Tuy còn trẻ nhưng chị Nguyễn Thị Thuý Phượng, xóm 1, xã Hải Xuân (Hải Hậu) vượt qua nhiều khó khăn trong môi trường sản xuất may mặc luôn có sự cạnh tranh gay gắt để thành công, từ đó nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thuý Phượng, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dệt may Thuận Phát xóm 1, xã Hải Xuân (Hải Hậu) hướng dẫn thợ trong công ty cắt may. |
Năm 2010, khi thị trường trong nước đang “sốt” về nhu cầu áo chống nắng và các phụ kiện đi kèm như khẩu trang, găng tay…, chị Phượng mạnh dạn bàn bạc cùng chồng, anh trai mở xưởng tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định), cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc. Lý do chị chọn hướng đi khác biệt so với nhiều xưởng may thời điểm bấy giờ, bởi nhu cầu áo chống nắng trên thị trường vô cùng lớn, trong khi các xưởng may, công ty thời trang lại ít “để ý”. Hơn nữa nguồn nguyên liệu để may đồ chống nắng tương đối dễ nhập, giá thành không quá cao. Nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường, giúp chị “thắng lớn” trong năm đầu tiên mở xưởng. Thương hiệu áo chống nắng, khẩu trang Thuận Phát được nhiều người tiêu dùng ưa thích bởi chất liệu vải dày dặn, bền đẹp, đường may chắc chắn, mẫu mã đa dạng và giá thành rất phải chăng. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiểu thương chợ Rồng (thành phố Nam Định) và nhiều tỉnh, thành lân cận nhập đến đấy. Có những tháng công nhân trong xưởng phải liên tục tăng ca để đảm bảo tiến độ đơn hàng. Kinh tế gia đình cũng dần khá lên, tạo “bước đà” cho những dự định lớn sau này.
Sản xuất, kinh doanh mặt hàng áo, phụ kiện chống nắng trong khoảng chục năm, đến khi thị trường bão hòa, chị Phượng nhanh chóng tìm hướng đi mới. Năm 2019, sau khi tính toán, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, chị cùng anh trai quyết định chuyển từ may hàng chợ sang các sản phẩm quần áo xuất khẩu với việc mở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dệt may Thuận Phát đặt tại xóm 1, xã Hải Xuân. Các sản phẩm may mặc chính của công ty là áo jacket, quần áo mùa đông, xuất đi các nước châu Âu và Mỹ; trong đó nước Mỹ có số lượng lớn tiêu thụ các mặt hàng áo jacket của công ty. Tâm sự về “duyên” đến với thị trường may mặc nước ngoài, chị Phượng kể: “Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát đã tạo ra rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường may mặc cho chúng tôi. Công ty đã làm việc với các văn phòng trung gian xuất, nhập khẩu và ký được các đơn đặt hàng lớn với bạn hàng quốc tế. Các đối tác may mặc ở nước ngoài gửi mẫu, thông số kỹ thuật sản phẩm để công ty cắt may. Tuy mẫu có sẵn nhưng xuất đi nhiều nước khác nhau nên trong quá trình may, tôi phải tự cân đối màu, tính toán làm sao cho thông số trên quần áo phù hợp với sở thích, yêu cầu, ngoại hình của người tiêu dùng từng quốc gia. Những chuyến hàng đầu tiên chuyển đi, đối tác rất hài lòng”. Khi bài toán “đầu ra” cho sản phẩm không còn “gánh nặng”, tuy nhiên vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt các thị trường “khó tính” là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng, kỹ thuật sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, chị Phượng buộc phải từng bước “chuyên nghiệp hóa” các khâu sản xuất, đặc biệt coi trọng các yếu tố kỹ thuật, vệ sinh công nghiệp. Nhà xưởng được xây dựng rộng rãi, đạt tiêu chuẩn với nhiều loại máy móc tiên tiến như máy lập trình, máy ép nhiệt, máy gà, máy bọ, máy bọ điện tử… Quy trình sản xuất hiện đại, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của khách hàng từng bước giúp công ty phát triển. Trung bình hàng tháng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dệt may Thuận Phát xuất từ 6.000-7.000 sản phẩm, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương, trong đó lao động nữ chiếm 80% với thu nhập từ 4-10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2021 của công ty đạt trên 5 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2022, công ty đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn trong thời gian nông nhàn, chị Phượng đang kết hợp với một số hội, đoàn thể, phối hợp với các trường dạy nghề để đào tạo nghề cho chị em có nhu cầu học nghề may trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Từ xưởng may nhỏ đến công ty may chuyên nghiệp, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng đã thực hiện được ước mơ của mình. Thành công từ đam mê và khả năng nhanh nhạy trong kinh doanh, nghiên cứu thị trường còn giúp chị Phượng trở thành tấm gương tiêu biểu của phụ nữ nông thôn trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên