Dịp nghỉ hè là khoảng thời gian để các em được vui chơi giải trí sau một năm học tập căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, không giống như trẻ em ở thành phố được tham gia nhiều lớp học năng khiếu, hoạt động văn nghệ, thể thao…, trẻ em ở vùng nông thôn đang rất thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích.
Vài năm trở lại đây, nhà văn hóa xóm 10, xã Xuân Thủy (Xuân Trường) đã trở thành nơi vui chơi của các em thiếu nhi trong xóm. Với những đồ chơi màu sắc sặc sỡ, độc đáo, lại rất an toàn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi được chế tạo từ những chiếc lốp xe ô tô cũ, những tấm ván bằng gỗ cũ, khung sắt cũ tạo thành 10 khung giàn đa năng, 30 ngựa gỗ, 20 bập bênh, 20 sâu lốp, 60 bồn hoa và 10 bộ cầu zích-zắc đã thu hút các em đến vui chơi, trải nghiệm. Đây là công trình do Tỉnh Đoàn quyên góp, ủng hộ từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và ngày công của đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Mô hình “Sân chơi cho em” tái chế từ những đồ vật cũ thành đồ chơi cho trẻ em đã được Tỉnh Đoàn triển khai tại một số thôn, xóm ở tất cả các huyện đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế, mô hình này còn tạo niềm vui, sự thoải mái về tinh thần cho tất cả các em, nhất là trẻ em ở những vùng nông thôn không có sân chơi cũng như điều kiện để vui chơi.
Niềm vui của nhiều trẻ em nông thôn trong dịp hè. |
Từ năm 2021 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã xây dựng được 56 công trình vui chơi, trị giá 1,7 tỷ đồng cho trẻ em tại cộng đồng, chủ yếu về phát triển vận động như: Cầu trượt, xích đu, cầu bập bênh, sân bóng đá, xà đơn, xà kép, dụng cụ vận động liên hoàn. Tiêu biểu như công trình thanh niên “Bộ dụng cụ thể thao ngoài trời” tại các xã, thị trấn của Huyện Đoàn Hải Hậu trị giá 850 triệu đồng; công trình “Thư viện xanh” tại Trường Tiểu học Xuân Trung của Hội đồng Đội huyện Xuân Trường; các công trình “Sân chơi cho em” của Huyện Đoàn Trực Ninh, Xuân Trường... Tuy nhiên, những công trình này còn rất khiêm tốn so với thực tế hiện nay ở các địa bàn dân cư vùng nông thôn trong tỉnh. Vì thế, những ngày hè này, đi qua các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh không khó để bắt gặp những nhóm trẻ em đá bóng ở khu đất trống ven đường có nhiều xe cộ đi lại hoặc chơi đùa, tắm mát tại sông ngòi. Các em cứ vô tư chơi đùa mà không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy ra. Em Trần Thị Tâm ở thôn Liễu Văn, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) chia sẻ: “Mùa hè nắng nóng, em thường rủ các bạn ra đường để tập xe đạp hoặc tắm ao. Ngoài ra, em không có chỗ nào vui chơi”. Từ khi các con được nghỉ hè đến nay, chị Lan ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) đi làm luôn thấp thỏm, lo âu vì không biết con ở nhà chơi với nhau có an toàn không? Tuy nhiên, với điều kiện còn hạn chế, cũng như con chị, hầu hết các em chủ yếu ở nhà phụ giúp bố mẹ những công việc vặt, xem tivi, chơi game hoặc tận dụng những bãi đất trống, bãi bồi ngoài khu vực sông hồ để vui chơi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm có thể xảy ra. Chị tâm sự: “Trẻ con rất hiếu động và đều mong đến dịp nghỉ hè để được vui chơi. Không có điều kiện đi học các lớp năng khiếu, đi tắm ở các bể bơi như nhiều trẻ ở thành phố hoặc trung tâm huyện, các con chỉ mong có cho mình một chỗ vui chơi an toàn, với vài chiếc cầu trượt, bập bênh, đu quay, nhà bóng để các con có thể ra đó vui đùa, giao tiếp mà không phải ở nhà xem tivi, điện thoại suốt ngày hoặc tìm đến những nơi vui chơi không an toàn khác. Giá như địa phương xây dựng được một điểm vui chơi nho nhỏ ở nhà văn hóa xóm thì những người dân như chúng tôi có thể yên tâm hơn mỗi khi hè về”. