Ra khơi những ngày đầu năm

08:01, 13/01/2022

Những ngày đầu năm 2022, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng lại vươn khơi, bám biển khai thác thủy, hải sản. Sau khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, những ngư dân đều hy vọng một năm mới thắng lợi, tàu, thuyền đầy ăm ắp “lộc biển”.

Ngư dân Hải Hậu ra khơi (ảnh 1); Thu hoạch thành quả sau chuyến đi biển tại bến cá Giao Hải, huyện Giao Thủy (ảnh 2).  Ảnh: chu thế vĩnh và thanh hoa

Ngư dân Hải Hậu ra khơi.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, nguồn thủy hải sản khai thác về chỉ tiêu thụ nội địa, cùng với đó giá cả cũng giảm xuống... Dẫu vậy hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân vẫn liên tục vươn khơi, bám biển. Từ sáng sớm, tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), những chiếc tàu chở đầy tôm, cá đã nối đuôi nhau cập bến. Vừa tất bật đưa hải sản lên bờ, ngư dân Lê Văn Ký ở huyện Hải Hậu vừa chuẩn bị đá lạnh, nhiên liệu để tàu tiếp tục ra khơi, đánh bắt. Ông Ký cho biết: “Dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo được công việc thường xuyên cho lao động, chúng tôi phải tranh thủ thời gian để ra khơi đánh bắt, tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Tàu khai thác xa bờ của ngư dân Trần Văn Trung ở huyện Giao Thủy vừa cập bến sau chuyến đi đầu năm đánh bắt cá thu với khoảng 4-5 tấn cá thu. Ông chia sẻ: “Mới là chuyến biển đầu tiên của năm 2022 nên chưa biết kết quả cả năm thế nào. Tôi mong rằng năm nay dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt, thời tiết ổn định để ngư dân đánh bắt được nhiều cá”. Không chỉ riêng những tàu cá xa bờ, ngư dân đánh bắt gần bờ cũng tích cực ra khơi và thu được nhiều cá khoai, cá mực... Chợ cá Giao Hải (Giao Thủy) là nơi trao đổi, mua, bán hải sản của người dân các xã Giao Hải, Giao Nhân, Giao Long... Từ 5 giờ sáng, trên đê đã có hàng trăm xe máy xếp thành dãy dài và các loại xe tải nhỏ nằm chờ lấy hàng. Những tàu cá bắt đầu trở về sau một đêm dài hành trình; những tàu cá nhỏ vào sát bờ, tàu lớn hơn phải đậu bên ngoài vùng nước êm, rồi chuyển hải sản bằng thuyền nhỏ vào bờ. Những gánh cá nặng trĩu là dấu hiệu cho một ngày bội thu. Chỉ trong một đêm đi biển, ngư dân Phạm Đức Trọng, xã Giao Hải đã thu được gần một tạ cá khoai, mực, bề bề, moi… Ông Trọng cho biết, chi phí cho mỗi lần đi biển hết khoảng 3-3,5 triệu đồng/chuyến. Vì đánh gần bờ, thời gian ngắn nên lượng hải sản khai thác được chỉ bán khoảng 6-7 triệu đồng/chuyến, trừ những ngày vào mùa mực, mùa sứa thì lượng đánh bắt được nhiều hơn.

Ngư dân Hải Hậu ra khơi (ảnh 1); Thu hoạch thành quả sau chuyến đi biển tại bến cá Giao Hải, huyện Giao Thủy (ảnh 2). Ảnh: chu thế vĩnh và thanh hoa

Thu hoạch thành quả sau chuyến đi biển tại bến cá Giao Hải, huyện Giao Thủy.

Ảnh: Thanh Hoa

Để tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm lao động, sản xuất, Ban quản lý các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh đã điều động nhân viên, phân ca trực, sẵn sàng hỗ trợ tàu, thuyền ra, vào cảng cá. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa được sắp xếp trật tự, đảm bảo việc lưu thông thuận lợi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương và các đồn, trạm biên phòng tích cực bám sát địa bàn, tiến hành rà soát, thống kê phân loại tàu cá và hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Ngoài ra, Chi cục cũng tập trung tuyên truyền vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi; tổ chức thống kê, kiểm tra, giám sát sản lượng nghề khai thác hải sản; phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu khai thác thủy sản bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tham mưu, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản, hướng dẫn ghi sổ nhật ký khai thác và báo cáo khai thác cho ngư dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá; củng cố xây dựng công tác dự báo ngư trường, thông tin kịp thời đến ngư dân dự báo ngư trường khai thác, trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép đánh bắt. Ngoài việc đảm bảo công tác hậu cần, dịch vụ nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý các cảng cá, bến cá tập trung tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Những ngư dân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hoặc có dấu hiệu bị sốt sẽ không được vào khu vực cảng cá, bến cá. Đối với khu vực trao đổi hàng hóa, mua bán tại cảng cá, Ban quản lý cũng thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân, các thương lái phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bội thu những ngày đầu năm 2022 là những tín hiệu tích cực sau những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngư dân mong ước sẽ có một năm đầy thắng lợi, dịch bệnh sớm được kiểm soát, thủy hải sản được giá để tạo thêm động lực “vươn khơi, bám biển”./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com