Trò vật cù thường chơi trên sân cát. Sân có chiều dài khoảng 50m, rộng khoảng 25m. Quả cù được làm bằng gốc chuối hột loại lớn. Người chơi sau khi đào được củ chuối, dùng dao đẽo thành hình tròn có đường kính 30cm, trọng lượng 5-7kg. Để tránh bị vỡ do giành giật trong khi chơi, sau khi đẽo cù, phải luộc qua rồi đem ra phơi nắng, lúc này quả cù có màu sẫm và rất dẻo.
Có ba hình thức chơi vật cù là: cù gôn, cù đẩy và cù nước. Cả ba hình thức chơi này đều có chung cách tính điểm và bố trí giống nhau nhưng phổ biến nhất là chơi cù gôn. Trong cuộc chơi thường có khoảng 14 thanh niên cởi trần, đóng khố được chia làm hai đội. Ở phía cuối sân của mỗi đội được đào một hố rộng 50x50cm gọi là chuồng. Khi bắt đầu chơi, trọng tài gọi đội trưởng của hai đội nhận mặt đồng xu trước khi tung để phân định đội nào được cù trước. Trong khi chơi, quân của hai đội luôn phải tìm cách lừa nhau để ôm được quả cù bỏ vào chuồng của đối phương. Mỗi lần đưa được cù vào chuồng của đối phương được tính một điểm. Cách chơi cù nước thì bố trí ở hai đầu sân của mỗi bên là hai chiếc sọt đan bằng tre hoặc nứa cao 1,5m, đường kính 50cm. Để đưa được quả cù vào đích, 2 đội phải giành giật, tranh cướp quyết liệt, đồng thời tìm mọi cách để không cho đối phương đưa cù vào sọt của đội mình. Mỗi cuộc chơi không quy định cụ thể số người tham gia. Có khi hội vật cù lên đến đỉnh điểm, đàn ông trai tráng trong làng không kể tuổi tác đều hăng hái vào cuộc. Tuy không có điều luật cụ thể, nhưng trong hội vật cù không có lối chơi thô bạo, rất quyết liệt nhưng cũng rất trong sáng. Kết thúc cuộc chơi, đội nào có số lần đưa cù vào đích của đối phương nhiều hơn là đội thắng cuộc.
Ở hội cù, người xem rất đông. Họ hò reo, đánh trống chiêng… cổ vũ cho đội nhà và tán thưởng những đường chạy cù ngoạn mục./.
Ngọc Linh