Về Đền Hùng: Về với cội nguồn Dân tộc!

09:04, 08/04/2011
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ Ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Mùa xuân này, đường lên Việt Trì (Phú Thọ) đổ về đất Phong Châu nghìn xưa, ngày đêm tấp nập những dòng người Nam Bắc. Thành phố Việt Trì như cũng đẹp hơn lên, chào đón những người con cả nước về Giỗ Tổ Vua Hùng. 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

 Trở về viếng mộ Vua Hùng là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Đã từ lâu, người về thăm đất Tổ suốt quanh năm, Đền Hùng, Mộ Tổ lúc nào cũng ngát hương thơm, hoa trái. Nhưng mùa xuân, mùa lễ hội thì Đền Hùng ngày càng đông đúc hơn, tấp nập hơn. Những dòng xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp, những người ở gần thì đi bộ, trẻ dắt già, mẹ bồng con, cả những người Việt Nam sống ở nước ngoài, những giọng nói các vùng miền cả nước như đều có mặt, thành kính trở về đất Tổ thiêng liêng!

Những tua du lịch về đất Tổ, đưa những người khách nước ngoài đến thăm cội nguồn Việt Nam cũng ngày một thêm đông. Lắng sâu trong lòng người hành hương về nguồn cội là âm hưởng của câu ca xưa:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ Ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Trên thế giới, hiếm có nơi nào lại có một ngày Giỗ Tổ như ở Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng là sự hội nhập có tính xã hội trong đời sống thiêng liêng của dân tộc, mang giá trị văn hoá tiêu biểu. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu hiện cao đẹp nhất của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, của tư tưởng Đại đoàn kết và thống nhất dân tộc.

Đây là vùng đất thiêng, cách đây hàng mấy nghìn năm, các Vua Hùng đã chọn nơi này làm kinh đô của nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các cụ già ở Phong Châu kể lại: “Khi Vua Hùng đi tìm đất định đô, thì một buổi chiều bỗng có đàn hạc trắng ước tới vài trăm con bay lượn trên cao. Chúng ríu rít gọi nhau, bay lượn trên đầu Đức Vua, rồi hạ cánh xuống uống nước nơi ngã ba sông. Từ đó, đất này được gọi là Bạch Hạc. Đêm ấy, Vua Hùng nằm trên đất Nghĩa Lĩnh mộng thấy rồng vàng chở Vua bay lên, và bay về phương Nam… Vua liền đóng đô tại vùng đất này, đặt tên nước là Văn Lang, hiệu là Hùng Vương".

Hiện, ở Phú Thọ và trong cả nước đã có đến 1.417 nơi thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh. Nhưng tập trung nhất là khu Di tích Đền Hùng. Từ đây, có thể nhìn ra cả một vùng đất trung du, núi rừng, sông nước. Phía xa là ngã ba Việt Trì với những dãy đồi như một đàn rùa. Làng Hy Cương phía sau mang hình con Phượng cặp thư. Phía phải là đồi Khang Phụ hình một vị tướng quân bắn nỏ. Làng Cổ Tích bên chân núi, tọa lạc trên lưng một con tuấn mã. Dãy đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình giống như 99 con voi chầu về đất Tổ. Và xa hơn là dòng sông Thao nước đỏ.

Thời đại Hùng Vương là thời đại bắt đầu dựng nước của lịch sử Việt Nam. Và đất Phong Châu nghìn xưa như ngược dòng lịch sử đưa ta về với cội nguồn. Đền Hùng có từ xưa. Trong Ngọc Phả viết năm Thiên Phúc nguyên niên, đời Vua Lê Đại Hành (980) ghi rõ thời đó đã có Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ và Chùa. Các đời sau đều gọi Đền Hùng là “Nam Việt triệu tổ”. 

Đồng bào các dân tộc dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: Internet
Đồng bào các dân tộc dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Ảnh: Internet

 Ngày nay toàn bộ khu quần thể Di tích Đền Hùng gồm có 4 đền, một chùa, một lăng Tổ nằm trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, cách thủ đô Hà Nội 85km về phía đông bắc.

