Khu di tích Đá Chông - K9 (Ba Vì, Hà Nội). Không chỉ là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc mà còn là nơi được chọn gìn giữ thi hài của Người trong những năm chiến tranh (1969-1975), trước khi đón Người về Lăng ở Quảng trường Ba Đình.
Đi bộ theo con đường trải sỏi đá với 81 thảm bậc, hai bên rợp bóng những hàng cây thẳng tắp dẫn đến khu nhà làm việc của Bác Hồ. Mọi cảnh vật ở nơi đây dường như vẫn còn in dấu chân và hình bóng của Người. Ngôi nhà làm việc được thiết kế mô phỏng theo nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch. Tầng 1 gồm 2 gian, gian bên ngoài rộng là phòng họp chính của Bộ Chính trị mở rộng, gian bên cạnh là nơi ở của bác Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác. Tầng 2 có 4 phòng, 2 phòng đầu tiên để Bác đón khách quốc tế. Phòng thứ 3 là phòng họp kín của Bộ Chính trị và phòng thứ tư là phòng Bác ở và làm việc. Phòng nghỉ của Bác được bố trí rất giản dị, gồm những thứ thật cần thiết: chiếc đệm cỏ bông lau của đồng bào Sơn La tặng; chiếc đèn ngủ, tấm thảm len là quà tặng khi Bác sang thăm Trung Quốc; bên bàn làm việc có lọ hoa huệ, loài hoa Người rất thích.
Đến tham quan nơi đây, được tận mắt chứng kiến, nghe và giới thiệu về khu di tích Đá Chông, càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược khoa học quân sự của Bác. Khu vực Đá Chông nằm trong quần thể những dãy núi đá Ba Vì bao bọc với độ cao trung bình từ 40-50m. Khu Đá Chông nằm gọn trong thung lũng, phía sau là đỉnh núi U Rồng cao 130m, cách nhà sàn hơn 300m; đông bắc sát với Tam Đảo - Vĩnh Phúc; sườn tây có sông Đà bao bọc ba mặt; đông nam là Tản Viên; chính đông là đỉnh núi Ba Vì tạo nên hiện tượng tự nhiên, nguồn nước luôn đổ dồn từ trên cao xuống, chân đồi là những phiến đá tự nhiên như hình mũi chông, lưỡi mác, phù sa đọng lại tạo ra nguồn đất màu mỡ cho rừng nguyên sinh thêm rậm rạp, rễ cây ăn chặt vào nhau khiến cho sông Đà bốn mùa cuộn sóng cũng không đánh lở bờ bên này được. Vùng đất này có tên gọi là Đá Chông bởi nơi đây có nhiều đá hình mũi chông cao nhấp nhô, vươn về phía sông Đà. Nhìn địa hình, ta dễ hình dung ra khu vực này mang hình dáng một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, còn U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi. Trong một lần về thăm Trung đoàn 36 diễn tập năm 1957, Bác đã nghỉ chân ăn cơm nắm muối vừng bên cạnh 3 phiến đá chông. Người đã đứng ở vị trí Đá Chông, thấy phong cảnh ở đây rất hữu tình, trên là núi, dưới chân đồi là thuyền, địa hình hiểm trở nhưng giao thông lại thuận đường tiến cũng như lui cả ba đường, thủy, bộ và đường không. Đường bộ bây giờ là quốc lộ 87; đường không sau nhà sàn trên đỉnh núi U Rồng từng là sân bay dã chiến 2 lần đón Bác lên thăm bằng trực thăng đỗ và hạ cánh rất thuận lợi; dưới chân đồi có đường thủy theo dòng sông Đà xuôi 3km về đến ngã ba Việt Trì, Phú Thọ, sang bên kia là chiến khu K2, vượt lên Tây Bắc. Hơn nữa, đồng bào sống nơi đây chủ yếu là người Mường và Dao Đỏ, tuyệt đối trung thành với Đảng, Cách mạng và kính yêu Bác Hồ. Với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ Cách mạng dự phòng của Trung ương, đề phòng giặc Mỹ có thể leo thang chiến tranh ra miền Bắc.
Trong quá trình thi công khu làm việc trên đồi Đá Chông, Bác là người trực tiếp cắm mốc chọn hướng và duyệt bản thiết kế cho tổng thể ngôi nhà. Bác chọn nhà hướng Nam, hướng về dòng sông Đà không bao giờ cạn nước, hướng về dãy núi bốn mùa xanh tươi, mang lại sức khỏe cho con người ở nơi đây và nhất là để lại thịnh vượng thanh bình cho con cháu cho muôn đời sau. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải giữ gìn và tận dụng yếu tố tự nhiên, không được chặt phá cây tùy tiện, nhất là các cây cổ thụ. Chính vì thế, môi trường thiên nhiên, cây xanh quanh khu vực được bảo vệ khá tốt. Hai lần sinh nhật Bác, để tránh việc tổ chức rình rang nếu ở lại thủ đô, Người lại lên Đá Chông. Ngày 19-5-1963, anh em trong tổ bảo vệ và phục vụ Bác tại Đá Chông có ý định lên nhà sàn chúc thọ Bác, chưa kịp đi thì ngay từ sáng sớm, Người đã xuống tận nơi hỏi thăm, động viên anh em. Những lần sinh nhật khác, Bác lên K9 dùng bữa với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Qua ngày sinh nhật, Bác về lại Hà Nội.
Đứng trước khu nhà kính - khu nhà bảo vệ an toàn thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ (1969-1975), sau khi Người qua đời - trong lòng chúng tôi trào dâng niềm kính phục và biết ơn vô hạn. Lối sống giản dị mà tinh tế của Người, tầm nhìn chiến lược khoa học quân sự của Người mãi mãi là bài học, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ muôn đời sau./.
Theo: baocongthuong.com.vn