Phố Đào Văn Tiến dài 250m, rộng 13m, có địa giới từ đường N4 đến đường N2 (Khu tái định cư Phạm Ngũ Lão).
Giáo sư Đào Văn Tiến (1920-1995), quê ở thành phố Nam Định. Ngay từ nhỏ ông đã được học tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và chữ Hán. Năm 1944, ông tốt nghiệp cử nhân Vạn vật học, khoá 1, Trường Đại học Khoa học Hà Nội, sau đó ông tốt nghiệp cao học về Vạn vật học. Năm 1946, ông lên Việt Bắc, tham gia Vệ quốc quân và giảng dạy ở Trường Quân y sỹ. Năm 1951, ông sang Nam Ninh (Trung Quốc), tham gia xây dựng Khu học xá của Trường Khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp. Năm 1954 ông về Hà Nội, chỉ đạo chương trình khoa học “Điều tra cơ bản khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng ở miền Bắc Việt Nam”. Ông là người đầu tiên mô tả hai loài phụ voọc ăn lá (voọc Hà Tĩnh và voọc mào). Ông có công phát hiện 10 dạng động vật mới ở Việt Nam. Ông là Ủy viên Ủy ban nghề cá miền Tây Thái Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Quốc tế Nghiên cứu động vật có vú, Hội viên danh dự Hội Nghiên cứu thú quốc tế và Hội Nghiên cứu thú Liên Xô, Chủ tịch danh dự Tổng hội Sinh học Việt Nam, Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Paris 7… Giáo sư Đào Văn Tiến đã công bố hơn 100 công trình trên các tạp chí chuyên ngành bằng các tiếng Nga, Anh, Pháp, Việt… Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách viết về động vật có giá trị như: “Khảo sát các loài thú ở miền Bắc Việt Nam”, “Động vật có xương sống”… Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư sinh vật học; tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957-1980)”./.
Hồng Hạnh