Cuối năm 1971, đầu năm 1972, tôi và anh cùng ở một đơn vị huấn luyện thuộc binh chủng đặc công. Năm anh nhập ngũ, dáng người thư sinh vì vừa học xong lớp mười là anh viết đơn xung phong đi bộ đội. Cả tiểu đội ai cũng quý người lính binh nhất ấy bởi tính tình sởi lởi, da trắng, hay cười và không nề hà bất cứ một việc gì, kể cả việc giúp anh nuôi nhặt rau, nấu cơm, hoặc vào nhà dân xin tre về củng cố doanh trại. Tiểu đội được giao chỉ tiêu phải có một tiết mục văn nghệ trong đêm biểu diễn phục vụ bà con nơi đóng quân, thế là anh và chúng tôi được tiểu đội cử lên sân khấu hát tam ca bài “Đêm Cha Lo” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Anh sống lạc quan vui vẻ, đích thực là người lính thời chiến tranh thật đúng nghĩa... Sau chiến thắng Mậu Thân 1968 và sau này là Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, các mặt trận miền Nam rất cần bổ sung quân. Đơn vị đặc công chúng tôi là một trong số các đơn vị thường xuyên chi viện người cho các đơn vị đặc công trước khi lên đường đi chiến trường B. Có đêm vừa chợp mắt, bỗng có lệnh báo động, toàn đơn vị đeo ba lô, tư trang, súng đạn đến nơi tập trung nghe mật lệnh chiến đấu! Nhận lệnh xong là lên đường hành quân ngay trong đêm đó không kịp quay lại chào chủ nhà, nếu trọ ở nhà dân, hoặc nói lời chia tay với người yêu nếu ai đó trót yêu cô gái nơi đóng quân.
Thanh niên miền Bắc lên đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ.
Ảnh: Internet
|
Tôi nhớ anh Lâm Văn Thành có dáng người cao to, mặt lúc nào cũng đỏ như gà chọi, giọng nói thì ồm ồm, hơi ngọng do dầy lưỡi. Anh Thành yêu cô gái cũng tên Thành là công nhân may ở xí nghiệp May 10. Đêm ấy anh có lệnh lên đường đi chiến đấu mà không kịp chia tay người yêu. Sau này đọc ở “Bản tin đặc công” mới biết anh Thành đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu một mất, một còn. Đêm ấy anh cùng đồng đội đi trinh sát vào đồn địch, khi anh bò vào được đến hàng rào kẽm gai cuối cùng do sơ suất nên bị lộ, anh bị địch bắt! Chúng tra tấn anh rất dã man nhằm khai thác tin tức về đơn vị đặc công của anh, nhưng anh kiên quyết không khai. Bọn địch trói anh vào cột tre tẩm xăng đốt hòng làm lung lạc ý chí của các chiến sỹ đặc công đang ở vòng ngoài. Song tiếng thét và bó đuốc sống đêm ấy càng thôi thúc đơn vị anh kiên quyết xoá sổ toàn bộ đồn địch ngay đêm sau đó... Trở lại kỷ niệm nhỏ về anh, đúng năm ấy anh có tên trong danh sách những người chiến sỹ đặc công lên đường ra mặt trận...
*
Năm 1972, đoàn tàu hoả chở bộ đội, trong đó có anh cùng đơn vị đặc công lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tàu chạy gần đến ga Cát Đằng (gần đấy là địa phận xã Yên Tiến, Ý Yên), người chiến sỹ ngó qua cửa sổ tàu nhìn lại làng quê mình trước khi ra trận. Bỗng anh trông thấy chính mẹ mình đang cắt cỏ cho trâu ở sát khu vực ga. Thấy đoàn tàu chở toàn bộ đội chạy về Nam, mẹ ngẩng lên im lặng đứng nhìn!
- Mẹ! Mẹ ơi! Con đây! Con đi đây...! Người chiến sỹ ấy vừa gọi, vừa rối rít vẫy tay gọi mẹ trong khi con tàu vẫn đang chuyển bánh! Anh chợt nhớ rồi vội vàng cởi khuy áo túi ngực lấy ra bức thư đã viết sẵn từ mấy hôm trước có ghi địa chỉ gia đình thả xuống khu ga, những mong ai đó nhặt được sẽ chuyển giúp vào nhà anh ở gần đó, bức thư báo tin: “Con đã lên đường đi B chiến đấu”. Bức thư ấy sau được người tuần đường nhặt được đã đưa vào tận gia đình anh. Nay anh giữ bức thư như một kỷ vật của chiến tranh cho riêng mình. Nhắc về kỷ niệm đã qua anh bảo: Suốt mấy năm đánh nhau với địch ở miền Đông Nam Bộ không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ về hình ảnh người mẹ áo nâu, tay cầm liềm cắt cỏ đứng nhìn ở ga tàu hôm ấy. Trước mấy năm mẹ mất, anh có bài thơ về mẹ, trong đó có những câu thơ thật da diết mà khi đọc lên, không dễ gì quên ngay được “Hoa giăng tím dậu bìm bìm/ Áo nâu mẹ bạc, vắt vim đầu cành...”.
*
Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm nay, tôi lại cùng anh ôn lại những kỷ niệm nhỏ rất đỗi bình dị của một thời quân ngũ, “Một thời hoa đỏ”, “Bạch đầu quân sỹ tại, mãi mãi thuyết nguyên phong”, nghĩa là người lính già đầu bạc kể mãi không hết chuyện chiến trường. Anh bảo những kỷ niệm đẹp thời quân ngũ là của cả một thế hệ trẻ thuở ấy, chứ không của riêng gì ai, nên không cần nêu tên thật và địa chỉ cụ thể bởi đó là kỷ niệm đẹp chung nhất của tuổi trẻ vì biết người lính nào cũng thấy mình trong đó. Hôm nay những người lính nhớ, và nhắc đến những kỷ niệm đẹp một thời chiến tranh chính là sự trân trọng với quá khứ, để hôm nay chúng ta tiếp tục sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong bài thơ “Đồng đội” anh viết tặng người chiến sỹ đặc công năm xưa thật hay! Trân trọng nhớ về những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc! trân trọng nhớ “Có thằng chống nạng theo trâu...”. Chính anh đã làm khá nhiều điều thiện với cái tâm của người lính đã thử lửa nơi chiến trường, kể cả việc là nhân chứng xác nhận chính xác những đồng đội cũ bây giờ đang chống nạng theo trâu để làm thủ tục hưởng chế độ thương, bệnh binh, với một tâm niệm giản đơn “Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”./.
Đoàn Quốc