Đậm ngọt chè xanh Tây Côi Sơn

08:01, 14/01/2022

Từ hàng trăm năm trước, vùng đất cổ Tây Côi Sơn, thị trấn Gôi (Vụ Bản) đã nổi tiếng với món chè xanh đặc sản, hương thơm ngát, màu vàng xanh, sóng sánh và ngọt đậm nơi cổ họng khi thưởng thức. Ấm nước chè xanh trở thành nét văn hóa ẩm thực gắn bó với mỗi người dân nơi đây. Trải qua bao năm tháng thăng trầm, người dân Tây Côi Sơn vẫn gìn giữ và phát triển cây chè xanh bản địa, đặc sản của thiên nhiên ban tặng.

Người dân khu phố Tây Côi Sơn cắt tỉa chè xanh.
Người dân khu phố Tây Côi Sơn cắt tỉa chè xanh.

Dưới bóng cây thị già hơn 200 năm tuổi, nhấp ngụm nước chè xanh sánh đặc hãm từ lá chè hái ở vườn nhà, ông Trần Hữu Học, tổ dân phố Tây Côi Sơn say sưa kể về cây chè xanh đặc sản. Ông cho biết: Các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ cây chè bén duyên với đất Non Côi cằn cỗi từ khi nào. Chỉ biết rằng những người con xa quê thường quay quắt nhớ ngụm nước chè quê nhà; khách phương xa đã uống chè xanh Tây Côi Sơn chỉ ước được mang cả vườn chè đi theo. Ông chỉ biết từ lúc lớn lên đã thấy trong xóm bóng dáng cây chè khắp làng. Nhà nào cũng trồng chè, ít thì một vạt bờ ao, nhiều thì cả vườn, hái lá luân phiên hãm uống quanh năm. Xưa kia thế hệ ông cha của tôi thường tưới chè bằng nước giếng đá ong trong làng và bón gốc bằng bùn ao ủ mục. Vườn chè cha ông để lại đến nay đã trên trăm tuổi, gốc to bằng cổ chân, mốc thếch, vẫn chỉ chăm bón bằng phân lân thay bùn ao, tuyệt nhiên không sử dụng bất cứ một loại hóa chất kích thích tăng trưởng nào. Mỗi phiến lá chè đều to, óng mượt, tím nhẹ ở búp non, rất giòn, dễ gãy dập và đậm hương thơm. Chè Tây Côi Sơn ngon nhất nếu thu hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn và hái ở những cây chè đã đủ 3 năm tuổi, cách lần thu hoạch trước đó đủ 5 tháng. Cành chè vừa đến độ bánh tẻ, không quá già, cũng không quá non; cành chè vươn đủ cữ khoảng 50cm, trong đó có 30cm cành non, 20cm cành bánh tẻ. Chè hái non thì nước không đậm ngọt, hái khi đã già thì khi hãm nước có màu đỏ đục. Khi thu hái cũng chỉ dùng tay bẻ cành, mà không dùng dao, kéo để cắt cành. Khác với mọi nơi, chè Tây Côi Sơn không hãm nguyên lá mà người dân còn tước vỏ cành chè non hãm cùng mới đúng vị. Để chè ngon sánh vàng còn phụ thuộc vào cách hãm. Xưa kia chè được hãm bằng nước giếng đá ong dưới chân núi; sau này nhà nào cũng có bể hay chum nước mưa dành riêng hãm chè; giờ thì dùng nước máy thay nước mưa nhưng chè vẫn ngon ngọt nguyên chất. Chè xanh Tây Côi Sơn còn “kén” cả bình hãm, chỉ “ưng” tích sứ Bát Tràng vừa đủ độ dày cho chè “ngấu”, để chè không bị “ngốt” như hãm trong phích cũng chẳng bị “sống” như hãm trong bình nhựa. Cả tổ dân phố đến nay chỉ còn vài chục hộ có vườn chè. Trong đó có 5 vườn chè cổ, mỗi vườn có khoảng 200 gốc tuổi đời trên 100 năm của gia đình ông Sâm, bà Đổng, cô Mùi, bà Quyển. Những vườn chè này cũng chỉ đủ hái làm quà biếu anh em bạn bè, con cháu quanh vùng. Nhà trong xóm có công, có việc muốn dùng chè cổ Tây Côi Sơn tiếp khách phải đặt trước vài ba tháng mới được. Người dân Tây Côi Sơn quý chè, trọng tình làng nghĩa xóm nên vẫn giữ nếp mỗi khi năm hết, Tết đến dặm tỉa vườn chè chuẩn bị đón xuân, chọn những cành ngon nhất, bó gọn gàng, mang biếu xóm giềng, người thân tiếp khách ngày xuân. Chè ở những vườn “trẻ” tuổi hơn tuy kém ngon so với vườn chè trên trăm năm tuổi nhưng cũng đắt khách không kịp ra đến chợ đã hết. Chè xanh Tây Côi Sơn đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Người dân khu phố Tây Côi Sơn trò chuyện, thưởng thức chè xanh sau những giờ lao động vất vả.
Người dân khu phố Tây Côi Sơn trò chuyện, thưởng thức chè xanh sau những giờ lao động vất vả.

