Ngôi nhà số 7 Bến Ngự: Niềm tự hào của Thành Nam

07:04, 01/04/2011

Nằm giữa lòng Thành phố Nam Định, trải qua trên 160 năm tuổi, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự được coi là ngôi nhà cổ nhất Thành Nam hiện nay. Đây cũng là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định. Năm 1991, ngôi nhà số 7 Bến Ngự đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. 

Ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự hiện nay.  Bài và ảnh: hoài phương
Ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự hiện nay.

Ngôi nhà của một dòng họ khoa bảng

Nhà tôi ở cùng con phố, hàng ngày vẫn đi qua căn nhà số 7 phố Bến Ngự, như nội dung ghi trong tấm biển nhỏ gắn ở cổng của ngôi nhà thì đó là một di tích lịch sử gắn liền với sự ra đời của một tổ chức cách mạng do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo - tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Nhưng có một điều có lẽ còn nhiều người chưa biết, ngôi nhà cũng chính là nơi thờ tự của một dòng họ khoa bảng, nơi sinh ra tam nguyên Trần Bích San - một danh nhân văn học, một sỹ phu yêu nước có tư tưởng tiến bộ dưới thời vua Tự Đức cuối thế kỷ thứ XIX - niềm tự hào của quê hương Nam Định.

 Theo gia phả dòng họ Trần, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự (trước đây là số 49 phố Bến Gỗ) do cụ Trần Đình Lâm xây năm Kỷ Dậu 1849. Con trai cụ Trần Đình Lâm là Trần Doãn Đạt, đích tôn là Trần Bích San đều là những danh nho nổi tiếng của Thành Nam từ thế kỷ XIX. Ngôi nhà gồm từ đường rộng 5 gian và một số căn nhà phụ cận, mặt quay hướng Đông về phía sông Đào, nơi trước đây có bến Đò Chè tấp nập thuyền bè qua lại buôn bán. Ngôi nhà được dựng theo kiểu kiến trúc thuần Việt, tường xây bằng gạch thất, mái lợp ngói nam, các cột câu đầu, xà nhà, lá mái đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn. Ở gian chính giữa là một bệ thờ bằng gạch, trên bệ hiện còn đặt 9 hộp khám nhỏ, bên trong đặt các bức Thần chủ bằng gỗ ghi tên tuổi, chức tước của các vị trong dòng họ. Ngay phía trên bệ thờ được treo một bức đại tự sơn son thếp vàng đề 4 chữ “Định thế tải đức” (dịch là: Cõi trần đẹp đẽ ghi nhớ công đức). Gia phả dòng họ có ghi lại: Cụ Trần Đình Lâm mặc dù mắt kém nhưng là người rất chăm chỉ dạy con học hành thành đạt. Trần Doãn Đạt được vỡ lòng chữ nghĩa và nên người qua người cha rất mực yêu thương, ông thi đỗ Phó bảng, làm quan đến chức án sát sứ huyện Hưng Hoá. Trần Doãn Đạt cũng là một người cha mẫu mực, rất quan tâm đến việc học hành của các con. Con cả Trần Bích San sớm thành đạt, năm 25 tuổi, ông đã trở thành người đầu tiên ở trấn Sơn Nam đỗ đầu cả 3 khoa thi: thi hương, thi hội, thi đình, được mệnh danh là Tam nguyên Vị Xuyên. Em ruột Trần Bích San là Trần Đình Lân cũng là người đỗ đạt, được cử làm Tri phủ Nho Quan. Năm 1883, thực dân Pháp tấn công Nam Định lần thứ 2, khi chiếm được Thành Nam Định, thấy ngôi nhà khang trang, bề thế, chúng đã chiếm làm chỗ ở và làm việc cho viên Công sứ, sau lại được giao về tay Tổng đốc Nam Định là Cao Xuân Dục. Sau này các môn sinh của cụ Trần Đình Lâm đã góp tiền mua lại ngôi nhà để lấy chỗ thờ thầy học. Khoảng năm 1915-1916, ông Lương Ngọc Quyến cùng các ông Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thông Hữu cũng về ẩn náu tại ngôi nhà số 7 Bến Ngự. Năm 1924, sau khi thành lập Tâm tâm xã ở Quảng Châu, đồng chí Lê Hồng Sơn lấy nơi này làm chỗ liên lạc với anh em ở trong nước. Rồi từ đây ông Nguyễn Công Thụ cùng cụ Đinh Trương Dương đã thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định và khu vực Bắc Bộ. Đây cũng là địa điểm tập trung, liên lạc đưa thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ cách mạng cho Đảng. Từ năm 1927 trở đi, đồng chí Nguyễn Danh Đới hoạt động ở Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vẫn lấy nơi này làm chỗ ở và hội họp.

