Hoa anh đào vẫn nở

08:06, 02/06/2011

Sau trận động đất và sóng thần, nhiều người dân Nhật Bản thoát nạn nhưng mất hết nhà cửa, di tản về Tô-ki-ô và các tỉnh phía nam. Trường học, nhà thi đấu thể thao, đền chùa ở trung tâm thành phố đã trở thành các trại tị nạn. Người dân và chính quyền địa phương nhanh chóng có những biện pháp ứng phó giúp đỡ; họ mang đến áo dầy, chăn ấm và thực phẩm để cứu giúp đồng bào của mình. Các bếp ăn dã chiến nhanh chóng được hình thành, chế biến những thực phẩm được dân phố quyên góp mang đến, và cả từ các cửa hàng thực phẩm gửi ủng hộ, giúp cho những người tị nạn được no bụng, ấm lòng. Người già, trẻ con được quan tâm nhiều hơn, nhưng tất cả đều thể hiện sự nhường nhịn, chia sẻ trong trật tự, kỷ luật tự giác, xếp hàng nhận phần ăn cứu trợ và không quên bày tỏ lòng biết ơn bằng cử chỉ lễ phép, cúi đầu gập người trước mọi hành động cứu giúp. Những lời cảm ơn nghe tưởng như nhàm chán lại thật xúc động trong lúc này.

Nhân dân thế giới khâm phục thái độ và cách hành xử tuyệt vời của người Nhật trong thảm hoạ, luôn biết vươn lên từ nghịch cảnh. Ở thành phố Ki-ta I-ba-ra-ki cách tỉnh Phu-cư-shi-ma 80km, người dân đã trở về dọn dẹp nhà cửa, tìm kiếm đồ đạc còn lại. Họ được nhận thông tin đầy đủ qua ti vi, ra-đi-ô và báo chí hàng ngày. Ngay khi có tin về rau và sữa nhiễm phóng xạ là buổi nói chuyện khoa học của một giáo sư về mức ảnh hưởng của phóng xạ trong thực phẩm. Mọi người được phát khẩu trang miễn phí và được khuyến cáo thường xuyên đeo khẩu trang để phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra nếu trong không khí theo hướng gió có xuất hiện phóng xạ.

Tại khu vực cách nhà máy điện hạt nhân Phu-cư-shi-ma Dai-i-chi 65km, cuộc sống gần như trở lại bình thường. Bà I-ca-ya-ki nói: “Nếu chúng tôi có lo lắng cũng không được gì, nên tốt nhất là cứ tập trung vào việc của mình. Chính phủ mà có lệnh di tản tôi cũng sẵn sàng, nhưng chưa có lệnh nên nhà tôi vẫn làm việc bình thường vì đây là quê hương của chúng tôi”.

Đến Phu-cư-shi-ma bạn sẽ gặp một cuộc sống ở đây không có vẻ gì là sắp đi tị nạn vì phóng xạ. Buổi trưa, nhiều người cùng đổ vào các tiệm ăn, chủ cửa hàng thì tất bật với những món ăn khách gọi. Mùi thức ăn toả ra ấm cả ngôi nhà. Bà chủ Ka-sa-mi còn đùa vui: “Chúng tôi không lo phóng xạ đâu, giờ chỉ lo sao mọi người có lại nhà cửa. Nhiều người bị bom nguyên tử ở Hi-rô-si-ma còn sống đến tận 80 tuổi mà có việc gì đâu”. Mọi người bặm môi, miết mải xúc bùn đất tìm dọn trong đống đổ nát những gì còn dùng được, mong sao sớm có một nơi trú ngụ tạm thời, để cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước, mau chóng có nơi ở mới, ổn định cuộc sống, lại đi làm khi công ty, xưởng sản xuất của mình hoạt động trở lại. 40 ngày sau động đất và sóng thần, Nhật Bản đã mở lại hoạt động tuyến tàu cao tốc Tô-hô-cư từ thủ đô Tô-ki-ô đến thủ phủ Xên-đai của thành phố Mi-ya-ghi, để kịp thời hỗ trợ tốt hơn các hoạt động tái thiết khu vực đông bắc Nhật Bản.

Ông Ken-sa-ku Mat-su-mo-tô chủ một doanh nghiệp ở Tô-ki-ô, là doanh nhân Nhật Bản đầu tiên đến Việt Nam chỉ hai ngày sau động đất và sóng thần. Ông xúc động kể: “Khi nghe tin vụ nổ ở Nhà máy điện hạt nhân Phu-cư-shi-ma, từ Việt Nam tôi điện về công ty nhắc cán bộ, nhân viên của mình có thể tạm rời Tô-ki-ô để tránh nhiễm xạ, nghĩ rằng ở công ty sẽ chắc gì còn người nhấc máy điện thoại, nhưng thật không ngờ, đủ cả 35 nhân viên vẫn đi làm bình thường”.

Giữa tháng 4, chúng tôi cùng đoàn doanh nhân Nhật Bản tới TP. Hồ Chí Minh dự Triển lãm Thủ công mỹ nghệ và Trang trí nội thất (Lifestyle Vietnam 2011). Trong số hơn 1.000 khách quốc tế đến dự có đến một phần năm là từ các doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện của những công ty lớn như Ki-ta-mu-ra chuyên về xây dựng nhà bằng cấu kiện gỗ, Công ty Phu-cư-shi-ma Bu-su-dan, Công ty Om-ni, Công ty Se-sa chuyên về đồ gỗ nội thất hay Công ty Creer về hàng mây tre đan và thêu... Họ đã vượt qua thảm hoạ động đất, đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp tục guồng máy công việc góp phần tái thiết Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê, vùng đất Nhật Bản hứng chịu tới 20% số trận động đất của toàn thế giới. Sống trên vùng đất khắc nghiệt ấy, người dân Nhật Bản luôn biết vươn lên từ thảm hoạ và những nghịch cảnh. Phải chăng hoa anh đào cũng là sản phẩm đặc hữu tự nhiên của Nhật Bản. Sau mỗi mùa đông giá lạnh, cây anh đào trụi trơ hết lá, rồi mùa xuân đến anh đào lại bật tràn những nụ cùng hoa, rực hồng chao chát, báo hiệu cuộc sống đang xanh tươi trở lại.

Năm nay, tuy không tổ chức hoành tráng các lễ hội ngắm hoa anh đào như mọi năm; nhưng hoa anh đào vẫn không vì thế mà kém phần rực rỡ. Tô-ki-ô vào tiết xuân đầu tháng 4 và chúng tôi “những người ở lại” vẫn rủ nhau đến công viên Sô-oa-ki-en chụp ảnh hoa anh đào nở, kỷ niệm một mùa xuân đầy thử thách với người dân Nhật Bản./.

Theo: Báo Công Thương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com