Về xã Bình Minh (Nam Trực) hỏi thăm cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Bắc, xóm Tây Thượng Dưới của chị Vũ Thị Hồng thì ai cũng biết. Cơ sở sản xuất kẹo có quy mô nhất nhì xã, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương; các sản phẩm luôn được thị trường ưa chuộng. Để tạo dựng được “cơ ngơi” uy tín như hôm nay là kết quả của sự tảo tần sớm khuya, là quyết tâm không cam chịu nghèo khó của chị Hồng nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Chị Vũ Thị Hồng, xã Bình Minh (Nam Trực) giới thiệu các sản phẩm bánh kẹo truyền thống của gia đình. |
Sinh ra và lớn lên ở làng Thượng Nông với nghề làm các loại kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng… nức tiếng đất Bình Minh, chị Hồng biết làm kẹo từ nhỏ. “Những năm thơ ấu, đặc biệt là thời điểm giáp Tết, tôi luôn thức dậy trong mùi thơm ngọt ngào của mạch nha nấu tới, mùi thơm ấm của lạc, của vừng rang sẵn. Ngày đó gần như nhà nào trong làng cũng làm kẹo, trước để cho con cái ăn, sau dư dả hơn đem bán phục vụ bà con các làng xã lân cận”, chị Hồng kể. Lớn lên một chút, như bao các bà, các mẹ, các chị, em gái trong làng, chị Hồng tham gia làm kẹo, bắt đầu từ khâu đơn giản, nhặt sạn trong lạc, vừng, chà xát, đãi vỏ rồi dần dần nấu kẹo, cắt kẹo… 18 tuổi, chị Hồng lập gia đình, 2 vợ chồng đã chọn nghề làm kẹo lạc để lập nghiệp. Sử dụng gian bếp nhỏ của cả nhà, ngày ngày chị bận rộn ra vào làm kẹo.
Để có một mẻ kẹo lạc, kẹo dồi thành công, trước hết theo chị Hồng phải hết sức cẩn trọng từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Kẹo lạc ở Thượng Nông ngon hơn kẹo lạc những nơi khác, ấy là bởi người làng dùng một loại mạch nha đặc biệt, kết hợp với “bí kíp gia truyền” của người nấu. Nguyên liệu làm nên thứ mạch nha tuyệt vời này là bột gạo nếp kết hợp với mộng mạ (thóc ngâm cho đến khi nảy ra được những mầm tương đối dài, sau đó phơi khô rồi giã nhỏ) và đường kính trắng loại hảo hạng nấu thành hỗn hợp nước có màu vàng sậm. Ngoài mạch nha, những người làm kẹo lâu năm như chị Hồng còn rất chú ý khâu chọn lạc. Lạc để làm kẹo phải chọn mua cho kỳ được lạc loại A, hạt to đều, chắc mẩy, mười hạt như một. Tuy nhiên nguyên liệu mới chỉ quyết định được năm mươi phần trăm thành công. Quan trọng vẫn là do người nấu. “Nấu được mạch nha thì tôi cho chảo xuống bếp, trộn đều với lạc đã được rang sẵn. Lạc và mạch nha “quấn” lại với nhau đặc sền sệt vẫn còn nóng hổi thì đổ ra khay, dùng chày để cán. Cán kẹo cũng đòi hỏi nhiều công phu. Phải cán đều tay, cán nhanh để kẹo đảm bảo đủ độ đồng đều và mịn”, chị Hồng kể về quy trình nấu kẹo… Sau công đoạn cán kẹo, thợ dùng dao cắt với kích thước, độ dài tùy ý. Thường thì thợ làm kẹo lạc Bình Minh cắt kẹo trong khoảng 2-6cm. Bước cuối cùng là đóng gói sản phẩm. Đối với các loại kẹo khác, quy trình nấu theo chị Hồng cũng gần tương tự.