Như vậy vượt lên trên giá trị là một từ đường của một dòng họ có truyền thống khoa bảng - nơi sinh trưởng của vị Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, ngôi nhà số 7 Bến Ngự còn có giá trị lớn về lịch sử, là nơi đã từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như việc Pháp đánh chiếm Thành Nam Định, đây cũng là nơi hội tụ của phong trào văn thân thời kỳ tiền cách mạng. Ngôi nhà với truyền thống yêu nước của gia tộc đã tạo thành một cơ sở cách mạng không chỉ của Nam Định lúc bấy giờ mà còn là nơi hội tụ của nhiều sỹ phu yêu nước, cơ sở của nhiều chiến sỹ cách mạng của nhiều tỉnh, thành về chắp nối, bắt liên lạc. Với những giá trị to lớn đó, năm 1991, ngôi nhà số 7 Bến Ngự đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

“Nỗi niềm” ngôi nhà cổ nhất Thành Nam

Tính đến nay, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự đã trải qua 162 năm tuổi. Ngần ấy thời gian, đã có 8 thế hệ sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà này. Anh Trần Văn Đức - người cháu trực hệ đời thứ 5 của cụ Trần Bích San hiện là người đang lưu giữ toàn bộ gia phả dòng họ cũng như hồ sơ có liên quan đến ngôi nhà cho biết: Ngày trước, khuôn viên của ngôi nhà rộng lắm, có tới cả nghìn m2,  phía trước ngôi nhà là một khu vườn rộng trồng hoa và các loại cây ăn quả với rất nhiều loại hoa như thược dược, lay ơn, hoa cúc, trong đó có 2 cây bạch mai, bởi vậy ngôi nhà còn có tên Cổ Mai Trang. Chỉ mảnh đất trống bên kia bức tường, anh Đức tiếc nuối: Trước đây mảnh đất đó nằm trong phần đất khuôn viên của ngôi nhà nhưng năm 2004, mấy người em cùng cha khác mẹ của bố anh ở Hà Nội về đòi chia quyền thừa kế, thế là mảnh đất bị cắt ra làm đôi, mảnh sân trước nhà giờ hẹp lại chỉ để vừa 2 chiếc xe máy. Mọi sinh hoạt của cả gia đình anh gồm 6 người nằm gọn trong ngôi nhà cổ. Anh Đức tâm sự: Giá mà gia đình anh có điều kiện hơn thì ngôi nhà sẽ được giành riêng làm từ đường vì dù sao đây cũng là một Di tích Lịch sử cấp quốc gia chứ không đơn thuần chỉ là nơi thờ tự của một dòng họ. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, lực bất tòng tâm, anh không thể làm gì khác. Giờ có bao nhiêu tiền cũng không thể chuộc lại mảnh đất rộng trước ngôi nhà bởi nó đã được sang tên đổi chủ cho người khác ngoài dòng họ!

Dù đã có trên một trăm sáu mươi năm tuổi, trải qua bao mưa nắng và 2 cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng đến nay ngôi nhà hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu với tường gạch thất, mái ngói nam, cột, xà gỗ… và được coi là ngôi nhà cổ nhất Thành Nam hiện nay. Chưa kể đến những giá trị về lịch sử như đã nói ở trên mà chỉ tính riêng về giá trị của một ngôi nhà cổ hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện nay cũng rất đáng để lưu tâm gìn giữ. Tuy nhiên hiện ngôi nhà đang có dấu hiệu xuống cấp, tường nhà nứt loang lổ, ngày mưa nước dột tứ tung. Anh Đức lo nếu cứ tình trạng này chẳng mấy mà những cột gỗ lim sẽ bị ẩm, mục, mái nhà cũng bắt đầu xệ xuống. Cách đây 8 năm, ngôi nhà đã được đảo ngói 1 lần, từ đó đến nay hầu như không được tu sửa gì nhiều bởi với một ngôi nhà cổ lại là một Di tích Lịch sử cấp quốc gia như thế, tu sửa như thế nào để không làm ảnh hưởng đến kết cấu và không gian của ngôi nhà là một việc không đơn giản vì hiện nay, tìm được các vật liệu tương đồng cho ngôi nhà cũng rất khó khăn. Bởi thế mong muốn của anh Đức và gia đình là được các ngành chức năng quan tâm, phối hợp cùng gia đình trong việc gìn giữ ngôi nhà như một chứng nhân lịch sử, một dấu tích còn lại của Thành Nam cổ kính và văn hiến.

Cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, Thành phố Nam Định cũng đang từng ngày đổi thay với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng. Nhiều khu đô thị mới mở ra, từng dãy nhà cao tầng kiên cố mọc lên, các khu phố cổ dần bị thu hẹp lại trong sự tiếc nuối của những người gắn bó lâu đời với mảnh đất này. Bởi vậy việc gìn giữ  những ngôi nhà cổ có giá trị lịch sử, văn hoá như ngôi nhà số 7 Bến Ngự là việc làm cần thiết, vừa lưu giữ được truyền thống, vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ con cháu mai sau. Hơn thế nữa nếu được quảng bá và khai thác hiệu quả, nơi đây rất có thể sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến với Thành Nam./.

Bài và ảnh: Hoài Phương

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com