Làng nghề làm gối mây Tiên Hào

06:04, 15/04/2022

Nghề làm gối mây ở thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) đã có từ hàng trăm năm nay, được duy trì và đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Những ngày tháng 4-2022, đến với làng nghề truyền thống, chúng tôi hòa vào không khí lao động vui vẻ, hăng say, được say sưa tìm hiểu về truyền thống làng nghề, được gặp gỡ người thợ, tìm hiểu các công đoạn tạo ra những sản phẩm gối mây. 

Nghề làm gối mây ở thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đặc biệt là người lớn tuổi.
Nghề làm gối mây ở thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đặc biệt là người lớn tuổi.

Theo lời các cụ cao niên trong thôn, vào đầu đời Nguyễn, có cụ Nguyễn Văn Tại, người làng Kẻ Tiên (tên cũ của thôn Tiên Hào) vào sinh sống ở Xã Đoài, nay thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An) học được nghề làm gối mây đã về truyền dạy lại cho người dân trong làng. Ban đầu, gối mây được gọi là gối nghệ, dùng gỗ xoan làm cốt, đan sợi mây bọc xung quanh. Thời điểm đó, dây mây được nhập về từ các tỉnh như Thanh Hoá, Hoà Bình và một phần khai thác từ các địa phương trong tỉnh. Nghề được phát triển mạnh mẽ, có thời gian ở Tiên Hào, người người, nhà nhà cùng đan gối. Những chiếc gối mây vàng óng được phơi, xếp la liệt từ cổng làng đi vào. Ngày nay, nghề đang dần bị mai một, không còn nhộn nhịp như xưa, dẫu vậy vẫn thu hút nhiều lao động. Công việc phù hợp với người có tuổi, bởi làm gối mây không quá nặng nhọc, vất vả. Để làm được một chiếc gối đẹp, bền, có hoạ tiết trang trí bắt mắt và khi sử dụng hiệu quả cao thì người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu. Mây được lựa chọn phải là loại thân già, vỏ bóng, chặt theo từng đoạn phơi ráo nước để khi chẻ nan sẽ dẻo dai và được nhiều nan. Tùy từng loại gối với kích thước khác nhau, người thợ sẽ chẻ nan cho phù hợp. Nan sau khi chẻ xong sẽ được phơi thêm cho khô và chà bóng sao cho không còn xơ và tránh ẩm mốc. Hoàn thành khâu chuẩn bị nguyên liệu mây, người thợ bắt tay vào làm khung cho gối. Khung gối thường làm bằng gỗ mít vì gỗ nhẹ và có mùi thơm; khi gối đầu, người dùng sẽ cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu, thư giãn. Từ chiếc khung này, thợ đan gối dùng những sợi dây mây khéo léo cuốn quanh để hoàn thành sản phẩm. Có những người thợ lâu năm, khéo tay còn cài hoa văn cho từng chiếc gối. Sau khi gối hoàn thành lại tiếp tục được phơi nắng để cho mây khô kiệt và được hong trên gác bếp hoặc hơ bếp lửa để không còn rằm hay tơ mây đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ bền, đẹp và an toàn. Ngày nay ngoài sợi mây tự nhiên, người dân ở thôn Tiên Hào với tài hoa và sự khéo léo còn sử dụng sợi nilon giả mây để làm gối. Loại sợi này có ưu điểm là rẻ hơn, bền, nhiều màu và dễ trang trí.

Ngày nay, nghề làm gối mây ở Tiên Hào được sản xuất theo dây chuyền hiện đại, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu nên vẫn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với nhiều độ tuổi lao động khác nhau. Trong thôn vẫn có trên 200 hộ dân tham gia làm gối mây với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ xuất bán tại thị trường trong nước, sản phẩm gối mây của thôn Tiên Hào còn được xuất bán sang nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan... Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Minh có quy mô lớn nhất, nhì trong thôn, tạo việc làm cho hàng trăm công nhân trên địa bàn. Những chiếc gối có giá dao động từ 25-80 nghìn đồng/chiếc, tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng và nguyên liệu tạo ra chiếc gối. Đặc biệt, thời gian này khi dịch bệnh COVID-19 đã dần được kiểm soát, ổn định nên người dân làm gối trong thôn như ông Minh đã bớt lo hơn về đầu ra của sản phẩm. Ông Minh cho biết: “Sản phẩm gối mây của cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra về chất lượng của các nước nhập khẩu. Tôi rất vui vì đến nay vẫn duy trì và phát triển được nghề mà cha ông đã để lại. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất bán ra thị trường từ 5.000-6.000 chiếc gối, thậm chí có những tháng xuất bán 10 nghìn chiếc gối”. Ngoài cơ sở của ông Minh, trong thôn còn có một số cơ sở làm quy mô lớn, bao đầu ra sản phẩm cho người dân trong thôn như cơ sở của các ông Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Thinh, Trần Văn Liễu... Ông Phạm Anh Tuấn ở thành phố Nam Định sử dụng sản phẩm gối mây của thôn Tiên Hào cho biết: “Sản phẩm gối mây của thôn Tiên Hào vừa thoáng mát, giúp giấc ngủ ngon hơn vừa giảm cảm giác đau mỏi vai gáy khi thức dậy. Ngoài những tác dụng tốt cho sức khỏe, những chiếc gối mây với vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên, thân thiện với môi trường lại rất dễ dàng vệ sinh”.

Từ sự tâm huyết với nghề truyền thống của những người dân thôn Tiên Hào, sản phẩm gối mây tiếp tục được gìn giữ và phát triển. Nghề không chỉ gìn giữ một nét tinh hoa văn hóa mà còn giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com