Di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trên “bầu trời văn hóa” nhân loại khi Thành Nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ ngày 27-6-2011.
Không giống như các di sản văn hóa khác của nước ta, Thành Nhà Hồ có “số phận” khá đặc biệt, vì nó gắn liền với một giai đoạn đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam - đó là vương triều Hồ. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1400-1407), nhưng vương triều Hồ cũng có những đóng góp nhất định trong lịch sử, mà biểu hiện rõ nhất là công trình Thành Nhà Hồ - một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử - như nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã nhận xét. Sở dĩ mang giá trị toàn cầu vì Thành Nhà Hồ không chỉ có kiến trúc kinh thành điển hình ở phương Đông, mà còn là trung tâm quyền lực, đồng thời là một pháo đài quân sự gắn bó, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) - Một điểm du lịch xứ Thanh.
Ảnh: Internet
|
Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới thêm một lần nữa khẳng định tài năng của ông cha ta trong việc thiết kế một công trình vừa mang ý nghĩa chính trị, quân sự, vừa thể hiện những giá trị văn hóa độc đáo. Mặt khác, danh hiệu đó cũng là minh chứng sinh động về phong cách ứng xử đầy tính nhân văn của con cháu hôm nay đối với một di sản văn hóa từng tồn tại ở một thời cuộc khá “sóng gió” trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Những giá trị, ý nghĩa về kiến trúc và văn hóa của Thành Nhà Hồ giờ đây không phải là “sở hữu” của riêng tỉnh Thanh Hóa, của Việt Nam, mà đã là “của chung” nhân loại. Tuy nhiên, những ai từng đặt chân đến địa điểm di sản văn hóa này không khỏi trăn trở trước một thực tế: Cảnh quan, không gian Thành Nhà Hồ hiện vẫn khá hoang sơ, nếu như không muốn nói là có phần xơ xác bởi sự “phủ bụi” của thời gian hơn 600 năm và cả sự xâm lấn, xâm hại của con người. Mặc dù trong hơn 5 năm tiến hành lập hồ sơ khoa học (2006-2011), tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư khá nhiều công sức, tiền của để quy hoạch, quản lý, bảo tồn khu di tích này, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn chưa thực sự thể hiện và minh chứng được nhiều “giá trị, chiều sâu văn hóa” như du khách hằng trông đợi, mong muốn.
Sẽ không trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nếu Thành Nhà Hồ chỉ có những cổng đá, tường đá “uy nghi” trên mặt đất. Cũng sẽ khó khai thác, phát huy được giá trị di sản nếu Thành Nhà Hồ không sớm được đầu tư nguồn lực, trí tuệ thỏa đáng để tìm ra một phương án tối ưu về trùng tu, tôn tạo, bảo tồn công trình gắn liền với xây dựng, kiến tạo cảnh quan, không gian phù hợp ở khu vực lõi di sản. Mặt khác, một giải pháp không mới, nhưng nhắc lại ở thời điểm này cũng rất cần thiết, đó là địa phương cần quan tâm coi trọng vai trò làm chủ của cộng đồng, của nhân dân sở tại trong việc tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Hay nói cách khác, phải bằng mọi cách để người dân hiểu rõ, thấm nhuần những giá trị và sự hấp dẫn của di sản mà mình đang có. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc về di sản và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia khai thác những giá trị di sản thì chắc chắn họ sẽ tự giác bảo vệ di sản như bảo vệ chính mình./.
Theo: qdnd.vn