn hoá”; hơn 80% số hộ dân trong huyện đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 45 cơ quan, 74 trường học, 20 trạm y tế được công nhận “Nếp sống văn hóa”. Từ phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá, huyện Trực Ninh đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng; huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá cộng đồng; tạo sự chuyển biến tiến bộ trong việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì, phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, nét đẹp văn hoá, thuần phong mỹ tục, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội và nhiều kết quả thiết thực khác. Lễ đón Bằng công nhận Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá ở các địa phương trong huyện đã trở thành ngày hội văn hoá, là niềm vinh dự tự hào nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng cộng đồng của nhân dân. Mặt khác, triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ sở vật chất và các thiết chế sinh hoạt văn hoá được đầu tư xây dựng, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt, các giá trị văn hoá truyền thống được phát huy và có tác dụng động viên nhân dân tham gia tổ chức quản lý các hoạt động văn hoá xã hội. Trật tự an ninh, an toàn xã hội được đảm bảo, người dân sống có kỷ cương, nề nếp, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Công tác khuyến học, khuyến tài được nhân rộng, toàn huyện có 141 dòng họ được trao tặng bức trướng khuyến học, khuyến tài. Tiêu biểu như các xã: Trực Đại, Trực Hùng, Trực Thanh, Trực Chính, Trực Nội, Trực Hưng, Thị trấn Cổ Lễ, Trực Mỹ, Phương Định…

Qua thực tế phong trào xây dựng làng văn hoá ở Trực Ninh cho thấy, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở các địa phương, sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân là nguyên nhân tạo nên những kết quả đáng khích lệ trong phong trào xây dựng làng văn hoá của huyện./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com