Công nhân, người lao động "xoay xở" thời bão giá

06:08, 01/08/2022

Khi giá xăng, dầu tăng mạnh, nhiều mặt hàng lập tức tăng theo khiến công nhân, người lao động phải chật vật trong cơn “bão giá”. Bên cạnh điều chỉnh việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm thì các khoản chi tiêu không cần thiết cũng đều phải cắt giảm. Mặc dù hiện nay giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng/lít, nhưng hầu hết mặt hàng thực phẩm ở chợ truyền thống, siêu thị giá vẫn ở mức cao khiến không ít người lo lắng.

Giá cả tiêu dùng tăng cao, nhiều công nhân cân nhắc khi chi tiêu.
Giá cả tiêu dùng tăng cao, nhiều công nhân cân nhắc khi chi tiêu.

Trong cái oi bức của ngày hè khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 37-38 độ C thì trong căn nhà trọ chật chội hơn 20m2 của vợ chồng anh Trần Văn Tiến, công nhân may ở Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) nóng hầm hập như… “lò bát quái”. Tuy nhiên, để mua thêm một chiếc quạt trong bếp tiện cho mỗi buổi nấu cơm chiều của vợ, anh Tiến cũng cân nhắc chưa dám mua. Với thu nhập của hai vợ chồng là 13 triệu/tháng, trước đây mỗi tháng anh chị cũng tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng nhưng kể từ khi xăng tăng giá, mọi thứ đều tăng, trong khi hàng tháng phải trả tiền nhà, gửi tiền về quê để bố mẹ chăm giúp 2 con nhỏ nên dù có hạn chế tối đa tiền ăn, tiền sinh hoạt phí, vợ chồng anh cũng chẳng dư ra được đồng nào. Anh Tiến chia sẻ: “Con gái út của tôi hay ốm vặt, lại rất lười ăn nên hàng tháng riêng tiền sữa cho cháu đã hết gần 2 triệu đồng. Bố mẹ ở quê không có lương hưu nên mọi khoản chi tiêu giỗ chạp, cỗ bàn ở quê chúng tôi đều đứng ra gánh vác. Vì vậy, mấy tháng gần đây trừ các khoản chi phí hầu như chúng tôi không tiết kiệm được đồng nào, cố gắng trang trải chi tiêu đủ trong 1 tháng là tốt lắm rồi”. Với những công nhân có thu nhập ít ỏi, đang phải chật vật trong cơn “bão giá”, bên cạnh điều chỉnh việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, các khoản chi tiêu không cần thiết cũng đều phải cắt giảm. Sau giờ làm, chị Liên, công nhân Công ty May Sông Hồng (thành phố Nam Định) tranh thủ tạt vào chợ mua ít đồ về nấu cơm tối cho 3 người ăn. Bữa ăn tối của vợ chồng chị Liên và người em trai khá đạm bạc, chỉ có 1 đĩa đậu, 3 lạng thịt, vài quả cà muối và canh rau. Liên than thở, mấy tháng trước đây xăng tăng giá liên tục nên giá cả các mặt hàng cũng tăng theo. Hiện tại, tuy giá xăng đã hạ sâu nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng chưa có dấu hiệu giảm. Nếu như trước đây, một bữa ăn 3 người chỉ hết khoảng 50 nghìn đồng thì bây giờ phải 60-70 nghìn đồng mới đủ cho một bữa ăn. Sức vóc thanh niên, phải làm tăng ca nhiều nên Liên cũng rất chú trọng đến chất lượng bữa ăn hàng ngày, nhất là cho người em trai làm công việc ship hàng trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, thời gian này, rau quả, thực phẩm tăng giá nhiều nên các bữa ăn sẽ phải “gối đầu”, bữa ăn tươi, bữa đạm bạc để tiết kiệm chi phí cho việc nuôi con nhỏ và các khoản phát sinh khác. Không chỉ có chị Liên, sau một ngày làm việc vất vả trong các công ty, những công nhân lại vội vàng vào các khu chợ ven đường để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối. Với đồng lương eo hẹp, họ phải cân đong đo đếm từng món hàng. Các quầy hàng trong chợ vẫn bán rất đầy đủ, phong phú các loại thực phẩm nhưng đảo một vòng thì thấy hầu hết ai cũng mặc định những thực đơn quen thuộc gồm trứng, đậu phụ, vài lạng thịt cùng rau dưa giá rẻ các loại. Không chỉ cắt giảm mua các mặt hàng mà ngay cả trong tiêu dùng hàng ngày, họ cũng cân nhắc, ưu tiên chọn mua những mặt hàng có giá “mềm” hơn. Ai cũng có chung suy nghĩ phải “thắt lưng buộc bụng”, thật tiết kiệm để tiết giảm chi phí.