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh ở nông thôn, khi được hỏi về việc chăm sóc con cái khi chúng nghỉ hè đều cho biết: gia đình làm nghề nông nên thường là để con cái tự chơi, hoặc đứa lớn trông đứa bé chứ cha mẹ phải đi làm không thể giữ con mãi được. Có những gia đình cũng thấy được vấn đề cần phải cho con cái có khoảng thời gian vui chơi an toàn, bổ ích trong dịp hè, nhưng vì quá bận, quá mệt vì công việc đồng áng, hơn nữa lại không có biện pháp quản lý trẻ em nên việc tìm sân chơi phù hợp với con em mình không được quan tâm nhiều. Với phần lớn trẻ em nông thôn, khi được nghỉ hè, các em cũng đều có chung một suy nghĩ phải giúp đỡ cha mẹ công việc gia đình như trông em, nấu cơm, gặt lúa, cắt cỏ, làm nghề phụ cùng gia đình, tùy vào từng độ tuổi. Nhiều em phải tranh thủ đi làm thêm để giúp đỡ gia đình và kiếm tiền phục vụ cho năm học mới. Không ít em đã trở nên già trước tuổi sau mỗi dịp nghỉ hè vì phải lao động vất vả. Cũng có những gia đình, trẻ không phải đảm đương gì đến công việc nhà, bố mẹ thực sự quan tâm, yêu chiều nhưng cũng không tìm được những sân chơi phù hợp cho con em mình mỗi dịp hè. Có chăng là các hoạt động vui chơi, văn nghệ do chi Đoàn thôn, xóm tổ chức nhưng thường ít nội dung, hoạt động cầm chừng, khá tẻ nhạt và chủ yếu diễn ra trong một tháng trước và trong dịp Tết Trung thu nên cũng khó thu hút
các em. Mô hình được đánh giá cao là để trẻ tiếp cận với sách, truyện, văn hóa phẩm phù hợp với lứa tuổi, giàu trí tuệ. Nhưng thực tế còn quá xa vời với trẻ em ở vùng nông thôn. Nếu có thì cũng thật hiếm hoi hoặc không phù hợp. Nhà văn hóa thôn, khu dân cư ở nhiều nơi trong tỉnh được xây dựng khang trang nhưng phần lớn chỉ dành để hội họp, ít nơi đầu tư các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em. Cách đây vài năm, ở thôn Liêm Trại, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) có mô hình sân chơi cho trẻ em do một người dân tự nguyện hiến đất, đầu tư kinh phí và vận động nhân dân đóng góp ngày công để làm sân và xây hệ thống cầu trượt, bệ chơi bóng bàn, chơi cầu lông, đánh chuyền, ô ăn quan, cây bóng mát… cho trẻ. Sân chơi tuy nhỏ nhưng đã thật sự là niềm vui, niềm tự hào của các em và sự an tâm của những bậc cha mẹ mỗi dịp hè về. Tuy nhiên, chỉ hoạt động được một thời gian, sân chơi đã bị quây lại để phục vụ nhu cầu riêng của gia đình, khiến nhiều trẻ em trong xóm không khỏi nuối tiếc. Những năm gần đây, điểm vui chơi cho trẻ em đã xuất hiện nhiều hơn nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa và xu hướng đầu tư điểm giải trí cho trẻ em của các đơn vị tư nhân. Nhưng ngược với sự phát triển của các điểm vui chơi dịch vụ, những điểm vui chơi công cộng miễn phí cho trẻ em lại quá ít. Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài nâng cao thu nhập thì việc quan tâm đến đời sống tinh thần cho người dân, trong đó có trẻ em rất cần được coi trọng. Tuy nhiên, nhiều địa phương mới chỉ tập trung thực hiện các công trình quan trọng khác mà lại chưa quan tâm tới việc lắp đặt các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em. Xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em cũng là một trong những chỉ tiêu trong xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn mới nhưng nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm.
Việc tạo ra những hoạt động tập thể ngày hè cho trẻ ở nông thôn không chỉ giúp các em được vui chơi thỏa thích mà còn tạo cơ hội cho các em được học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và phát triển bản thân thông qua các hoạt động tập thể. Vì vậy, bên cạnh việc củng cố các hoạt động đoàn ở cơ sở trong hoạt động hè cho thanh thiếu niên, thiết nghĩ, cần tạo sân chơi cho trẻ ngày hè thông qua việc xã hội hóa, tăng cường quản lý, khai thác, phát huy công năng của các công trình công cộng. Mong sao, với sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, trẻ em nông thôn được ưu tiên xây dựng nhiều công trình vui chơi tại cộng đồng dân cư để trẻ em có nhiều điểm vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh trong hè, để tuổi thơ các em thật hồn nhiên, trong sáng và nhiều ước mơ, nhiều khát vọng trưởng thành./.
Bài và ảnh: Hồng Minh