Thời gian qua, tình trạng chợ tự phát, buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè tái diễn ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Nam Định, mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên chỉ đạo, cắm biển cấm, kẻ vạch quy định trên vỉa hè. Thực trạng đó không chỉ khiến người đi đường bức xúc, mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ.
Một số người có hành vi lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Thế nhưng, đi dọc nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định như: Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Phú, Trần Huy Liệu, Văn Cao… chúng tôi thấy nhiều người dân buôn bán kinh doanh vẫn lấn chiếm ra bên ngoài vạch kẻ trên vỉa hè để buôn bán. Tình trạng người dân tràn ra lòng, lề đường buôn bán đặc biệt diễn ra nhiều vào ngày nghỉ, ban đêm, khi không có lực lượng chức năng đi tuần. Vỉa hè bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa...; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường được nhiều người cho là “thuận tiện”, bởi người mua chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm ngay những nhu yếu phẩm cần thiết. Vì vậy việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường hay các chợ tự phát dường như trở nên quen thuộc và dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của nhiều người dân. Từ đó lòng đường, vỉa hè sẽ bị thu hẹp lại, ảnh hưởng đến việc đi bộ và việc lưu thông của người, phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Người dân tham gia giao thông, cũng như người đi bộ tập thể dục trên các tuyến đường phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường khiến việc lưu thông và đi bộ tập thể dục trên vỉa hè gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đoạn đường, hàng quán, xe dựng tràn hết vỉa hè, khiến người đi bộ không còn chỗ đành phải đi xuống lòng đường. Điều đó rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bà Trần Thị Cúc, ở đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết: “Đoạn đường tôi thường đi bộ thể dục vào buổi tối đầy hàng quán, xe máy trên vỉa hè, người đi bộ không có lối đi nên phải đi xuống lề đường. Nhiều lúc tôi đi bộ cảm thấy vô cùng bất an, bởi có thể bị xe cộ đâm phải bất cứ lúc nào”. Trên đường Đặng Xuân Bảng, vào khoảng thời gian 4 giờ chiều, nhiều người dân mang rau, quả, thịt, cá... bày bán, họp chợ. Mặc cho các phương tiện giao thông đi lại đông đúc, người bán, người mua vẫn ngang nhiên trao đổi hàng hóa ngay dưới lòng đường. Chị Nguyễn Thị Nơi, ở gần khu vực người dân hay tự ý họp chợ trên đường Đặng Xuân Bảng cho biết: “Dù việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến mưu sinh của nhiều người dân nhưng theo tôi, việc lấn chiếm lề đường để họp chợ thực sự rất nguy hiểm. Đặc biệt vào giờ tan tầm, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp do người mua dừng đỗ xe dưới lòng đường để mua hàng nên gây ra va chạm với các phương tiện giao thông khác. Các lực lượng chức năng cũng đã có những biện pháp xử lý nhưng nhiều người dân vẫn chưa nghiêm túc chấp hành nên chỉ được một thời gian ngắn “đâu lại vào đấy”. Thực tế, đã có những trường hợp tai nạn xảy ra do không thể quan sát biển báo, đèn tín hiệu do bị biển hiệu quảng cáo che khuất; ngoài ra cũng có những vụ trộm cắp, cướp giật xảy ra đối với các trường hợp đỗ xe trên hè phố, lòng đường để mua, bán mà không có người trông giữ. Có thể nhận thấy, nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm kể trên, trước hết là ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của một số hộ dân còn hạn chế. Dù hầu hết người dân đều nhận thức được hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình vi phạm. Các xã, phường trên toàn địa bàn thành phố đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, hè phố, tuy nhiên, việc chiếm dụng trái phép vẫn diễn ra khá thường xuyên, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát.
Để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền cũng như kiên quyết, kiên trì xử lý vi phạm của các hộ dân cố tình vi phạm, góp phần lập lại trật tự đô thị, tạo cho đường thông, hè thoáng và hạn chế tai nạn giao thông./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa