Chiến dịch Hồ Chí Minh qua ký ức của hai người lính pháo

07:04, 29/04/2011

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, về xóm 10, xã Hải Long (Hải Hậu), tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Thực và ông Phạm Văn Lượng; không chỉ là hàng xóm, các ông còn là đồng đội, cùng nguyên là lính pháo binh của Quân đoàn 2; ba mươi sáu năm trước, hai người lính trẻ cùng quê ấy đã hoà trong những đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ông Thực kể: “Tôi nhập ngũ tháng 6-1974. Trước tôi hai người anh ruột cũng đã nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Vậy nên, sau 3 tháng huấn luyện, cấp trên không cho vào Nam chiến đấu mà phân công tôi về đại đội 24, Sư đoàn 338 để học y tá. Vẫn biết trong chiến tranh, trực tiếp chiến đấu hay làm y tá cứu thương đều rất quan trọng, cần thiết. Nhưng ngày ấy, trong khí thế sục sôi giải phóng miền Nam, không được cầm súng ra trận, chúng tôi cảm thấy rất “tủi”. Phải đến lần thứ ba làm đơn tình nguyện, tôi mới được chuyển về Trung đoàn 53 bộ binh, cùng sư đoàn chuẩn bị vào Nam chiến đấu”... Sau 7 ngày đi xe, 21 ngày hành quân, từ Phú Thọ, đơn vị của ông Thực vào đến sân bay A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Đến đây, đơn vị tổ chức lại lực lượng, ông Thực được phân về đại đội 23, Lữ đoàn 164 pháo binh thuộc Quân đoàn 2.

“May mắn” hơn người vừa là đồng đội vừa là hàng xóm, sau khoá huấn luyện pháo binh ở Sư đoàn 320, ông Lượng được vào thẳng chiến đấu ở chiến trường Tây Thừa Thiên từ năm 1972. Ông Lượng nhớ lại: “Ăn tết xong, đầu năm 1975, đơn vị tôi nhận lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch Thừa Thiên - Huế. Hành quân qua miền Tây, chúng tôi lần lượt tiến đánh các căn cứ Tân Ba, Ấp Năm, Phú Bài; ngày 26-3 tham gia giải phóng Thành phố Huế”. Ngay sau khi Huế được giải phóng, đơn vị của ông Thực và đơn vị của ông Lượng đều nhận lệnh hành quân gấp vào giải phóng Đà Nẵng. Ông Thực kể: Lần đầu tiên tôi được trực tiếp chiến đấu đó là khi hành quân đến bắc đèo Hải Vân, đơn vị tổ chức dàn pháo tấn công đoàn tàu địch đang cố bỏ chạy trên biển. Pháo ta từ trên đèo nã xuống, quân địch mặc dù đang tháo chạy vẫn chống trả quyết liệt, liên tiếp tổ chức phản công. Quần thảo suốt từ 5 đến 7 giờ tối, pháo của Lữ đoàn đã bắn cháy hai tàu địch. Sáng hôm sau, chúng tôi vào đến Đà Nẵng. Căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung của địch giờ không còn một bóng lính nguỵ, chỉ thấy thành phố ngổn ngang xe pháo, thiết bị địch bỏ lại khi rút chạy. Cờ giải phóng tung bay khắp các ngả đường. Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng, đó là ngày 29-3. Chúng tôi lại nhận lệnh gấp rút hành quân dọc các tỉnh miền Trung. Quân lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa...” được truyền đạt tới từng người lính, khiến khí thế hành quân càng thêm khẩn trương, hối hả. Chiến đấu cùng Quân đoàn nhưng phải đến khi hành quân đến Bình Định, lần đầu kể từ khi rời làng đi chiến đấu, ông Thực và ông Lượng mới được gặp nhau. Vậy nhưng, trong khí thế hành quân thần tốc, vừa nhận ra nhau, hai người lính đồng hương đã phải vẫy tay chào tạm biệt...