Bắt đầu là cổng đền, xây dựng bằng gạch từ năm 1917. Chúng ta leo lên 225 bậc là tới Đền Hạ, thờ Mẹ Âu Cơ. Tương truyền đây chính là nơi Lạc Long Quân gặp bà Âu Cơ. Gần Đền Hạ là chùa Thiên Quang và gác chuông, thờ Phật theo phái Đại Thừa. Trước chùa có cây Thiên Tuế hơn 700 năm tuổi. Leo tiếp 168 bậc là tới đền Trung, nơi các Vua Hùng thường họp các tướng lĩnh bàn việc nước. Lại leo 102 bậc nữa là lên Đền Thượng, còn gọi là Kính Thiên lĩnh địa, nơi thờ Vua Hùng và các vị thần. Đây cũng là nơi các Vua Hùng cúng tế trời đất, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà. Cũng là nơi có lăng mộ Vua Hùng thứ 6. Tại Đền Thượng còn có một cột đá thề. Tương truyền, Vua Hùng Duệ Vương theo lời khuyên của Tản Viên Sơn Thánh đã nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương. Thục Phán lên ngôi bèn làm lễ bố cáo trời đất, rồi dựng cột đá thề này, nguyện đời đời gìn giữ giang sơn mà Vua Hùng đã trao cho.

Dưới chân núi về phía đông nam là Đền Giếng, nơi thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, những người con gái yêu của Vua Hùng thứ 18. Một người lấy Tản Viên Sơn Thánh, một người lấy Chử Đồng Tử, những vị thần bất tử trong bộ Thánh “Tứ bất tử” của nước ta. Trong đền có giếng nước trong vắt, nơi Tiên Dung và Ngọc Hoa thường đến soi mình chải tóc.

Cũng tại Đền Giếng này, ngày 19-9-1954, Bác Hồ đã nói chuyện với các chiến sỹ Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong - trước khi tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Bác đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, gần Đền Hùng là Bảo tàng Hùng Vương, cao hai tầng, rộng 1.000m2, được xây dựng theo kiểu dáng một ngôi nhà sàn lớn. Bảo tàng trưng bày hàng nghìn hiện vật liên quan đến nền văn hoá thời Hùng Vương và sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng. Đặc biệt là bộ trống đồng 12 chiếc, được phát hiện ngay trên thềm đất cổ Phong Châu, có cái chỉ cách Đền Hùng vài trăm mét.

Trên vùng đất thiêng này, hình như mỗi ngọn núi, mỗi cánh rừng, đều gắn liền với những dấu tích xa xưa của lịch sử nước nhà. Đã có tới hơn 200 truyền thuyết liên quan đến thời đại các Vua Hùng và các vị Tổ như An Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ... cùng với những đền đài lăng tẩm của tổ tiên, khách hành hương còn được đắm mình trong những truyền thuyết lịch sử đã được chứng minh bằng sông núi, đất nước mình. Mọi người đều nhớ đến đức Thánh Gióng, Phù Đổng Thiên Vương, lên 3 tuổi đã vươn mình thành người khổng lồ đánh giặc, ăn “Bảy nong cơm, ba nong cà. Uống một hớp nước, cạn đà khúc sông”, rồi cầm roi sắt, nhổ tre đằng ngà, xông vào đánh tan quân giặc. Giặc tan, ngài đã phi ngựa lên núi Sóc Sơn, cởi áo bào để lại rồi bay vút lên trời. Nhà thơ Cao Bá Quát đã để lại một đôi câu đối chữ Hán tạm dịch như sau:

“Phá giặc còn hiềm ba tuổi muộn.
Lên mây tầng chín hận chưa cao”.

Và biết bao những câu chuyện cổ khác còn sống mãi trong lòng nhân dân: Chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, chuyện Bánh chưng Bánh dầy...