Ông Trần Ngọc Đĩnh, tổ trưởng dân phố Tây Côi Sơn cho biết: Biết giống chè bản địa quý, chúng tôi rất muốn nhân rộng nên cả khu phố Tây Côi Sơn nhà nào có đất vườn cũng đều trồng chè. Nhưng rất lạ là cùng dải đất mà chất lượng cây trồng mới không được như những vườn chè cổ. Thậm chí ngay cả những gốc chè cổ khi di chuyển ra trồng ở chỗ khác trên cùng một thổ đất vườn ấy nhưng cây chè không sống được; việc nhân giống cũng khó khăn hơn bởi mang chè đi trồng ở nơi khác ngoài rẻo đất Tây Côi Sơn thì vị chè chuyển khác mặc dù được chăm bón đúng quy trình. Có lẽ bởi chất đất, thổ nhưỡng ở đây khá đặc biệt, đất ven núi nhưng lại pha cát, hoàn toàn không có giun, dế sinh sống. Có lẽ cây chè lại được hấp thụ khí núi và mạch nước ngầm từ trong lòng núi. Không chỉ người địa phương mà bất cứ khách phương xa nào đều có dịp qua Tây Côi Sơn, thưởng thức ngụm chè xanh nóng hổi ở đây thì đều nhớ mãi. Thế nên, bà con vẫn băn khoăn làm thế nào để quảng bá, giới thiệu được những vườn chè cổ này và hương vị chè xanh Côi Sơn đặc biệt đến với nhiều người. Thiết nghĩ Tây Côi Sơn cách khu quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Giầy và khu du lịch núi Gôi, núi Ngăm của huyện Vụ Bản không xa. Do đó ngoài việc chỉnh trang, lưu giữ vườn chè cổ, có thể tạo dựng không gian để du khách trải nghiệm vườn chè cổ, thưởng thức bát chè xanh dân dã với các nông sản đồng màu quê hương như ngô nếp, lạc, khoai lang, rồi kẹo lạc, kẹo vừng. Khách du lịch sau khi vào phủ lễ Mẫu, lên non vãng cảnh có thể thong thả tham quan vườn chè, thưởng thức vị chè xanh đậm ngọt của Tây Côi Sơn, trở ra chọn mua thịt bê thui trứ danh. Do đó người dân Tây Côi Sơn mong muốn được hỗ trợ cách lưu giữ bảo vệ vườn chè cổ, phát triển, nhân giống chè quý cũng như tổ chức, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm tham quan vườn chè kết nối với các điểm du lịch tâm linh sinh thái quanh vùng để có thể giới thiệu sản vật địa phương đến với du khách bốn phương và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của quê hương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com