Giá các mặt hàng xăng, dầu tăng đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều gia đình phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ. Chị Liên làm công việc đóng gói hàng cho một cửa hàng thời trang bán online trên địa bàn thành phố Nam Định. Trước kia, khi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát, lương của chị có tháng được 8 triệu đồng, sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, lương chị giảm sâu xuống còn khoảng 5-6 triệu đồng do các đơn hàng giảm hẳn. Trong khi chị lại nuôi con nhỏ, giá các loại bỉm, sữa đều tăng cao nên dù tiết kiệm, mỗi tháng chị cũng phải chi phí hết khoảng 2 triệu đồng cho con. Chị Vân ở đường Hoàng Ngân (thành phố Nam Định) trước đây là công nhân nhưng do sức khỏe yếu, 5 năm qua chị ở nhà làm nội trợ. Chị cho biết, đây là lần đầu chị chứng kiến nhiều mặt hàng tăng đồng loạt như thế. Bởi thông thường, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gia vị các loại, bột giặt, sữa, chỉ 1-2 lần điều chỉnh giá mỗi năm và mức tăng không quá cao. Nhưng hiện nay nhìn chung các loại hàng hóa đều tăng từ 5-15%. Đặc biệt, dầu ăn chưa khi nào tăng mạnh như thế, từ đầu năm đến nay mỗi chai dầu ăn 1 lít tăng hơn 40%. Giá các mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, mì gói, gạo, nước mắm; thịt, cá các loại… liên tục tăng cao. Nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán tăng hơn 15-30%, cá biệt có những mặt hàng tăng 35-40%. Hiện tại, giá xăng đã giảm nhưng hàng ngày đi chợ chị thấy việc giảm giá các mặt hàng thiết yếu vẫn còn khá “ì ạch”, thậm chí giá thịt lợn còn tăng 10 nghìn đồng/kg. “Với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng đối với gia đình 3 người ở thành phố là không đủ. Gia đình tôi cháu lớn học đại học mỗi tháng phải gửi 5 triệu đồng cho cháu, 7 triệu đồng còn lại chi tiêu cho 2 người bao gồm tiền thuốc, tiền điện, nước, tiền ăn và những thứ phát sinh là khá chật vật. Gần đây, giá cả các mặt hàng tăng khiến chi tiêu của gia đình liên tục âm, tôi đang loay hoay tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống” - chị Vân chia sẻ.

Nhiều gia đình công nhân, người lao động khác có lẽ cũng đang đau đầu với bài toán làm sao để sống với đồng lương ít ỏi, mãi chẳng thể đuổi kịp làn sóng “bão giá” ập đến hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Bài toán đó có khi sẽ lại tiếp tục dùng đến nhiều phép trừ. Trừ đi những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống để bù vào các khoản phải trả thêm cho giá xăng, giá gas, giá điện, giá sữa, giá thực phẩm, giá tiền thuê nhà trọ… Hiện nay, tuy lạm phát vẫn ở mức thấp, việc giá xăng giảm sâu, người dân cũng kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm để người tiêu dùng bớt đi các chi phí. Tuy nhiên thông thường giá sản phẩm đã lên cao, thiết lập mức giá bán mới sẽ rất khó để xuống lại mốc khởi điểm, và nếu giảm giá cũng phải có độ trễ, không thể xuống ngay khi xăng vừa giảm, có khi phải sau 2-3 tháng. Giá cả vẫn cao và một năm học mới sắp tới khiến nhiều người tiếp tục bài toán “thắt lưng buộc bụng” để duy trì cuộc sống./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



Tin đăng tuyển dụng thực tập sinh tại Vieclam24hTìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com