Người thân của anh, đồng đội của anh, thủ trưởng của anh, bạn bè cùng lớp của anh, chính quyền địa phương nơi anh sinh ra và lớn lên, ban giám hiệu, giáo viên, học sinh trường cấp III Lê Hồng Phong (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) nơi anh học tập và làm đơn tình nguyện lên đường chống Mỹ, trong niềm thương tiếc khôn nguôi, đã kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn anh để tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Mấy hôm trước, trời âm u và lất phất mưa phùn, vậy mà hôm nay trời hửng nắng. Tôi gọi điện cho chị Hải, em gái của anh, chị nói đang đưa anh về tới Huế. Đây là cuộc trở về lịch sử của đời anh, cuộc trở về sau 38 năm nằm lại chiến trường nơi anh cùng đồng đội hy sinh vì Tổ quốc.
Anh là liệt sỹ Cao Ngọc Tiến, nguyên phó bí thư Ban chấp hành Đoàn trường cấp III Lê Hồng Phong khoá 1961-1964.
Anh sinh năm 1946 tại nhà số 38 phố Hàng Cau, Thành phố Nam Định. Vào cuối năm học 1963-1964, hưởng ứng phong trào tòng quân giết giặc cứu nước, anh cùng bao bạn bè của trường Lê Hồng Phong đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Vốn là học sinh giỏi toán, nên khi nhập ngũ anh được đơn vị cử đi học sỹ quan pháo binh. Mãn khoá học anh được kết nạp vào Đảng và đi chiến đấu ở chiến trường Lào. Tại đây anh đã tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có trận giải phóng hoàn toàn vùng Nậm Bạc tháng 1 năm 1968. Kết thúc chiến dịch này anh được bổ nhiệm làm trợ lý chính trị tiểu đoàn pháo binh 17, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Tháng 2 năm 1968 anh cùng đơn vị nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu và giữ chức vụ chính trị viên đại đội.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hôm nay.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Để động viên khích lệ chiến sỹ, anh đã sáng tạo ra nhiều cách làm hết sức sinh động. Khi thì anh động viên mọi người làm mũ rơm để tránh thương vong, khi thì anh hát cho đồng đội nghe giữa khoảng lặng của hai cuộc chiến đấu, khi thì anh làm thơ cho chiến sỹ đọc. Nhiều bài thơ đến hôm nay vẫn in đậm trong tâm trí họ. Anh Nguyễn Xuân Cứu, một đồng chí, một đứa em mà liệt sỹ Cao Ngọc Tiến rất đỗi yêu thương đã ghi lại cho tôi ba bài thơ mà anh còn nhớ.
Kém ai
Cải thiện
Ngủ rừng
Những người sinh ra sau chiến tranh đọc ba bài thơ này có thể nghĩ sao đơn giản quá. Nhưng với những người sống trong cảnh rừng thiêng, nước độc, mưa nguồn, suối lũ, máu trộn bùn non, từng giây, từng phút đối mặt với kẻ thù, đối mặt với cái chết, đối mặt với bao khó khăn chồng chất của cuộc kháng chiến thì đó là những điều kỳ diệu nơi thẳm sâu tâm hồn để làm nên niềm tin và sức mạnh.
Trước khi lễ truy điệu liệt sỹ Cao Ngọc Tiến được cử hành, tôi gặp gỡ và trò chuyện với đại tá Đinh Nam Vân, thủ trưởng trực tiếp của anh. Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng đại tá vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Ông bồi hồi kể cho tôi nghe trận đánh cuối cùng trong cuộc đời Cao Ngọc Tiến, đó là trận mở đầu chiến dịch tổng tiến công ở bắc Bình Định tháng 4 năm 1972.
Trong chiến dịch này, anh Cao Ngọc Tiến trực tiếp chỉ huy khẩu đội cối 82mm luồn sâu vào căn cứ quận lỵ Hoài Ân. Khi ta tiến công, khẩu đội cối 82mm sẽ là hoả lực kìm chế trận địa pháo 150mm của địch trong quận lỵ và cao điểm 75 Truông Ổi, hỗ trợ cho bộ đội ta đánh địch ở khu Hòn Bồ. Trận đánh này quân địch đông hơn ta nhiều nên diễn ra hết sức ác liệt. Hoả lực của khẩu đội cối 82mm do anh Cao Ngọc Tiến chỉ huy chiếm được điểm cao thuận lợi nên đã khống chế được hoả lực địch vì thế chúng tìm mọi cách để tiêu diệt. Tên quận trưởng đã tung trung đội biệt kích bí mật áp sát hầm pháo của ta. Khi phát hiện ra, anh Cao Ngọc Tiến đã hạ lệnh cho anh em đánh trả. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co. Đến gần trưa thì chúng ném lựu đạn vào hầm pháo làm anh Cao Ngọc Tiến và hai người khác hy sinh, một người bị thương nặng, một người bị sức ép. Lúc đó là 10 giờ 30 phút ngày 13 tháng 4 năm 1972, tức ngày 29 tháng 2 năm Nhâm Tý.
Bên di hài anh, khi đồng đội và thân nhân khai quật để đưa anh về an nghỉ nơi quê nhà, chỉ tìm thấy một bao súng lục, một xanh tuya và một chiếc đèn pin - kỷ vật của gia đình tặng khi anh đang đóng quân ở Lai Châu.
