Câu chuyện dạy thêm, học thêm với những mặt tiêu cực được nói tới từ lâu và là thực trạng rất khó khắc phục nhiều năm nay. Đặc biệt, cả khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, trong lúc học sinh các cấp học đang rất khó khăn trong việc tới trường để học trực tiếp, thì vấn nạn dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn diễn ra không kém phần “sôi động”.
Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất thường, phức tạp nên việc học tập chính khóa của học sinh khá vất vả do phải linh hoạt thay đổi khi trực tiếp, khi trực tuyến (học online). Trong bối cảnh đó, dù ngành GD và ĐT đã ra văn bản nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong mùa dịch song tình trạng dạy thêm không giảm mà còn nở rộ cả học trực tuyến, trực tiếp. Chị Lan Hương, có 3 con, trong đó 1 cháu đang học tiểu học, 2 cháu học THPT trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: Các con chị đều phải học thêm online trong khi lịch học online chính thức đã kín. Các nhóm học thêm này do giáo viên bộ môn tự tổ chức dạy theo “cặp” bộ môn. Các nhóm giáo viên tự tổ chức những lớp dạy thêm trực tuyến với hàng chục học sinh mỗi nhóm, thậm chí có những “nhóm” học thêm nhưng gần như toàn bộ học sinh trong một lớp đăng ký học. Việc học thêm diễn ra ở tất cả các cấp học, các lớp, đặc biệt là ở các khối lớp đang chuẩn bị chuyển cấp như lớp 5, lớp 9, lớp 12, ở các khu vực đông dân cư như thành phố và các thị trấn trên địa bàn tỉnh. Để “hợp lý hóa” tính tự nguyện của việc dạy thêm, giáo viên thông báo cho học sinh về “xin ý kiến” bố mẹ xem có đồng ý cho con học theo nhóm hay không. Trên thực tế, phụ huynh dù không muốn cũng buộc phải “tự nguyện” cho con học thêm vì không muốn con mình yếu kém so với các bạn và cô giáo sẽ “không vui”.
So với học trực tiếp, phần lớn mức thu học thêm trực tuyến “mềm” hơn, khoảng 20-30 nghìn đồng/buổi/học sinh. Tuy nhiên mức thu này chỉ áp dụng ở khu vực nông thôn, còn tại khu vực thành phố, chị T ở ngõ 75, đường Điện Biên, phường Cửa Bắc có 2 con đang học lớp 5 chuẩn bị thi lên lớp 6 và lớp 8, chia sẻ: Trung bình các nhóm học thêm trực tuyến thu khoảng 35-50 nghìn đồng/học sinh/buổi. Tuy dạy thêm trực tuyến nhưng các cô vẫn thu phí bằng lúc các cháu đi học thêm trực tiếp. Cũng theo chị T, mức thu đó là còn khá “nhẹ nhàng”, chị chỉ băn khoăn nếu học trực tiếp thì các cháu được tiếp thu kiến thức như nhau. Song học trực tuyến có trường hợp, có buổi chất lượng sóng kém, các cháu học không được. Rồi có buổi học online liên tục, mệt nên các cháu uể oải, trễ nải, học không hiệu quả (!). Chị Thanh Mai, một phụ huynh có con đang học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn thành phố chia sẻ: “Không cho con học thì tôi cũng rất áy náy vì học trực tuyến các cháu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, tôi lo cháu không nắm được đầy đủ các kiến thức cơ bản theo chương trình chính khóa để thi lên lớp 10, trong khi đó đã sắp kết thúc học kỳ I, thời gian học và ôn luyện để các con thi lên lớp 10 không còn nhiều”. Cá biệt, với học sinh lớp cuối cấp như lớp 5, lớp 9, để chuẩn bị cho con thi vào các trường điểm, trường chuyên, phụ huynh còn lo cho con theo học trực tuyến các môn tiếng Việt, Toán, tiếng Anh với các nhóm do giáo viên các trường điểm, trường chất lượng cao dạy, mỗi nhóm khoảng 10-15 cháu với mức phí mỗi buổi học lên tới 150-200 nghìn đồng/cháu. Khi đó, nếu không cho con học thêm cô giáo của lớp tổ chức thì phụ huynh “ngại” mà theo thì vừa thừa (đã học thêm giáo viên giỏi), vừa tốn kém, con lại phải học quá nhiều không còn thời gian nghỉ ngơi. Còn chị Mai Lê, phường Vị Hoàng (thành phố Nam Định) cho biết: “Thường thì giáo viên dạy thêm trực tuyến khoảng 2 tiếng/môn học, nhưng mỗi buổi học thường được tranh thủ xếp 2 môn vào các buổi chiều không có tiết dạy theo thời khóa biểu của nhà trường, nên các con phải ngồi học online 4 tiếng trước máy tính. Kết thúc mỗi buổi học, các con rất mệt mỏi”. Không chỉ dạy thêm trực tuyến, khi tình hình dịch chuyển biến tích cực, nhiều lớp dạy thêm cũng tranh thủ chuyển sang trực tiếp. Một phụ huynh ở phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) chia sẻ: Mặc dù dịch bệnh nhưng chị vẫn cho con đi học thêm nhà cô giáo, vì lo con sẽ bị hổng kiến thức. Tuy nhiên khi con học thêm trực tiếp, chị luôn trong tâm trạng nơm nớp lo lắng, bởi chị thấy không phải cháu nào cũng tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ gìn khoảng cách...
Từ nhiều năm học trước, Bộ GD và ĐT đã có các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng học thêm, dạy thêm không đúng quy định. Ngay từ đầu năm học 2021-2022, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ĐT có nêu: “nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”. Mới đây vấn đề dạy thêm lại được đưa lên nghị trường Quốc hội khóa XV, sáng 11-11-2021. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đoàn Bạc Liêu về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương bám sát Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30-3-2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Trong các công văn chỉ đạo mới đây của Sở GD và ĐT cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành “nghiêm cấm việc tổ chức dạy và học thêm dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên việc nghiêm cấm mới chủ yếu trên văn bản!
Các cơ quan chức năng, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan, sai quy định, có chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp lạm dụng dạy thêm không cần thiết. Các bậc phụ huynh phải khắc phục tâm lý e ngại, nể nang, sợ con em mình bị giáo viên “xét nét” nếu không tham gia học thêm..., để việc thực hiện các quy định cấm dạy thêm không đúng được khắc phục./.
Vân Giang