Trò chơi bắt chạch trong chum thường tổ chức vào dịp hội làng ở nhiều địa phương của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình, đền với hàm ý để thần, thánh hay thành hoàng làng chứng giám, ban cho tình yêu đôi lứa và cầu sự sinh sôi…
Bắt đầu vào trò chơi, các thanh niên khênh những chum nước (có bao nhiêu cặp chơi thì có bấy nhiêu chum nước) đặt thành hàng trước sân đình. Trong mỗi chum có từ 1 đến 3 con chạch hoặc lươn. Sau ba hồi trống lệnh, trọng tài tuyên bố cách chơi và các quy định của trò chơi. Sau tiếng trống báo hiệu cuộc thi bắt đầu, từng đôi “nam thanh nữ tú” làm thành một cặp đến lễ trước ban án thành hoàng làng. Sau khi lễ xong, họ vừa đi về phía chum chạch vừa hát những câu ca giao duyên. Đến cạnh chum, hai người cầm tay nhau, tay còn lại cho vào chum tìm bắt chạch. Cùng với tiếng reo hò, tiếng chiêng, tiếng trống lúc dồn dập cổ vũ, lúc gõ từng tiếng báo phạt cặp chơi nào vi phạm quy định. Cặp nào bắt được cả ba con chạch quăng ra sân trước là thắng cuộc.
Tuy cùng là trò chơi bắt chạch trong chum nhưng ở mỗi địa phương có cách tổ chức khác nhau. Có nơi, các cô gái đứng cạnh chum khi có tiếng trống lệnh, các chàng trai dự thi phải chạy đến, một tay nắm lấy tay cô gái không cho chạy, còn tay kia thò vào chum bắt chạch. Sau hồi trống giục, người nào bắt được cả ba con, quăng ra sân thì được thưởng. Có nơi lại chỉ đặt một chum nước, từng đôi trai gái lần lượt tiến đến đứng đối diện qua miệng chum, tay phải nắm chéo nhau giơ cao qua đầu, còn tay trái thò vào chum bắt chạch. Chỉ khi nào tay hai người cùng bắt được chạch và đưa ra khỏi chum mới được coi là thắng cuộc./.
Ngọc Linh