Ngày nay, những người làm kẹo ở Bình Minh nói chung đã không còn phải vất vả như xưa mà có sự hỗ trợ của máy móc. Máy móc tham gia vào mọi công đoạn từ chà xát, đãi vỏ, xay rang, nấu, cắt… giúp người thợ giảm 80-90% lượng công việc. Nhận thấy việc “cơ giới hóa” quy trình sản xuất sẽ giúp tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, từ đó cho lợi nhuận cao hơn, từ gần 30 năm trước, chị Hồng bàn với chồng vay mượn của người thân, ngân hàng được 30 triệu đồng mua các loại máy chà, máy rang… hỗ trợ quy trình nấu kẹo. “Đây có thể coi là quyết định “liều lĩnh” của tôi và gia đình. Bởi thời điểm đó số tiền 30 triệu đồng có giá trị rất lớn, trong khi mỗi ngày cả nhà tôi kỳ cạch làm kẹo tính ra thu lãi cũng chỉ được dăm nghìn. Hơn nữa, đa phần các hộ sản xuất kẹo trong làng vẫn làm theo phương pháp thủ công, sử dụng sức người là chủ yếu, chưa có ai dám đầu tư máy móc trong sản xuất kẹo lạc truyền thống. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu không mạnh dạn thì không thay đổi được cuộc sống, thay đổi được nghề”, chị Hồng cho biết thêm về quyết định “cơ giới hóa” nghề làm kẹo của gia đình.
Chị Vũ Thị Hồng, xã Bình Minh (Nam Trực) giới thiệu các sản phẩm bánh kẹo truyền thống của gia đình. |
Không phụ công người chịu khó, từ khi sắm được máy móc, công việc sản xuất kẹo của gia đình chị Hồng phát triển sang một bước mới. Năng suất kẹo tăng lên gấp nhiều lần so với cách làm thủ công trước đây, giảm đáng kể chi phí nhân công. Tuy sản xuất bằng máy nhưng mọi công đoạn làm kẹo chị Hồng vẫn giữ theo phương thức truyền thống. Chính vì vậy, chất lượng kẹo không bị thay đổi, nhờ đó giữ được uy tín, mở rộng thị trường. Năm 2000 khi đã tích lũy được một số vốn, chị mua đất, mở rộng quy mô nhà xưởng lên 300m2, sắm thêm các loại máy móc hiện đại để làm kẹo. Hiện, cơ sở kẹo truyền thống Hồng Bắc có 4 sản phẩm chính gồm: kẹo lạc, vừng thanh, kẹo dồi, kẹo dồi vừng xuất bán khắp cả nước. Quá trình sản xuất kẹo, chị cũng chia ra các mặt hàng khác nhau, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng. Mỗi tháng, cơ sở nhập từ 2-3 tấn nguyên liệu gồm lạc, vừng để sản xuất kẹo. Cao điểm từ tháng 12 cho đến Tết Âm lịch hàng năm, xưởng kẹo của chị Hồng có thể nhập tới 10 tấn nguyên liệu/tháng để sản xuất kẹo. Xưởng sản xuất kẹo của chị Hồng hiện đang tạo việc làm cho 6-8 lao động thường xuyên và khoảng 10 lao động thời vụ dịp Tết với mức lương 200 nghìn đồng/người/ngày. Hàng năm, trừ chi phí, từ nghề sản xuất kẹo truyền thống chị Vũ Thị Hồng thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi. Từ năm 2021, các sản phẩm kẹo lạc vừng, kẹo vừng thanh của chị cũng đã được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao.
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng chỉ với một quyết tâm làm giàu từ nghề truyền thống của địa phương, chị Vũ Thị Hồng giờ đây đã thực hiện được ước mơ lớn nhất của mình, mở được xưởng kẹo lớn, giúp gia đình, con cái có cuộc sống tốt hơn. Trong bối cảnh nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề truyền thống “lao đao” do không đáp ứng được nhu cầu thị trường dẫn đến mất nghề, mất thương hiệu thì việc duy trì thành công nghề sản xuất kẹo lâu đời của địa phương đã khẳng định những nỗ lực rất đáng được trân trọng của chị Hồng. Từ đó, khích lệ người dân làng nghề nói riêng, phụ nữ nông thôn nói chung mạnh dạn khởi nghiệp, giữ “lửa nghề” và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân