Chùa Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định), qua quá trình đào thám sát khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật lịch sử thời Trần. |
Năm 2010, Bảo tàng Nam Định tổ chức nhiều cuộc điều tra, khảo sát và đào thám sát khảo cổ học trên địa bàn tỉnh như: Khảo sát di tích thời Lý ở núi Ngô Xá, núi Phương Nhi, xã Yên Lợi (Ý Yên); tiếp cận và xử lý hiện trường phát lộ các phế tích thời Trần trong quá trình xây dựng công trình sau đền Cố Trạch (Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định); khảo sát, thu thập nhiều hiện vật tại một số địa điểm thi công các hạng mục công trình thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa khu di tích thời Trần… Tại di tích chùa Vạn Diệp, xây dựng từ thời Trần, gắn với Hoàng đế Trần Nhân Tông, tại xã Nam Phong (TP Nam Định), ngoài các phế tích kiến trúc và di vật được chính quyền và nhân dân địa phương phát hiện, Bảo tàng tỉnh đã đào thám sát một số vị trí xung quanh khu vực chùa phát hiện dải gạch ngói cấu tạo bởi các mảnh gạch ngói tán nhỏ, trộn lẫn đất sét được đầm chặt với mức độ dày đặc, trong không gian móng đào còn xuất lộ nhiều cụm di tích gạch ngói và sành sứ vỡ. Ngoài các phế tích kiến trúc và các di vật, Bảo tàng tỉnh còn thu được gần 300 hiện vật tiêu biểu thuộc các loại hình và chất liệu khác nhau; trong đó, có hơn 90% hiện vật có niên đại thời Trần thế kỷ 13-14, gồm các loại gốm men ngọc, men nâu in hoa cúc, hoa sen, lá đề đất nung trang trí hình rồng phượng, các tiêu bản ngói mũi hài đơn, mũi hài kép, gạch hoa, gạch chữ nhật, bao nung gốm. Tất cả những di vật này đã được phát hiện tại các di tích thời Trần ở Nam Định. Căn cứ vào những phát hiện khảo cổ trước đây và các phế tích kiến trúc, hiện vật thu được năm 2010 cùng với các địa danh cổ được lưu giữ, có thể khẳng định vào thời Trần nơi đây đã từng tồn tại những công trình kiến trúc quy mô kiểu dinh thự. Tại di tích Phủ Vân Cát, xã Kim Thái (Vụ Bản), trên cơ sở chính quyền địa phương muốn phục dựng lại 2 di tích lầu Cô, lầu Cậu, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát và đào thám sát khảo cổ thu thập thông tin, xác định vị trí, phạm vi, niên đại, tìm hiểu dấu tích ban đầu của 2 kiến trúc lầu Cô, lầu Cậu để các cấp thẩm quyền có cơ sở quyết định phục dựng. Bảo tàng tỉnh đào 5 hố thám sát nằm liền kề 2 bên đầu đốc cung Đệ Tứ thu được nhiều mảnh bát đĩa, lon, vò, lọ, nồi, nắp đậy, gạch ngói có từ thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18) và thời Nguyễn (thế kỷ 19), và rất nhiều phế tích kiến trúc phản ánh rõ 2 giai đoạn, 2 tầng văn hóa. Dấu vết kiến trúc thời Hậu Lê ở lớp dưới một số cụm gạch ngói tán nhỏ trộn đất sét đầm chặt rồi san phẳng làm nền. Dấu vết kiến trúc thời Nguyễn nằm trên với các chân cột, hố cột, trụ móng, nền đầm gạch ngói, đoạn móng kè đá còn tương đối nguyên vẹn… Căn cứ vào cứ liệu khảo cổ, Bảo tàng tỉnh xác định đây chính là dấu vết nền móng của các công trình kiến trúc cổ còn sót lại. Như vậy ngoài phủ chính Vân Cát thì sát 2 bên đầu đốc cung Đệ Tứ còn có các công trình kiến trúc phụ trợ, đó chính là các di tích lầu Cô, lầu Cậu có lịch sử xây dựng từ thời Hậu Lê nhưng quy mô nhỏ và đơn giản. Đến thời Nguyễn 2 di tích trên được tu sửa, tôn tạo quy mô và khang trang cho đến sau này bị phá dỡ.
Ngoài các nền móng kiến trúc và di vật trên, tại đây Bảo tàng tỉnh còn phát hiện được 3 phế tích lò nung. Theo đồng chí Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người trực tiếp phụ trách điều tra thám sát: Căn cứ đặc điểm và phế liệu trong lò thì đây là loại “lò cóc” dùng để nung vật liệu kiến trúc có từ thời Hậu Lê, giống với các loại lò từng được phát hiện ở Cổ Loa (Đông Anh), Đồng Cồ (Từ Liêm) Hà Nội và lò Bụi Bến (Bắc Giang). Đây là loại “lò cóc” thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18) dùng để nung vật liệu kiến trúc. Đây là lần đầu tiên tại tỉnh ta phát hiện lò nung vật liệu kiến trúc thời Hậu Lê còn tương đối rõ ràng, nguyên vẹn. Việc phát hiện, nghiên cứu những lò nung này giúp khẳng định một lần nữa công trình kiến trúc phủ Vân Cát và quần thể kiến trúc di tích Phủ Dầy được xây dựng từ thời Hậu Lê như sử sách đã ghi. Với những căn cứ trên, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản cho phép chính quyền địa phương và nhân dân phục dựng 2 di tích lầu Cô, lầu Cậu, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa của dân tộc.
Hoạt động khảo cổ học tại các cụm di tích trong năm qua đã góp phần vào việc tìm hiểu, phát hiện, bảo tồn và định hướng phát triển các di sản văn hóa truyền thống của quê hương./.
Bài và ảnh: Minh Thuận