Dặm đường Đất Việt: Qua Hải Vân Quan...

06:04, 29/04/2011

Tháng 6-2005, hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào khai thác, không lâu sau đó, dịch vụ trung chuyển xe gắn máy qua hầm đường bộ Hải Vân được khởi động. Nhưng tôi cũng như một bộ phận cư dân “khúc ruột miền Trung” vẫn thích thú “phượt” qua đèo bằng xe máy. Nhiều du khách khi đến TP. Đà Nẵng hay Cố đô Huế cũng chọn cách này để khám phá “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”...

Đèo Hải Vân thuộc dãy núi hiểm trở cắt ngang đất nước từ biên giới phía Tây đến sát bờ biển Đông, tạo nên những đặc trưng khá rõ nét từ khí hậu, văn hoá... phía 2 bên đỉnh đèo. Cũng có những khi mây mù giăng kín như muốn “bịt mắt” người đi đường... Qua Hải Vân Quan, chúng tôi được hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp trên đỉnh non cao và cảm nhận sự giao thoa của thời tiết, đất trời...

d
Ảnh: Internet

Người xưa đã có câu ca: “Đường bộ sợ nhất Hải Vân/ Đường thuỷ sợ nhất sóng thần Hang Dơi”, bởi ngoài sự hiểm trở của những cung đường đèo, nơi đây vốn là chốn cư ngụ của những loài thú dữ và đám lục lâm, thảo khấu. Vào thế kỷ 13, vùng đất này thuộc về Châu Ô và Châu Rí của Vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần. Đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn cho sửa chữa và mở rộng đường đèo, đồng thời xây dựng hệ thống đồn luỹ, có quân lính canh phòng cẩn mật ngày đêm, còn gọi là Đồn Nhất. Đến thời Pháp thuộc, ngoài mở rộng đường đèo cho xe cơ giới lưu thông, làm đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân, thực dân Pháp còn củng cố Đồn Nhất thành một cứ điểm quân sự vững chắc... Sau ngày đất nước được giải phóng cho đến trước khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng (tháng 6-2005), cung đường đèo Hải Vân là nỗi lo đối với không ít lái xe và người dân trên “hành trình thiên lý”.

Dừng chân ở Hải Vân Quan những ngày đầu xuân mới, núi rừng hùng vĩ như được tô hoa điểm sắc. Đặc biệt, khi ở Quảng Trị và Huế vẫn đang còn trong mưa rét, thì chỉ mới “chạm” đến chân đèo Hải Vân phía Bắc, bạn đã được hưởng bầu không khí ấm áp từ đỉnh Hải Vân lan toả xuống... Ngay đoạn cua tay áo đầu tiên Bắc đèo Hải Vân - điểm khởi đầu cho hành trình vượt 21km đường đèo Hải Vân từ phía Bắc, là phong cảnh vịnh Lăng Cô, đầm Lập An. Cũng từ đây nhìn chếch về phía trái là điểm khởi đầu cho công trình vĩ đại xuyên qua núi Hải Vân từ phía Bắc - Đường dẫn vào cửa hầm đường bộ Hải Vân...

Khi qua đèo Hải Vân, du khách không khỏi ái ngại với những đoạn đường đèo nép mình giữa một bên là vách núi cao, một bên là vực biển sâu và “đặc sản” là những đường cong cua hiểm trở, nhất là 2 khúc cua tay áo liên tục đoạn Km 901, kế đến là khúc cua tay áo tại Km 905.

Trên đỉnh Hải Vân Quan, du khách tạm quên cuộc sống xô bồ, ngược thời gian trở về quá khứ, nhớ về những bậc tiền nhân, những con người đã khai phá con đường cheo leo, hùng vĩ, lại thêm thán phục công trình hầm đường bộ vĩ đại xuyên qua “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”!

Đỉnh đèo Hải Vân (Km 904+800) ở độ cao khoảng 496m so với mực nước biển, là địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Lên đến đây, du khách hãy tản bộ lên khám phá Hải Vân Quan quay mặt về hướng Đà Nẵng, quay về hướng Thừa Thiên - Huế, nơi được vua nhà Nguyễn cho ghi lời đề từ của vua Lê Thánh Tông: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”! Cùng với đó là hệ thống lô cốt của thực dân Pháp còn sót lại; bia ghi chiến tích của quân và dân ta trong trận thắng Đồn Nhất. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vịnh Lăng Cô, làng Vân yên bình dưới chân núi Hải Vân và vịnh Đà Nẵng. Xa nữa là cảng Tiên Sa, cầu Thuận Phước, bán đảo Sơn Trà... Màn đêm buông xuống, du khách sẽ mãn nhãn với cảnh sắc tuyệt đẹp của vô số ánh đèn nêon phát sáng từ những chiếc thuyền câu mực của ngư dân!.

Theo: banduong.vn

                        



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com