Lê Anh Xuân
* *
Anh Cao Ngọc Tiến không chỉ đẹp trai, hiền lành mà còn có nhiều "tài lẻ". Anh vẽ rất đẹp, kỷ niệm những ngày lễ lớn, báo tường của lớp do anh trình bày luôn được nhà trường đánh giá cao. Anh học giỏi toán, say mê đến mức nhiều đêm thức trắng quyết giải cho kỳ được một bài tập khó, để sáng hôm sau tới lớp chia sẻ với mọi người, cùng mọi người trao đổi về vẻ đẹp và tính hấp dẫn của bài toán đó. Những lúc rảnh rỗi và có cảm hứng, anh còn làm thơ. Với bút danh Cao Sơn, thơ anh được chép vào nhiều cuốn sổ tay của bạn bè cùng lớp. Bút danh này cũng theo anh ra chiến trường đánh giặc và trở thành miền ký ức không bao giờ nhạt phai trong nỗi nhớ, niềm thương của đồng đội. Nỗi nhớ ấy đã bật thành nước mắt trong cái ngày đặc biệt nhất của đời anh, cái ngày anh được về cùng gia đình sau mấy chục năm xa cách. Trong làn khói hương siêu thoát, giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng đội đã đọc lại cho linh hồn anh nghe những vần thơ anh viết giữa chớp lửa đạn bom và mịt mù khói súng.
Là người con hiếu thảo, anh Cao Ngọc Tiến luôn chăm sóc bố mẹ và các em. Mẹ anh làm công nhân nhà máy Dệt. Vào những ngày mùa đông rét buốt, mẹ đi làm về, anh thường đun nước nóng cho mẹ rửa chân. Mẹ anh rất cảm động.
Vừa đi học, anh vừa làm thêm để phụ giúp gia đình. Năm chị Hải thi đỗ vào trường Trần Đăng Ninh, anh đã thưởng cho chị áo len và bút máy Trường Sơn. Tiếc rằng những kỷ vật vô giá đó không còn nữa.
Ngày 14 tháng 4 năm 1966, cha anh, ông Cao Văn Duệ, chiến sỹ cứu thương của đội tự vệ thành phố đã hy sinh trong trận Mỹ đánh bom vào phố Hàng Thao. Nhận được tin dữ, từ đơn vị anh đã khẩn trương về nhà để chịu tang cha. Quấn lên đầu vòng khăn tang trắng, anh xót xa nghĩ về người đã khuất. Vậy là từ đây anh không bao giờ còn thấy hình bóng người cha trên thế gian này. Chỗ dựa tinh thần của mẹ anh, của cả gia đình không còn nữa. Gánh nặng gia đình, gánh nặng non sông đè nặng trên vai anh. Nuốt nước mắt vào tim, anh an ủi, động viên mọi người hãy nén đau thương để đứng dậy, tiếp tục sống, tiếp tục làm việc, học tập và công tác.
Rồi anh lại khoác ba lô lên đường.
Chị Hải kể rằng, những năm anh tại ngũ, mẹ anh ngày nào cũng nhắc tới anh, chiều nào cũng ngóng đợi anh về. Số tiền lương 70 đồng anh để lại cho mẹ lĩnh hằng tháng, mẹ đã không tiêu gì. Cứ mỗi lần lĩnh lương, mẹ lại mua vàng cất giữ. Các con thương mẹ không dám hỏi mua để làm gì. Mãi sau này, khi nhà bên có đám cưới mẹ mới nói: mua vàng để khi nào anh Tiến về, bán đi một ít cưới vợ cho anh, còn bao nhiêu sẽ kéo cho con dâu một đôi hoa tai. Nhưng:
Anh Tiến không về ...!
Cũng không có cô con dâu nào được đeo đôi hoa tai mà mẹ chắt chiu từ đồng tiền anh để lại hậu phương khi ra tiền tuyến ...!
Năm 1975, cả nước tưng bừng trong niềm vui chiến thắng, biết bao cuộc tao phùng sau những năm dài đạn bom, ly tán thì mẹ anh lại đón tin dữ: anh đã hy sinh.
Sau lễ báo tử, mẹ anh cứ hao mòn dần. Bà nằm bất động và sai con cháu đặt ảnh anh bên cạnh để bà ngắm nhìn anh, vời vợi xót thương anh. Cứ như vậy, sau một tuần thì bà trút hơi thở cuối cùng. Trước khi về thế giới bên kia để gặp chồng con, bà trăng trối: dù thế nào cũng phải tìm được hài cốt của anh để đưa về quê nhà.
Mấy thập kỷ trôi qua, bao nhiêu thương nhớ khôn nguôi, bao nhiêu phiền não vơi đầy vì chưa thực hiện được di nguyện của mẹ, chị Hải và mọi người trong gia đình đã vào Nam, ra Bắc nhiều lần, đã hỏi thăm tin tức nhiều nguồn, nhưng vẫn không tìm ra nơi anh ngã xuống. Cho mãi đến tháng 5 năm 2009, nhờ các nhà ngoại cảm, di hài anh mới được tìm thấy.
Hoàn vũ sau gần 40 năm anh mới được làm lễ an táng nơi quê nhà. Tiễn đưa người đàn ông hơn 60 tuổi trời bằng những vòng hoa trắng muốt. Đó là thương đau của cuộc sống, là khốc liệt của chiến tranh. Nhưng đó cũng là tấm lòng bền bỉ của người thân quyết tâm tìm anh bằng được, đó cũng là sợi dây dai dẻo mà linh hồn linh thiêng của anh buộc chặt với gia đình, với quê hương, với ngôi trường nơi anh học tập và lên đường nhập ngũ.
Cảm động vô cùng khi nhà ngoại cảm cho biết: anh có nguyện vọng, trong lễ truy điệu anh, nhà trường hãy biện cho anh một cây thuốc, một gói chè để anh mời bạn bè và đồng đội.
Sống vì nhau ngay cả khi đã chết, đó không phải là huyền thoại!
(Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định)