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 2 có nhiệm vụ tiến công, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở hướng Đông, Đông Nam Sài Gòn gồm các căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ; cảng và bến phà Cát Lái, đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, đồng thời tổ chức lực lượng thọc sâu đánh chiếm một số mục tiêu trong nội đô như sân bay Tân Sơn Nhất, quận 9, quận 4 và Dinh Độc Lập. Lữ đoàn Pháo binh 164 trực thuộc Quân đoàn được giao nhiệm vụ hình thành cụm pháo binh chiến dịch chi viện trực tiếp cho các sư đoàn; đánh phá và chế áp các trận địa pháo địch... Ông Thực nhớ lại: Ngày 23-4-1975, hành quân đến gần địa phận tỉnh Đồng Nai, chúng tôi nhận lệnh rẽ vào một khu rừng cao su rộng bạt ngàn, người dân địa phương thường gọi là rừng cao su Ông Quế. Chỉ trong hai ngày, cán bộ, chiến sỹ đơn vị vừa làm nhiệm vụ trinh sát, chiếm lĩnh và xây dựng công sự trận địa, vừa tổ chức lại công tác thông tin liên lạc. Lúc này, ông Thực được phân công về tiểu đội thông tin hữu tuyến, có nhiệm vụ khẩn trương thiết lập đường dây thông tin hữu tuyến từ sở chỉ huy Lữ đoàn đến sở chỉ huy các tiểu đoàn. Người đi trước bạt cây, người sau rải dây, chỉ sau hai ngày tiểu đội của ông Thực đã thiết lập được hệ thống thông tin hữu tuyến của Lữ đoàn trong rừng cao su bạt ngàn. Phát hiện ra trận địa của ta, địch bất ngờ dùng máy bay ném bom và từ các căn cứ Nước Trong, Long Bình nã pháo vào trận địa. Đường dây thông tin hữu tuyến nhiều lần bị đứt. Bất chấp hiểm nguy, ông Thực cùng anh em trong tiểu đội luồn rừng, lần theo đường dây đến nơi bị đứt tìm mọi cách nối lại. Một lần, vừa nối dây xong, bất ngờ các ông nghe một tiếng xẹt xé gió, pháo nổ đinh tai, ba cây cao su cách đó mươi mét trúng đạn đổ gục, các ông thoát chết trong gang tấc.

17 giờ ngày 26-4-1975, Lữ đoàn pháo binh 164 cùng các tiểu đoàn pháo khác của Quân đoàn nhận lệnh đồng loạt nổ súng, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Liên tục từ chiều tối 26 sang ngày 27, từ hướng Đông, Đông Nam Thành phố Sài Gòn, pháo binh ta liên tiếp tấn công các mục tiêu Gia Bình, Sông Buông, chi viện cho bộ binh đánh chiếm Trường Biệt kích, căn cứ Nước Trong, Long Thành. Trước hoả lực mạnh của ta, các cụm quân địch nằm trên tuyến phòng ngự vòng ngoài Thành phố Sài Gòn đều bị chế áp, trở lên rối loạn. Sang ngày 28-4 liên tục từ 1 giờ 45 phút đến 21 giờ, pháo binh của Lữ đoàn 164 tiếp tục chế áp trận địa pháo địch ở Phước Kha, Hàm Luông, Long Bình... Tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch gần như bị phá vỡ, sức chống trả ngày càng yếu. Thừa thắng, pháo 130mm của ta vượt lên, qua Nhơn Trạch tấn công, khống chế sân bay Tân Sơn Nhất. 24 giờ ngày 28-4-1975, Lữ đoàn đã vào chiếm lĩnh trận địa trong tiếng súng không ngớt. Xung quanh trận địa pháo, các pháo thủ đã dũng cảm đánh trả bộ binh địch. 4 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, khẩu đội 2 bắn quả đạn đầu tiên vào sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp đó các tiểu đội pháo khác cũng dồn dập tấn công. Cảng hàng không chìm ngập trong biển lửa, nhiều đoạn đường băng bị cậy lên, nhiều máy bay, kho tàng của địch bốc cháy. Cầu hàng không của địch bị chặt đứt. Hàng chục máy bay trực thăng Mỹ phải đáp xuống sân thượng toà đại sứ để cứu bọn cố vấn. Tiếng pháo vừa dứt, lực lượng thọc sâu hỗn hợp của Quân đoàn đã áp sát, làm chủ hoàn toàn sân bay... Ông Thực kể lại: Đến trưa ngày 30-4, khi đang còn ở trận địa, qua đài phát thanh, biết Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, anh em trong đơn vị sung sướng, ôm chầm lấy nhau reo hò, nhảy múa... Sau ít ngày nghỉ ngơi, tận hưởng niềm vui chiến thắng, các ông lại bắt tay làm nhiệm vụ tiếp quản, dân vận. Riêng ông Thực vinh dự được có mặt trong đội hình pháo binh diễu hành qua Dinh Độc Lập trong đại lễ mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau này, cả hai ông còn tiếp tục tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Tại đây ông Thực bị thương, sau được đơn vị cho đi an dưỡng. Ông Lượng sau chiến tranh về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, khi về hưu mang quân hàm thiếu tá... Trở về cuộc sống đời thường, cả hai ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt tình đồng đội, đồng chí năm xưa vẫn luôn thắm thiết, cùng động viên, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông Thực có hai người con đều tốt nghiệp đại học, trong đó người con trai lớn Nguyễn Đức Tâm hiện là giảng viên một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lúc chia tay hai ông tâm sự, đánh giặc và giải phóng quê hương, đất nước, thế hệ chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đất nước phát triển, hội nhập được, nhân dân tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay!

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com