*

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chính phủ lên Đền Hùng làm lễ Giỗ Tổ. Cụ Huỳnh đã trân trọng dâng lên Vua Tổ một tấm bản đồ Việt Nam và một thanh kiếm, để thưa với các Vua Hùng nước nhà đã được độc lập, nhưng còn bị hoạ xâm lăng. Song cháu con cả nước, người cùng một bọc, quyết đồng lòng giữ gìn đất Việt, đất nước yêu dấu mà các Vua Hùng đã để lại.

Năm 1963, Tổng Bí thư Lê Duẩn lên thăm Đền Hùng cũng đã căn dặn: “Là người Việt Nam ai mà không nhớ đến tổ tiên. Đồng bào khắp mọi miền rất thiết tha về thăm đất Tổ… Chúng ta phải xây dựng Đền Hùng, để từ Đền Hùng nhìn ra khắp cả nước, và cả nước nhìn về Đền Hùng”.

Năm 2000, tại Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đã đọc diễn văn, có đoạn:

“Về với đất Tổ, đứng trước bàn thờ các Vua Hùng, mỗi một chúng ta, ai cũng đều xúc động và tự hào hướng về cội nguồn dân tộc, thành kính tri ân công đức tổ tiên, đúng như các thế hệ ông cha ta đã ghi thành câu đối ở Đền Hùng”

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ.

Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ Ông.

Uống nước nhớ nguồn, đoàn kết như con cùng một bọc là giá trị tinh thần Việt Nam, là bản lĩnh văn hoá Việt Nam. Đó cũng là “đạo lý sống tri ân” đã lưu giữ tự ngàn xưa, được truyền từ đời này qua đời khác. Một kiều bào từ Mỹ trở về đã nói: “Đến viếng Đền Hùng, chúng tôi như những giọt máu chảy về tim… dù chỉ xa quê hương yêu dấu hàng mấy chục năm trời, nhưng chúng tôi vẫn mong được trở về cội nguồn, như những người con cùng một bọc”. Một kiều bào từ Pháp về đã viết: “Lịch sử của một dân tộc là không thể phai mờ. Trở về thăm quê, lần nào cả gia đình tôi cũng lên viếng Đền Hùng, thắp nén nhang, dâng lễ vật, để biết ơn tiên tổ, và luôn nhớ mình là người Việt Nam!”. Nhiều linh mục, tu sĩ cũng đã nói: “Trước khi là người Công giáo, chúng tôi đã là người Việt Nam… Bàn thờ tôn giáo có nhiều, nhưng bàn thờ Tổ quốc thì chỉ có một!”.

Một kiều bào trước khi đi định cư ở nước ngoài, đã từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, nức nở cúi xin đất Tổ một nắm đất, một bình nước, với niềm ước nguyện giản dị mà sâu xa: “Khi còn sống con muốn được thờ đất Tổ tiên. Khi con chết, con muốn có một phần đất và nước của Tổ tiên đắp điếm cho phần mộ của con ở xứ người”. Bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… ra viếng mộ Tổ đã nói: “Chúng con đến đây với tất cả tấm lòng của những người con vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Chúng con muốn thưa với Tổ tiên, với Bác Hồ rằng: “Vâng lời Người, miền Nam đã sắt son chung thuỷ trở về nguyên vẹn với cội nguồn, vì tất cả chúng ta đều là con một bọc”.

Trên đất Phong Châu nghìn xưa, chúng ta lại nhớ đến bài thơ: “Ngày xuân về Giỗ Tổ Hùng Vương” của nhà thơ Huy Cận:

… “Chúng con đi xây đời nhân nghĩa
Sóng biển Đông dào dạt nhịp tim yêu
Tình chồng vợ, tình bạn bè chung thuỷ
Tình quê hương tha thiết trăm chiều

… Thưa Vua Hùng ngã ba đường trái đất
Chúng con phải đánh bao kẻ xâm lăng
Non nước cũ lại vui vầy thống nhất
Xây lại quê hương to đẹp đàng hoàng”./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com