Từ lâu, làng nghề Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) không chỉ nổi tiếng với việc sản xuất các sản phẩm cơ khí mà còn là nơi lưu giữ nghệ thuật múa kéo chữ đặc sắc trong lễ hội làng.
Hội làng Đồng Côi diễn ra vào ngày 4 và 5 tháng 6 (âm lịch) gắn với đình, đền thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Quý Minh Chiêu Ứng Anh Thông Đại Vương. Sử sách ghi lại, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, ông đã về quê dạy người dân làm ăn sinh sống. Hàng năm, ông thường tổ chức kéo chữ để nhớ về một thời trận mạc và bày tỏ mong ước nhân dân có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nghệ thuật kéo chữ được bảo lưu gìn giữ qua nhiều thế hệ đến nay. Hàng năm, vào ngày hội, đình, đền, làng, ngoài nghi lễ rước tế, dân làng thường tổ chức kéo chữ. Hàng trăm trai đinh được tuyển chọn từ các giáp trong làng tham gia kéo chữ. Kéo chữ ở đình đền làng Đồng Côi có nét độc đáo, trong đó “bộ khung” gồm 16 người là các bậc cao niên trong thôn, am hiểu trò chơi xếp chữ, cầm 8 thanh long đao, 8 lá cờ, trong đó có tổng cờ, 2 đốc cờ; 80 trai tráng cầm gậy tre, có buộc hoa hoặc dây trang trí… được chia làm 8 hàng tạo thành 4 cửa. Người tham gia mặc quần áo màu vàng, đội nón, thắt dải lưng. Khi kéo chữ, tổng cờ đi trước dẫn các hàng đi quanh hồ đình làng tiến vào sân đình để xếp chữ đã định. Các chữ được kéo thường là chữ Hán như “Thiên hạ thái bình”, “Dĩ dân vi bản”… thể hiện sự biết ơn của con cháu trong làng đối với các bậc tiền nhân đã có công lập nên làng và chứa đựng khát vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi người cầm gậy ngồi xuống và hạ gậy, lúc đó chữ mới được hoàn thành. Theo ông Cao Văn Thủ, 74 tuổi, cái khó nhất của nghệ thuật kéo chữ là sau khi xếp xong 1 chữ, đội hình ra sân để tiếp tục xếp hàng nữa thì phải xếp thành 5 xoáy ốc, trong đó xoáy ốc ở giữa gồm 4 hàng, các xoáy ốc còn lại gồm 2 hàng, từ đó phân về 4 cửa để đội ở các xóm không lẫn vào nhau. Khi chữ cuối cùng kết thúc, tiếng chiêng trống vang dậy xen lẫn tiếng hô to 4 chữ vừa xếp.
Múa kéo chữ đòi hỏi đông người tham gia với tính thống nhất cao, giàu tính cộng đồng, có tính nghệ thuật cao với các động tác uyển chuyển của vũ đạo dân gian, vừa mang tinh thần thượng võ. Mỗi lần kéo thường diễn ra 3-4 tiếng đồng hồ nên thường có các trò chơi dân gian khác xen kẽ như múa lân, đấu vật… để thu hút người dân trong thôn và khách thập phương tham dự./.
Thanh Ngọc