Theo các cụ cao niên thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực), nghề đúc đồng trong thôn đã có từ hàng trăm năm trước. Vào thời kỳ cực thịnh, cả thôn có đến trên chục bễ lò đỏ lửa suốt ngày đêm. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng từ mâm, niêu, nồi, tượng, chuông, khánh, hoành phi, câu đối đến các loại nhạc cụ như: thanh la, não bạt, cồng, chiêng… Từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, sản phẩm của những người thợ đúc, thợ khảm thôn Đồng Quỹ đã có mặt ở khắp nước, xuất ra nước ngoài.
Sản phẩm rùa cõng hạc chạm vàng do gia đình anh Đỗ Văn Việt sản xuất. |
Anh Đỗ Văn Việt là chủ cơ sở đúc đồng Hiền Việt lớn nhất nhì thôn Đồng Quỹ. Ngoài 50 tuổi nhưng có đến ngót 40 năm theo nghề đúc đồng, anh Việt “hóm hỉnh” cho biết: “Tôi biết đúc đồng còn trước cả khi đọc thông viết thạo các chữ trong sách”. Nối nghiệp cha ông, anh Việt là thế hệ thứ 3 trong nhà làm nghề. Ngày trước làm được 1 sản phẩm bằng đồng… rất vất vả vì tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Đầu tiên là phải tạo mẫu “cốt” bằng đất sét hoặc gỗ; sau đó chọn đất để làm khuôn. Đất được chọn làm khuôn phải là loại đất sét trắng dẻo, mịn, chịu nhiệt tốt lấy ở cánh đồng giữa thôn. Chọn được đất sét, thợ đúc đồng tiếp tục phơi khô, tán nhỏ, ngâm nước trộn với bột giấy bao xi măng theo tỷ lệ phù hợp sau đó giã nhuyễn bằng cối. Thợ đúc đắp hỗn hợp đất sét trộn vào cốt mẫu tạo thành khuôn 2 nửa, sau đó rút cốt mẫu ra và dùng đất cùng bột chịu nhiệt làm cốt bên trong. Tiếp đó, khuôn được nung chín, để nguội rồi chỉnh sửa lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt, nung lại 1 lượt ở nhiệt độ 500 độ C, ghép khuôn thành 1 khối. Làm xong khuôn, thợ đúc lại cẩn trọng chọn đồng để đúc. Với các sản phẩm khác nhau, bằng kinh nghiệm làm nghề, người thợ “căn” để chọn các loại đồng vàng, đồng đỏ, đồng tam thất... cho phù hợp. Chọn xong nguyên liệu, thợ đúc cho vào lò nấu cho đồng nóng chảy và rót vào khuôn. Sau khi khuôn nguội, thợ đúc dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục, khảm theo mẫu. Từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, kỹ thuật đúc đồng truyền thống của người dân thôn Đồng Quỹ có trình độ cao, đặc biệt trong đúc tượng. Với các pho tượng, thợ làng nghề luôn phải rất kỹ từ khâu tạo cốt đến nấu. Ngoài ra, khi đúc tượng, thợ nghề còn tự trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về nguyên tắc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan “thổi hồn” nhằm toát lên vẻ đẹp, thần thái của từng pho tượng. Với đúc tượng Phật, tượng Thánh... người thợ làng nghề tìm hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, tâm linh của vị Phật, vị Thánh được dân tôn thờ. Với những bức tượng đồng là danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các vị Thành hoàng làng, người thợ tìm đọc nhiều tài liệu về cuộc đời của các nhân vật được tạc để có thêm cảm xúc, hiểu biết thể hiện tác phẩm. Bởi vậy, mỗi bức tượng ra lò đã thể hiện được thần thái riêng của các nhân vật và tâm tình gửi gắm của mỗi người thợ đúc. Ngày nay, nghề đúc đồng của người dân thôn Đồng Quỹ đã đỡ vất vả hơn rất nhiều do có sự hỗ trợ của máy móc. Anh Việt cũng là một trong những hộ tiên phong đưa máy móc vào để hiện đại hóa nghề đúc đồng truyền thống của địa phương. Anh đặt mua các loại khuôn từ nước ngoài, sắm các loại máy ép để đúc đồng. Nhờ đầu tư thiết bị hiện đại nên chất lượng sản phẩm đúc của cơ sở được nâng lên, tạo thuận lợi cho khâu chạm trổ, hoàn thiện đòi hỏi độ tinh xảo và chính xác cao. Dưới sự hỗ trợ của máy móc, hàng tháng anh Việt sản xuất nhiều sản phẩm hơn, tạo việc làm cho 5-6 lao động địa phương với mức lương từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Sau nhiều thăng trầm, nghề đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ vẫn được gìn giữ. Đến nay thôn có trên dưới 10 cơ sở chế tác, đúc đồng. Trong đó, có 3 cơ sở lớn có sự hỗ trợ của máy móc còn lại các hộ gia đình vẫn đúc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Đúc đồng bằng máy hay thủ công đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, dù sản xuất theo phương thức nào, điều đáng quý hơn cả là người dân làng nghề luôn có ý thức gìn giữ, phát triển nghề xưa, nhiều người trẻ trong thôn hàng ngày vẫn miệt mài làm nghề, gắn bó với nghề. Và từ đó, những sản phẩm đẹp, thẩm mỹ, độc đáo vẫn đều đặn được ra lò, viết tiếp truyền thống làm nghề của thôn làng./.
Bài và ảnh: Lam Hồng và Hoa Xuân