Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 nhưng cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt tìm hướng vượt khó để duy trì phát triển. Dự kiến năm 2021, ngành thương mại, dịch vụ vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với năm trước, góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Siêu thị Co.opmart Nam Định luôn đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng dịch cho khách hàng. |
Trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp và hàng chục nghìn cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất của người dân. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Trong đó, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động. Đặc biệt tại những địa bàn có bệnh nhân COVID-19, một số chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở dịch vụ phải đóng cửa tạm dừng hoạt động. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, ngoài một số cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như giải khát, làm đẹp, dưỡng sinh; quán ăn sáng vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm phải tạm dừng hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; đến thời điểm hiện tại, do tình hình dịch bệnh phức tạp trên địa bàn tỉnh vẫn còn 1 chợ đầu mối, hàng chục chợ dân sinh và hàng nghìn cơ sở kinh doanh hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống dân sinh trong khu vực cách ly y tế phải tạm ngừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đời sống, thu nhập của các hộ kinh doanh. Trước khó khăn này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh để giữ ổn định sản xuất, thúc đẩy thương mại phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xúc tiến thương mại, chào hàng, ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa bằng hình thức trực tuyến ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Đối với thương mại nội địa, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng tập trung hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ duy trì chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, mua bán hàng hóa của người dân. Trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại - dịch vụ, xây dựng văn minh thương mại; chú trọng thị trường nội địa, gắn kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng trong tỉnh, tạo thuận lợi cung ứng hàng hóa thiết yếu, chất lượng cao phục vụ nhân dân các địa bàn nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá. Kiểm soát, ổn định thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật. Đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn các trung tâm thương mại, chợ dân sinh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong kinh doanh thương mại. Cùng với các ngành chức năng, các hộ kinh doanh, dịch vụ của tỉnh đã nỗ lực tìm hướng phát triển mới để thích ứng với tình hình mới. Thành phố Nam Định hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và khoảng 12.500 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ tại 336 tuyến phố thương mại, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị. Hiện tại 100% các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố đều dán mã QR để khách hàng khai báo y tế điện tử; có dung dịch sát khuẩn tay phục vụ khách hàng và khẩu trang dự phòng. Đồng thời, thành phố chỉ đạo các phường, xã tổ chức cho 100% số hộ kinh doanh, thương mại ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố có chợ Rồng và 2 chợ dân sinh cùng rất nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên nhờ linh hoạt đổi mới hình thức kinh doanh, các hộ đang hoạt động đều duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chị Vũ Thị Nga, kinh doanh hàng may mặc tại chợ Rồng cho biết: Trước đây để phòng, chống dịch, các tiểu thương ở chợ đã áp dụng tối đa các biện pháp phòng chống dịch theo quy định 5K. Ngoài ra, tôi khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến, phát triển thêm dịch vụ bán hàng qua mạng, ship hàng đến địa chỉ cho khách để hạn chế tiếp xúc. Đầu tháng 11-2021, có ca bệnh COVID-19 của người kinh doanh tại chợ Rồng nên phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, các hộ kinh doanh không đến chợ nhưng vẫn duy trì giao dịch bán hàng online. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh giao thương vẫn được duy trì, phương thức bán hàng trực tuyến cũng phát huy vai trò tích cực đối với nhóm các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải khát, ăn uống. Chị Hoàng Thị Thảo, chủ một nhà hàng bán đồ ăn sáng tại phố Hoàng Văn Thụ cho biết: Trước đây gia đình tôi mở cửa từ sáng sớm đến gần trưa, khách khá đông. Thực hiện quy định về phòng, chống dịch, tôi vẫn duy trì hoạt động hiệu quả và có lãi nhờ bán hàng mang về và ship hàng đến địa chỉ cho khách, mỗi ngày tôi bán được từ 150-200 suất. Sự thích ứng nhanh nhạy của người kinh doanh dịch vụ đã giúp giữ “nhiệt” thị trường.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giầy đã duy trì, ký kết được nhiều đơn hàng mới với đối tác nước ngoài và là điểm “san sẻ” hợp đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh bạn trong vùng dịch thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với đối tác. Đặc biệt Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu thành công 200 nghìn hộp ngao thịt đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu trong tổng hợp đồng 2 triệu hộp cho năm 2022. Với sự nỗ lực áp dụng các biện pháp kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, trong năm nay, hoạt động thương mại dịch vụ đã biến thách thức thành cơ hội, cán đích thành công với nhiều tín hiệu vui. Ước tính giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm 2020; giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt gần 60 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư, phát triển với việc đưa vào khai thác chuỗi các cửa hàng tiện ích, cửa hàng cung ứng sản phẩm OCOP của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương