Sau thời gian dài bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hiện nay, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà của người dân tăng cao. Do đó, dù công việc rất nhọc nhằn, vất vả nhưng nghề phá dỡ nhà cũ cũng đang “ăn nên làm ra”.
Sau khi phá dỡ, những đội thợ phải thu dọn sạch sẽ, gọn gàng trả mặt bằng cho gia đình thi công công trình mới. |
Mặc cho trời nắng nóng như đổ lửa hay mưa tầm tã, để bảo đảm tiến độ theo cam kết với chủ công trình nên những người thợ phá dỡ nhà cũ vẫn miệt mài làm việc. Cùng đi với những tốp thợ phá dỡ công trình, được tận mắt chứng kiến công việc họ làm mới thấy hết nặng nhọc, vất vả, khó khăn của nghề tháo dỡ những ngôi nhà cũ. Để tháo dỡ một ngôi nhà cũ, đội thợ thường nhận khoán chứ không nhận tính công nhật. Do đó, người nhận khoán phải “rành” nghề để đánh giá đúng thực trạng công trình, ước lượng được “nguồn phế liệu” sắt thép có thể “thu hoạch”, độ dễ hay khó phá để ra giá mới mong có được lãi. Anh Vũ Văn Phong, chủ Doanh nghiệp Máy xúc công trình Nam Phong, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) cho biết: Đội của anh hoạt động theo phương thức nhận công trình, chia đều tiền công, tiền bán phế liệu của nhà cũ nên đội thợ của anh ai nấy đều rất tích cực, làm hết công suất mặc dù trời oi nóng, không khí ngột ngạt, bụi bặm khó chịu. Nghỉ tay uống ly nước đá, anh Phong chia sẻ: Công việc này nặng nhọc lắm, những dụng cụ để phá dỡ như búa, máy khoan, máy đục… đều là những công cụ hạng nặng. Đội phá dỡ phải dọn thật sạch, gọn gàng mặt bằng cho chủ nhà thi công thuận lợi mới có thể “lấy tiền”. Ngoài tiền công phá dỡ, chúng tôi còn “kiếm thêm” được một số tiền từ việc bán phế liệu sắt thép, vật liệu xây dựng cũ… nên phải tính toán để việc thu hồi phế liệu được nhiều nhất, không bị lẫn trong gạch vữa, tốn thêm công chọn lại. Gặp những ngôi nhà xây chưa lâu, lượng sắt thép nhiều thì cũng kiếm được thêm khoản lời kha khá. Làm hết trách nhiệm, giá cả phải chăng, dọn dẹp sạch sẽ cho chủ nhà nên đội thợ của anh Phong luôn làm việc không ngơi tay, công trình này chưa dứt thì đã có công trình mới đang chờ. Mặc dù tiền công từ nghề này cũng khá cao, nhưng khi thấy những người thợ phá dỡ suốt ngày đứng giữa nắng nóng hay “treo” mình trên những bức tường cũ cùng những cái búa nặng trịch mới thấy sự nguy hiểm, nặng nhọc mà những người thợ đang phải đối diện khi làm nghề.
Hiện nay ở thành phố Nam Định và các địa phương khác, giá thuê thợ tháo dỡ nhà cũ thông thường từ 20-40 triệu đồng tùy từng công trình. Mỗi công trình phá dỡ mất từ 3-5 ngày; so với thợ xây, thợ hồ, công thợ phá dỡ cao hơn, thu nhập từ 600-700 nghìn đồng/người/ngày công lao động, cao hơn hẳn một số nghề phổ thông khác. Đây cũng là “động lực” để những người thợ có sức khỏe chấp nhận gắn bó với nghề tốn sức mà có thêm nguồn thu nhập đáng kể này.
Cũng là thợ lành nghề, với kinh nghiệm trên dưới mười lăm năm gắn bó với nghề phá dỡ nhà cũ, anh Trần Quang Hiệp năm nay 45 tuổi ở xã Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết: Trước đây, tôi làm phụ hồ, thợ nề, rồi lên làm cai thầu nên cũng quen với công việc nặng nhọc này. Bước sang thử sức với việc nhận tháo dỡ nhà cũ nên ban đầu cũng chưa quen việc, lại ít kinh nghiệm “đọc việc” nhận khoán nên cũng mất một thời gian tìm hiểu, do đó thu nhập không cao lắm. Nhưng làm lâu mình cũng rút ra nhiều kinh nghiệm, có thêm những “mẹo” riêng để dỡ nhà nhanh, an toàn và nhìn vào những ngôi nhà là có thể ước chừng được chính xác thời gian phá nhà là bao lâu, có thể tận dụng được những gì. Để công việc được thuận lợi, lâu bền, tôi kết hợp với một số anh em làm chung, chung vốn mua máy móc, phương tiện vận chuyển phế, phụ liệu... vừa đỡ khoản đầu tư ban đầu lớn, thiết bị được khai thác hết công suất, lại sắm được nhiều loại thiết bị. Chúng tôi cùng nhau nhận công trình, chia việc nên việc làm và thu nhập cũng ổn.
Dưới cái nắng bỏng rát của mùa hè, đội thợ của anh Phong đang hì hục đục, gõ nghiền nát những mảng bê tông chắc nịch bằng máy. Tiếng búa máy, máy đục va vào những mảng tường chan chát, tóe lửa khi gặp lõi sắt. Tất cả những người thợ đều còn khá trẻ, và chắc bởi chỉ có những người trẻ mới đủ sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ để làm những công việc nặng nhọc, vất vả này. Để làm nghề, những người thợ không phải tốn quá nhiều thời gian học nghề nhưng để làm tốt và “sống khỏe” với nghề, họ phải lao động thật nghiêm túc, học các “mẹo” xác định chính xác hướng đổ của những khối bê tông, mảng tường để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người; hay là kỹ thuật chọn điểm phá phù hợp để vừa an toàn vừa đỡ tốn sức. Thở phào một tiếng sau khi một mảng tường to được phá dỡ hoàn toàn, anh Hà năm nay 32 tuổi, thợ của anh Phong bộc bạch: Vất vả lắm việc thì nặng, bụi mù mịt, trên nắng dưới nóng rát nhưng chọn nghề thì phải chấp nhận. Làm nghề này cũng đối mặt với không ít rủi ro, nguy hiểm nên chúng tôi luôn bảo nhau phải hết sức cẩn thận, khi làm việc phải tập trung quan sát, trông trước, nhìn sau để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Được cái thu nhập kha khá nên chúng tôi cứ quần quật quanh năm, hết công trình này đến công trình khác. Sau mỗi công trình dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ đâu ra đấy để chủ nhà thuận tiện trong việc đào móng khởi công làm nhà mới nên được chủ nhà phấn khởi, tin tưởng giới thiệu cho những công trình khác.
Bảo đảm sức khỏe, có sự kiên trì, nhẫn nại để bám trụ với công việc gian truân, nặng nhọc, vất vả với sự lao động nghiêm túc trong quá trình làm nghề nên đa số những đội phá dỡ nhà cũ luôn có việc làm với nguồn thu nhập ổn định./.
Bài và ảnh: Văn Đại