Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu trong mùa mưa bão năm nay, huyện Ý Yên đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, sẵn sàng phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng bối.
Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bãi ngoài cơ đê bối thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị diễn ra ngày càng nhanh, khiến người dân trong thôn không khỏi lo lắng trong mùa mưa bão năm nay. |
Yên Trị là xã vùng trũng của huyện Ý Yên, dân cư sinh hoạt, sản xuất chủ yếu ngoài vùng đê bối. Toàn xã có 11,7km đê, trong đó có 9km đê bối. Trên các tuyến đê có 6 cống, 8 trạm bơm. Trong những năm qua được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành, xã đã đầu tư tu bổ, áp trúc, mở rộng và đổ bê tông toàn tuyến đê bối với mặt đê rộng 4,5m. Tuy nhiên hiện nay phía trong tuyến đê bối ở khu vực các thôn Tướng Loát, Trại Bến, Trại Trong, Ngọc Chấn còn nhiều ao sâu, đầm cá… nên tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu, rò rỉ, không an toàn cho tuyến đê bối trong mùa mưa bão. Một số đoạn đê bối như đoạn từ đê Đồng Cử, thôn Ngọc Chấn; đoạn từ nhà ông Lâm, thôn Trại Trong đến nhà ông A; đoạn từ nhà ông Cương đến nhà ông Phiên, thôn Trại Bến; đoạn từ nhà ông Nho đến nhà ông Đoàn thôn Tướng Loát do dòng chảy áp sát chân bãi, nước chảy siết, xoáy cuộn nên tốc độ sạt sụt bãi ngoài cơ đê diễn ra nhanh. Đồng chí Trần Văn Trương, Bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Ngọc Chấn cho biết: “Toàn thôn có 350 hộ với 1.000 khẩu sinh sống vùng ven sông Đáy. Từ 3 năm trở lại đây, bên phía cầu cảng Long Sơn, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) phát triển mạnh nghề sửa chữa, đóng mới tàu thủy với hàng chục doanh nghiệp hoạt động suốt ngày. Các doanh nghiệp liên tục lấn chiếm lòng sông cơi nới bến bãi làm mặt bằng sản xuất làm thay đổi dòng chảy. Do vậy việc cơi nới tạo bãi nhanh bao nhiêu thì phía sông bên thôn Ngọc Chấn sạt lở mạnh bấy nhiêu. Nhất là 3 năm trở lại đây, dòng chảy liên tục áp sát, khoét sâu vào bãi ngoài cơ đê bối, tạo thành vách thẳng đứng. Chỉ từ năm 2021 đến nay xã đã mất khoảng 3-5m chiều rộng bãi và kéo dài hơn 100m theo dọc tuyến sông; dòng chảy sông đã làm mất bãi cát bơi của thôn. Đại diện cho nhân dân trong thôn, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư khắc phục, nâng cấp tuyến đê bối này để chúng tôi yên tâm sinh sống, sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão…”.
Ngoài tuyến đê bối Yên Trị, Yên Đồng, trên tuyến đê tả Đáy địa bàn huyện Ý Yên còn có tuyến đê bối các xã Yên Nhân, Yên Lộc, Yên Phúc thuộc tuyến đê hữu Đào. Theo đánh giá của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Ý Yên thì thực trạng trên các tuyến đê bối sông Đào thuộc các xã Yên Nhân, Yên Phúc mặt đê bối bằng đất, có xử lý bằng cọc tre, bao tải đất, mái đê bối phía sông bị sạt lở. Tuyến đê bối xã Yên Lộc bị sạt lở dài 200m; tuyến đê bối xã Yên Nhân bãi ngoài bối sạt lở sát khu dân cư từ Km169,2 đến Km169,7. Khi nước sông Đào lên mức báo động số II, các tuyến đê bối đều có hiện tượng nước rò rỉ, thẩm lậu ở nhiều vị trí. Các tuyến đê bối tả Đáy thuộc các xã Yên Trị, Yên Đồng và Yên Nhân khả năng bảo đảm an toàn chỉ ở mức báo động II…
Trước tình hình trên, huyện Ý Yên đã tập trung xây dựng kế hoạch PCTT, bảo vệ vùng bối theo phương châm “4 tại chỗ”, thiết lập vận hành phương án di dân vùng bối khi xảy ra sự cố về đê. Đối với vùng bối tả Đáy, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã Yên Trị, Yên Đồng và Yên Nhân thành lập các tiểu ban thường trực triển khai nhiệm vụ PCTT khi có mưa bão xảy ra; tổ chức thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, huy động lực lượng xung kích của xã sẵn sàng hỗ trợ di dân khi có yêu cầu. Đồng chí Trần Trung Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Ý Yên, xã Yên Trị đã xây dựng cụ thể, chi tiết các kịch bản ứng phó với từng tình huống thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt, bão gây ra. UBND xã đã tham mưu cho Đảng ủy xây dựng nghị quyết về PCTT và TKCN năm 2022 và triển khai thực hiện cụ thể, chu đáo kế hoạch PCTT và TKCN của xã đến từng thôn, xóm, các đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Xã xác định cụ thể các địa bàn, đối tượng trọng điểm để xây dựng, vận hành phương án sát thực, bảo đảm tính khả thi cao, trong đó có phương án di dân khi có nguy cơ vỡ đê hoặc khi có lệnh xả lũ. Các đối tượng ưu tiên là người già, trẻ em, gia đình chính sách sẽ được di dời trước về những địa điểm an toàn. Khi thực hiện di dân, toàn bộ lực lượng xung kích của xã gồm 300 đoàn viên, thanh niên đã được tập huấn sẽ hướng dẫn và thực hiện việc di dời bảo đảm an toàn trong mọi tình huống thiên tai xảy ra.
Cùng với tập trung kiện toàn ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, UBND huyện Ý Yên đã tiến hành rà soát hiện trạng đê bối, hệ thống kè, cống, bờ bao ngăn nước tại các vùng bối. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm giữ vững an toàn hệ thống đê điều, đề phòng và chủ động ứng phó tích cực với các hình thái thời tiết cực đoan. Các xã: Yên Trị, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Phúc, Yên Lộc đã thành lập các tiểu ban phụ trách từng đoạn, tuyến đê bối; tổ chức phân công cán bộ các thôn, đội theo dõi, giám sát toàn tuyến nhằm kịp thời thông tin, triển khai nhanh, đồng bộ phương án phòng, chống và xử lý các sự cố khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tổ chức ký hợp đồng với các chủ phương tiện ô tô, thuyền trên địa bàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động… Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã đã thành lập lực lượng xung kích sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển đến khu vực an toàn như: trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường THCS để người dân tạm trú. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ sản xuất cho nhân dân. Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sản xuất cá lồng ngoài sông Đào chủ động có biện pháp định vị, tăng cường neo, giữ lồng bè nuôi cá trên sông để đề phòng gió to, lũ lớn trên sông. Khi có lũ trên sông lên trên báo động 2, các hộ chủ động di chuyển người, tài sản, nhất là con nuôi thủy sản vào trong bờ để bảo đảm an toàn, tránh thiệt hại. Đồng thời, chính quyền địa phương chuẩn bị bố trí lực lượng xung kích, phao cứu hộ để sẵn sàng hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng trên sông khi cần thiết.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, kế hoạch phòng, chống bão, lũ, huyện Ý Yên nêu cao quyết tâm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bối trong mùa mưa bão năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại